"Tình cảnh thật khó khăn, nhưng không còn cách nào khác", Pratheem nói khi ngồi trên chiếc minubus. "Tôi đã xếp hàng đợi được 10 ngày, nhưng kể cả có đợi như vậy cũng không được đổ đầy bình".

Pratheem đang ở gần vị trí đầu hàng, đằng sau anh là hàng dài xe bắt đầu từ trung tâm thủ đô Colombo, xếp dọc theo con đường ven biển, tiếp tục kéo dài thêm 5 km.

Pratheem là tài xế chuyên chở khách du lịch. Trước đây, anh đưa họ tham quan khắp đất nước, nhưng hiện chỉ có thể thực hiện các chuyến đưa đón từ sân bay. Số xăng có được sau 10 ngày xếp hàng sẽ cho phép Pratheem chạy được ba "cuốc" xe, trước khi phải quay lại hàng chờ lần nữa.

Người thân của Pratheem thỉnh thoảng sẽ đến thế chỗ để anh có thể về nhà ăn uống, tắm rửa trong vài giờ, nhưng nhiều người khác trong hàng thậm chí không thể làm điều đó.

Ngay sau Pratheem là vô số xe buýt. Nhà của nhân viên soát vé Guna và tài xế Nishantha trên một chiếc xe buýt quá xa, họ buộc phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. "Ba ngày tôi mới tắm một lần, đi vệ sinh và tắm rửa ở đây đều mất phí", Guna nói.

afp-com-20220716-partners-075-3539-5571-1658127966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8oysj656KsdgCQw4cS7Jgw

Hàng dài xe ba bánh xếp hàng chờ đổ xăng ở Colombo, thủ đô Sri Lanka, ngày 16/7. Ảnh: AFP.

Xa hơn một chút trong hàng là một nhóm kỹ sư phần mềm và nhân viên ngân hàng. Họ phân công chờ xếp hàng theo ca, một nửa sẽ về nhà qua đêm, trong khi nửa còn lại ngủ trong xe để di chuyển theo hàng đợi, cũng như bảo vệ xe khỏi kẻ gian.

"Tôi không thể diễn tả bằng lời, thật quá khủng khiếp", Ewantha, một thành viên trong nhóm, nói, kể rằng anh đang cố gắng làm việc từ xa tại quán cà phê gần đó, hoặc sử dụng laptop trong ôtô.

Những người khác phàn nàn về tình trạng ẩu đả thường xuyên khi xếp hàng dưới trời nắng nóng, nhưng Ewantha cũng ca ngợi tình đoàn kết, sẻ chia ở đây, khi một số doanh nghiệp địa phương cho họ sử dụng nhà vệ sinh của công ty.

"Một lần tôi ngủ trong xe và để dép bên ngoài, khi tỉnh dậy thì chúng đã biến mất", Ewantha cười, nói. "Tuy nhiên, tên trộm đã để lại đôi dép rách nát của anh ta để tôi sử dụng".

Theo Nishan de Mel, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Verite Research, trụ sở ở Colombo, Sri Lanka, các vấn đề gốc rễ gây nên cuộc khủng hoảng vẫn tồn tại cho đến khi đất nước chọn được bộ máy lãnh đạo mới có đủ năng lực và tiến hành những cải cách căn bản nhằm đảm bảo không còn tham nhũng.

Lãnh đạo tương lai của Sri Lanka sẽ phải tìm cách giải quyết khủng hoảng kinh tế, với ưu tiên hàng đầu là đạt thỏa thuận cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhập thêm xăng dầu.

Theo Secunder Kermani, bình luận viên BBC, Sri Lanka sẽ cần nhiều năm và nhiều quyết định tài chính khó khăn mới có thể phục hồi từ cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ở cuối hàng xe, Chandra, một nhân viên bảo hiểm nhân thọ, đang chuẩn bị tinh thần dành cả tuần tới ăn ngủ trong xe để chờ đổ xăng. Xe anh hầu như không còn xăng, nên có thể phải đẩy xe trong suốt quá trình chờ đợi này.

"Tôi chỉ đang lãng phí thời gian của mình", Chandra nói trong thất vọng.

afp-com-20220716-partners-075-5386-2129-1658127966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mtL2sFicNZYEw8_0xyCp7Q

Một người đàn ông nằm trong xe ba bánh chờ đổ xăng ở Colombo, thủ đô Sri Lanka, ngày 16/7. Ảnh: AFP.

Kể từ khi Pratheem bắt đầu xếp hàng chờ mua xăng, Sri Lanka đã chứng kiến những chuyển biến chính trị "chưa từng có". Các cuộc biểu tình nổ ra trên đường phố đã buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải tuyên bố từ chức và chạy ra nước ngoài.

Tình trạng bất ổn tại Sri Lanka chưa lắng dịu sau khi đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền hôm 16/7 chọn quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe làm ứng viên cho ghế tổng thống. Ông vừa ban bố tình trạng khẩn cấp thứ hai trong vòng 5 ngày, nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội.

Việc SLPP chiếm đa số tại quốc hội khiến ông Wickremensinghe nhiều khả năng trở thành tân tổng thống Sri Lanka. Thông báo đã vấp phải phản ứng phẫn nộ của người biểu tình tại thủ đô Colombo. Họ cho rằng ông Wickremesinghe trong 6 nhiệm kỳ thủ tướng Sri Lanka đã ra sức bảo vệ gia tộc Rajapaksa trước các cáo buộc tham nhũng.

Nhân viên soát vé Guna cho biết anh từng có giai đoạn tham gia cùng đoàn biểu tình tiến vào Văn phòng Thủ tướng. "Tôi đã rất sốc trước lối sống xa hoa của ông ấy", Guna nói.

"Ông ấy cũng chỉ là một Rajapaksa khác mà thôi", Yunus, một người xếp hàng chờ mua xăng trong nhóm của Ewantha, nói.

Đức Trung (Theo BBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022