Tranh cãi xảy ra giữa cụ bà và cô gái trên chuyến bay của hãng Jiangxi Airlines từ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, tới Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, SCMP ngày 5/7 đưa tin. Cô gái lên máy bay và phát hiện ghế in trên vé của mình đang có một phụ nữ lớn tuổi ngồi.

Khi cô đề nghị được trả lại chỗ ngồi, cụ bà kiên quyết không chấp nhận. "Thanh niên các cô nên nhường cho tôi", bà nói, trong khi cô gái cho rằng mình không có lý do gì để nhường chỗ.

doa-non-neu-khong-nhuong-cho-tren-may-bay-1688544370.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MP7bFDQoVJv3CLZwbPJ3pw
Dọa nôn nếu không nhường chỗ trên máy bay

Màn tranh chấp giữa cụ bà và cô gái trên chuyến bay ngày 20/6. Video: Sina

Khi tranh cãi giữa hai người trở nên quyết liệt, một nam tiếp viên tiến đến và bênh vực người phụ nữ lớn tuổi. "Bác ơi, cháu sẽ tìm cho bác ghế khác", người này nói, sau đó quay sang chỉ trích cô gái: "Đừng cãi nhau nữa, nếu không cô sẽ bị buộc tội gây rối công cộng".

Hãng hàng không Jiangxi Airlines tuyên bố đã xử lý vụ tranh cãi theo hướng hòa giải và đưa hành khách lớn tuổi sang ghế khác.

Cô gái sau đó cho biết trên mạng xã hội rằng người phụ nữ lớn tuổi nói "muốn ngồi cạnh cửa sổ vì bị huyết áp cao và bệnh tim". "Bà ấy nói rằng nếu tôi không đổi chỗ, bà sẽ nôn vào người tôi. Bà ta còn nói tôi phải chịu trách nhiệm nếu bà ta lên cơn bệnh", cô cho biết.

Nữ hành khách này cũng cáo buộc chồng của cụ bà đã có hành vi đe dọa hành hung cô sau khi máy bay hạ cánh.

Sự việc gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc, khi nhiều người chỉ trích hành vi của người phụ nữ lớn tuổi và tiếp viên hàng không, cũng như văn hóa ứng xử trên máy bay.

"Tôi không hiểu sao cụ bà tự tin rằng mình có lý khi gây sự như thế. Phải chăng bà ấy cho rằng mình lớn tuổi nên có quyền?", một người viết.

"Cậu tiếp viên nên xin lỗi. Cậu ta cáo buộc cô gái gây rối trật tự công cộng, nhưng lại đối xử tử tế với chính người đã gây rối và chửi bới người khác", một tài khoản khác bình luận.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng cảnh báo người dùng mạng xã hội về hiện tượng "bắt nạt trên mạng", cho rằng mọi người nên thận trọng với "cảm giác giả tạo về công lý". "Một số bình luận không phải là ý kiến bình thường, mà là những lời rao giảng đạo đức để trút giận. Nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp, chúng sẽ trở thành bạo lực mạng", trang People.com.cn đăng bài xã luận.

Hồng Hạnh (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022