Quầy này được bệnh viện Sanikukai ở khu Kinshicho, Tokyo, thiết lập hồi đầu tuần với thiết kế dạng cửa kéo, cho phép các bà mẹ đến và để lại con nhỏ dưới 4 tuần tuổi mà không phải tiết lộ danh tính.
Quầy này được thiết kế như một không gian an toàn cho trẻ sơ sinh, hoạt động 24/24. Cảm biến sẽ bật ngay khi trẻ được đặt vào trong qua cửa kéo. Nhân viên y tế sẽ đón trẻ trong vòng 30 giây để kịp thời chăm sóc và bảo vệ các bé.
"Những bi kịch liên quan đến trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hay trẻ em bị bạo hành dẫn đến tử vong vẫn tiếp diễn. Chúng tôi đang nỗ lực tạo ra một xã hội mà những sáng kiến này không còn cần thiết nữa", Hitoshi Kano, giám đốc bệnh viện Sanikukai, nói.

Quầy tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở bệnh viện Jinkei, Kumamoto, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Ý tưởng thiết lập quầy tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bắt nguồn ở Đức, nơi có khoảng 100 bệnh viện cung cấp dịch vụ như vậy. Bệnh viện Sanikukai là cơ sở thứ hai lập quầy này ở Nhật Bản, sau bệnh viện Jinkei ở Kumamoto hồi năm 2007, thời điểm bắt đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kể từ đó, bệnh viện Jinkei đã tiếp nhận 179 em bé được để lại quầy. Giới chức bệnh viện đã làm việc với các trại mồ côi và cơ quan điều phối cho nhận con nuôi để đảm bảo phúc lợi cho các em.
Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng dân số già hóa, khi tỷ lệ sinh liên tục suy giảm, trong bối cảnh người trẻ ở nước này không muốn kết hôn, sinh con do áp lực kinh tế, công việc, xã hội.
Hồi tháng 10 năm ngoái, một cô gái 20 tuổi bị bắt với cáo buộc bỏ rơi con sơ sinh trong túi nhựa tại nhà ở tỉnh Chiba. Ba tháng trước đó, một cô gái 28 tuổi cũng bị bắt với cáo buộc bỏ thi thể bé trai sơ sinh vào nhà vệ sinh trong sân golf ở Kobe.
Yoko Tsukamoto, giáo sư Đại học Khoa học Sức khỏe Hokkaido, cho biết một trong những nguyên nhân khiến người trẻ ngần ngại sinh con, thậm chí một số trường hợp bỏ rơi con, là do giá cả leo thang, khiến họ không kham nổi việc nuôi dạy con cái.
"Mọi thứ đều tăng giá. Khi nghĩ đến chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ, nhiều người sợ hãi", bà Tsukamoto giải thích. "Nhật Bản cần nhiều người sinh con hơn. Tác động đối với xã hội sẽ rất nghiêm trọng nếu chúng ta không thực hiện được điều này".
Đức Trung (Theo Japan Times, Mainichi, Asahi)