Ngày nay, khi nhắc đến chuẩn mực vẻ đẹp Hàn, người ta nghĩ ngay đến những cô gái mắt to, da trắng mịn, hàm thon gọn. Dưới sự ảnh hưởng của người nổi tiếng, truyền thông và cả quan điểm về vẻ đẹp phương Tây mà ngành công nghiệp Hàn Quốc đang ngày càng nở rộ và phát triển với tốc độ vũ bão.

Bước vào một cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi hàng loạt sản phẩm với những công dụng làm đẹp khác nhau như miếng dán tạo mắt hai mí hay keo dán kích mí mắt. 

Kim Lena, 37 tuổi, hiện làm tại một công ty game, cho biết cô ấy là tín đồ của mỹ phẩm từ thời niên thiếu. Khi bước vào đại học, cô cùng 2 người bạn cùng phẫu thuật thẩm mỹ để có được đôi mắt hai mí mà người trẻ ai cũng ao ước. “Tôi không còn phải sử dụng biện pháp tạm thời như keo dán mí để có được đôi mắt hai mí nữa”, cô tự hào cho biết. 

Tiến sĩ Jung Hyunwook, có trụ sở bệnh viện tại Seoul cho biết nhiều người coi phẫu thuật tạo mắt hai mí là biện pháp vĩnh viễn thay cho miếng dán và keo dán. Anh hiện đang công tác tại quận Gangnam, nơi được mệnh danh là “thủ đô của ngành phẫu thuật thẩm mỹ”. 

screenshot-2023-03-09-161430-1678353348770962880715-1678411207684-16784112095431867335183.png

Các bảng quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ làm đẹp có mặt ở khắp mọi nơi

Trở thành nước châu Á “xuất khẩu” vẻ đẹp  

Người Hàn có thái độ rất cởi mở với phẫu thuật thẩm mỹ, nên không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc là quốc gia có số ca phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất thế giới: Cứ 1000 người thì có hơn 13 người phẫu thuật thẩm mỹ. Đây cũng là nước sản xuất và xuất khẩu filler, botox lớn ở châu Á. 

Nhờ trình độ tay nghề chất lượng cao của các bác sĩ thẩm mỹ, nhiều người đổ xô tới Hàn Quốc để làm phẫu thuật, nhất là các nước châu Á như Trung Quốc. Năm 2017, tại Hàn Quốc, ngành phẫu thuật thẩm mỹ xếp thứ hai sau da liễu về nhu cầu tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa toàn quốc. Đàn ông Hàn Quốc cũng dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mỹ phẩm. Những thông tin trên phản ánh tâm lý đề cao vẻ ngoài của người Hàn. 

Khao khát được xinh đẹp xuất chúng như idol

Một trong những nguyên nhân lớn khiến người Hàn hiện đại luôn đặt nặng vẻ bề ngoài là do tâm lý “sùng bái” người nổi tiếng (thậm chí còn cực đoan hơn Nhật Bản hoặc châu Âu). Người Hàn Quốc muốn trở nên giống với ngôi sao mà họ yêu thích. Gương mặt người nổi tiếng trở thành một thước đo của vẻ đẹp thời đại. Nhiều người trẻ rất hâm mộ đường nét hoàn hảo từ các idol nên không ngại can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ. 

screenshot-2023-03-09-161300-16783533487841957815462-1678411213543-16784112138041957034634.png

Những người nổi tiếng có vẻ ngoài ưa nhìn được gọi là wanpan - có nghĩa là “bán chạy” - do khả năng bán sản phẩm nhờ vào sự ảnh hưởng của họ. Ví dụ như thương hiệu mắt kính Gentle Monster ở Seoul, thành công chỉ đến với thương hiệu này khi sản phẩm của họ được các ngôi sao sử dụng. Trong bộ phim My Love From Another Star (Vì sao đưa anh tới), nữ diễn viên Jun Ji Hyun đã dùng son môi của Yves Saint Laurent trong nhiều phân cảnh, kết quả là dòng son này sau đó bán rất chạy tại Hàn Quốc và Trung Quốc.

147995original-1678353648308173979472-1678836733267-16788367336341336576093.jpg

Jun Ji Hyun đã giúp dòng son môi của Saint Laurent bán chạy

screenshot-2023-03-09-161225-16783533486452002841291-1678836736829-16788367370431449205022.png

Nữ ca sĩ Rose của nhóm nhạc Blackpink trong một chiến dịch quảng cáo

K-beauty là thuật ngữ chỉ vẻ đẹp chuẩn Hàn, bao gồm cả các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đến từ xứ kim chi. K-beauty được định giá 12,4 tỷ Euro (15,2 tỷ đô la) và chiếm thị phần lớn nhờ sức ảnh hưởng của K-pop và làn sóng Hallyu, thuật ngữ chỉ văn hoá đại chúng của đất nước này.

