Tháng 11/2000, các nhà khảo cổ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bắt đầu khảo sát sơ bộ một di chỉ ở gần thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Họ sử dụng công cụ đặc biệt có tên xẻng Lạc Dương, loại xẻng do những tay trộm mộ phát minh và sau này được các nhà khảo cổ học sử dụng, để đào sâu xuống lớp đất cứng giữa mùa đông lạnh giá.

Di chỉ có những dấu tích liên quan tới Ân Khư, kinh đô cuối cùng của nhà Thương (1600-1046 TCN), triều đại đầu tiên được xác định rõ ràng nhờ các bằng chứng lịch sử ở Trung Quốc. Họ xác định được ngôi mộ dán nhãn M54.

Trời ngày càng lạnh, nhóm khảo cổ quyết định hoãn khai quật tới mùa xuân, chờ trời tan băng. Nhưng tới giữa tháng 12, thông tin phát hiện mộ cổ đã lan rộng, thu hút những tay trộm mộ mò tới. Lo lắng ngôi mộ bị đào trộm, các nhà khảo cổ học quyết định đẩy nhanh tiến độ.

cats-8587-1728703132.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-3-VJw4JbpxdegNPQs380A

Sơ đồ mộ M54 với quan tài ở giữa, xung quanh là xương cốt người hiến tế và đồ vật tùy táng. Đồ họa: Sixthtone

Mất một tuần để họ dọn sạch lớp đất trên đỉnh mộ và thành quả thu được khiến người ta sửng sốt. Dưới lòng đất là một hố chôn rộng được bảo tồn trong trạng thái hoàn hảo chứa hài cốt một quý tộc cuối đời nhà Thương. Tường đất ngôi mộ cao gần 1,8 m bao quanh một căn phòng dựng bằng gỗ sơn đen. Một chiếc quan tài sơn đỏ thẫm đặt bên trong, vây quanh là vô số món đồ tùy táng, trong đó có 15 xác người hiến tế, 15 con chó hiến tế, cũng như đồ đạc phục vụ cuộc sống của người ở thế giới bên kia.

Sau 40 ngày khai quật, họ tìm được 579 hiện vật gồm các món đồ bằng đồng, ngọc bích, đồ gốm, đá, xương, vỏ sò, tre, ngà voi và lá vàng. Xét về số lượng hiện vật, M54 là ngôi mộ lớn thứ hai được khai quật ở Ân Khư, chỉ thua mộ của Phụ Hảo, hoàng hậu của vua Võ Đinh nhà Thương đồng thời là một vị nữ tướng nổi tiếng.

Những năm tiếp theo, các hiện vật và di vật khai quật được làm sạch, phục chế và phân tích. Chúng cung cấp cho các nhà khảo cổ góc nhìn chi tiết về đời sống quý tộc của một trong những vương quốc hùng mạnh nhất, thành lập sớm nhất ở Trung Quốc.

pic-1-4258-1728703132.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KQqHJqw9brxG2DphlKMLRA

Bình rượu bằng đồng hình con trâu trong mộ Trương tướng quân. Ảnh: Sixthtone

Hiện vật bằng đồng là những món được tìm thấy nhiều nhất tại các di chỉ khảo cổ nhà Thương. Mộ M54 có 256 món bằng đồng trong đó đáng chú ý nhất là bình rượu đồng hình con trâu có chiều dài 40 cm, bề rộng 52,5 cm, chiều cao từ nắp xuống chân là 22,5 cm, nặng 7,1 kg.

Nắp và thân của bình rượu ban đầu được phát hiện ở hai vị trí cách xa nhau trong căn phòng, thân vỡ làm nhiều mảnh vụn. Wang Haoyi, kỹ thuật viên được giao nhiệm vụ phục chế bình rượu, phải sắp xếp từng mảnh vỡ, chế tạo những mảnh không thể khôi phục và cuối cùng, hàn chúng lại với nhau để phục dựng hình dáng ban đầu.

Bình được thiết kế dựa theo hình dáng loài trâu nước hoang dã, hay còn gọi là trâu sừng ngắn, từng sinh sống ở khu vực đồng bằng miền trung Trung Quốc tới vùng giữa và hạ lưu sông Dương Tử. Loài này đã tuyệt chủng. Xương của chúng được tìm thấy nhiều ở Ân Khu.

pic-3-2156-1728703132.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qflFlb-RxQru4k-6CUR-Mg

Dao găm bằng ngọc. Ảnh: Sixthtone

Một món đồ khác đáng chú ý là dao găm bằng ngọc dài 25,5 cm, rộng 2,9-3,3 cm và dày 0,5 cm. Ye Shuxian, người đứng đầu Hiệp hội Thần thoại Trung Quốc kiêm chuyên gia nghiên cứu ngọc, từng ví "tôn thờ ngọc" là dấu hiệu đặc trưng của nền văn minh Trung Quốc.

Mộ M54 có 224 hiện vật bằng ngọc, số lượng chỉ sau hiện vật bằng đồng. Tại Ân Khư, các hiện vật bằng ngọc thường được tìm thấy trong mộ hoàng gia và quý tộc, chỉ có một vài mảnh xuất hiện trong mộ dân thường. Số lượng hiện vật bằng ngọc trong M54 cho thấy địa vị cao của chủ nhân ngôi mộ khi còn sống.