Kim Chung Kyung, người được coi là nghệ sĩ trang điểm đầu tiên của Hàn Quốc và đã từng làm việc với những người nổi tiếng trong hơn 30 năm qua, cho biết: “K-beauty đánh vào tâm lý mong muốn sở hữu một làn da hoàn hảo. Làn da trắng sứ được coi là một quy chuẩn cho vẻ đẹp Hàn. Điều này có thể bắt nguồn từ thực tế rằng nước da trắng về mặt truyền thống tượng trưng cho địa vị cao quý. Hàn Quốc từng là một xã hội nông nghiệp, nơi mà các tầng lớp cao không phải làm việc dưới ánh mặt trời và do đó họ có làn da trắng hơn”. Cô Kim Chung Kyung gần đây đã tung ra các dòng sản phẩm của riêng mình và gây được tiếng vang lớn nhờ sản phẩm có khả năng làm trắng da hiệu quả. 

Nadeera Dawlagala, một bác sĩ phẫu thuật tại New York, cho biết: “Tôi ngưỡng mộ các loại sản phẩm và chi phí phẫu thuật phải chăng dành cho người thu nhập khác nhau ở Hàn Quốc. Ở Mỹ, chỉ những người có thu nhập cao mới phẫu thuật thẩm mỹ hoặc được tiếp cận với các sản phẩm, quy trình chăm sóc da tốt nhất”.

Không chỉ đầu tư chất lượng sản phẩm mà người Hàn cũng chú trọng các bước dưỡng da. Nếu như thông thường bạn chỉ chăm sóc da khoảng 5 bước đổ lại thì các chuyên gia K-beauty ủng hộ quy trình 10 bước chặt chẽ: tẩy trang, rửa mặt bằng nước, rửa mặt bằng sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết, bôi toner, serum, đắp mặt nạ… Có lẽ vì không bỏ qua bước nào nên người Hàn mới sở hữu làn da đáng mơ ước đến vậy.

Không ai muốn bị bỏ lại trên đường đua

Sự khao khát được đẹp hơn mỗi ngày không chỉ đơn giản xuất phát từ nhu cầu “sao chép” người nổi tiếng. Na Jinkyung, giáo sư tâm lý học chuyên về nghiên cứu khác biệt văn hóa phương Đông và phương Tây, chỉ ra rằng chủ nghĩa tập thể của người Hàn Quốc đã góp phần khuyếch đại tiêu chuẩn vẻ đẹp mới. 

Na Jinkyung nhận định, khi có một tiêu chuẩn xã hội về cái đẹp được công nhận rộng rãi, người Hàn sẵn lòng thay đổi bản thân, ví dụ thông qua phẫu thuật, để hoà nhập với môi trường của họ. Nhiều người định nghĩa giá trị bản thân thông qua sự chấp nhận của người khác, trái ngược với tâm lý vị kỷ của phương Tây (tập trung vào lòng tự tôn của mình)”.

Giống như các nước châu Á điển hình, Hàn Quốc cũng từng là một quốc gia nông nghiệp nên từ xa xưa con người đã có ý thức cộng đồng rất rõ nét. Người Hàn Quốc đã phải phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh tập thể để sinh tồn. Trái lại ở phương Tây, sự phát triển của ngành buôn bán và thương mại đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, vì khả năng cạnh tranh là dựa trên sự khác biệt.

Có một số ý kiến khác cho rằng mong muốn hòa nhập có thể bắt nguồn từ quá khứ đầy biến động của đất nước. Sang Min Whang, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về bản sắc dân tộc học Hàn, cho biết: “Xã hội Hàn có một nét đặc trưng là hành vi chạy theo xu hướng, một điều khá phổ biến của các dân tộc thuộc địa”

Whang cũng giải thích thêm: “Người Hàn Quốc nhạy cảm với quyền lực, đặc quyền và địa vị vì tâm lý sinh tồn nhất định. Điều này phần nào giải thích tại sao họ háo hức học hỏi theo người nổi tiếng”.

Kết

Tất nhiên, xã hội loài người nói chung vốn đã rất coi trọng ngoại hình, sắc đẹp giống như một loại vũ khí vô hình giúp bạn có thêm lợi thế trong cuộc sống, nhưng tại Hàn thì tư tưởng trọng ngoại hình được nâng cao lên một tầm cao mới. Ngày nay, văn hoá “trọng ngoại hình” (lookism) đang lan rộng và bám rễ trong mọi mặt đời sống của người Hàn. 

Là người dân sinh sống tại đây, bạn bắt buộc phải thật chú ý đến ngoại hình của mình nếu không muốn bị bỏ lại, bị tước đi cơ hội tốt trong cuộc sống hay bị đánh giá bởi ánh mắt của người xung quanh, đặc biệt phụ nữ Hàn phải chịu rất nhiều áp lực để luôn trông trẻ đẹp và đầy sức sống. 

Để giảm bớt gánh nặng này, chính quyền Seoul đã giảm bớt các quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tại các ga tàu điện ngầm vào năm 2022, đồng thời lên kế hoạch hạn chế quy định bắt buộc phải thêm ảnh cá nhân vào hồ sơ xin việc. 

Michael Hurt, một nhà xã hội học và giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul hy vọng rằng sẽ không có người phụ nữ nào bị kỳ thị vì ngoại hình hoặc thậm chí bị đuổi việc vì không trang điểm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022