Giống nhiều hiện vật khác trong mộ, con dao găm là minh chứng cho nghề thủ công phát triển của triều Thương. Thợ thủ công thời gian này đã kế thừa và tinh chỉnh các kỹ thuật chạm khắc ngọc bích. Các món ngọc tìm thấy đều có thiết kế phức tạp, hoa văn cân đối và nhiều chi tiết tinh xảo.

pic-4-5422-1728703132.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kF8981uCPCHHjK01aOL2ZQ

Bàn tay bằng đồng. Ảnh: Sixthtone

Trong số tất cả hiện vật khai quật ở M54, bàn tay bằng đồng là món đồ khó lý giải nhất bởi trong gần một thế kỷ khai quật các di chỉ ở Ân Khư, các nhà khoa học chưa từng phát hiện bất kỳ món đồ nào như thế này.

Một số người cho rằng nó có thể là một món đồ dùng để lấy thịt từ vạc trong các nghi lễ cúng bái. Có người nghi ngờ bàn tay là một chiếc quyền trượng, thậm chí có thể là dụng cụ gãi lưng.

Theo He Yuling, trưởng nhóm khai quật, bàn tay có thể là một chi giả. Chủ nhân ngôi mộ bị mất một phần cánh tay và bàn tay giả được đặt gần xác ông. Có thể người này mất tay trước khi chết nên con cháu đã an táng một chi giả bằng đồng cùng quan tài. Tuy nhiên, việc cánh tay này có từng được người chết sử dụng khi còn sống hay không vẫn là câu hỏi chưa lời giải.

"Đây chỉ là suy đoán", ông nói. "Khảo cổ học thường xuyên để lại cho chúng ta nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp và đó là sức hấp dẫn của khảo cổ".

Vậy người được chôn trong mộ M54 là ai? Giải đáp câu hỏi này tương đối đơn giản. Tất cả 131 hiện vật bằng đồng khai quật trong mộ đều khắc chữ Ya Zhang hoặc Zhang (Trương). Ở triều Thương, chữ Ya chỉ một viên tướng chỉ huy quân đội, Trương có thể là họ của một gia tộc. Do đó, người trong mộ có thể là tướng quân họ Trương đồng thời là trưởng tộc dòng họ.

Các nhà khoa học đặt tên cho chủ nhân ngôi mộ là Trương tướng quân. Bộ sưu tập vũ khí đồ sộ trong ngôi mộ, trong đó có 7 chiếc rìu bằng đồng, cho thấy chiến tích của Trương tướng quân. Chiếc rìu lớn nhất nặng 5,96 kg, trang trí bằng hoa văn tinh xảo, có dấu hiệu bị mòn, chứng minh từng được sử dụng khi đánh trận.

skeleton-4943-1728703132.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YXfFka4SRWb5OvkGRpGJVQ

Các mẩu xương của Trương tướng quân. Ảnh: Sixthtone

Khoa học kỹ thuật hiện đại cung cấp thêm manh mối về ngôi mộ. Phân tích đồng vị stronti và oxy trong xương của Trương tướng quân cho thấy ông không phải người bản địa Ân Khư mà quê quán ở cách đó hơn 300 km, độ tuổi khi chết là 35.

Nguyên nhân cái chết cũng bất thường. Trên xương cốt của Trương tướng quân có 7 vết thương rõ ràng, bao gồm ba vết cắt sắc nhọn dài khoảng một cm ở phần trên cánh tay trái, các vết chém ở vùng xương sườn trái trước ngực và phía sau xương đùi. Vết thương nghiêm trọng nhất xuyên qua bên phải xương chậu không có dấu hiệu lành lại.

Điều kỳ lạ nhất là hài cốt có rất nhiều hạt tiêu Tứ Xuyên rang. Đây là loại gia vị thu hái từ cây bụi thơm có nguồn gốc ở vùng tây nam Trung Quốc ngày nay. Tiêu Tứ Xuyên không chỉ dùng để nấu ăn mà còn để tạo mùi hương. Nhưng tại sao loại gia vị này lại xuất hiện trong hài cốt của Trương tướng quân?

Từ những vết tích trên bộ xương và đồ tùy táng trong mộ, các nhà khoa học suy đoán Trương tướng quân đã tiên phong trong trận chiến cho tới khi bị một mũi giáo đâm trúng bụng. Cái xác có thể đã bị hai phe tranh giành, dẫn tới vết cắt sâu vào tận xương sườn bên trái. Cuối cùng, binh sĩ phe ông chiến thắng, khiến ông thoát được cảnh bị chặt đầu hoặc chặt xác, nhưng họ không thể cứu sống Trương tướng quân.

Họ đưa xác ông về kinh đô, sử dụng hương liệu để khử mùi. Khi trở về kinh thành, vua Thương đã cho an táng long trọng Trương tướng quân, xứng với địa vị xã hội và chiến tích của ông.

Hồng Hạnh (Theo Sixthtone)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022