Guayaquil, thành phố cảng 2,8 triệu dân, nơi tổ chức trận chung kết giải bóng đá các câu lạc bộ hàng đầu Nam Mỹ Copa Libertadores vào ngày 30/10, đã liên tục ghi nhận nhiều vụ bạo lực trong những năm gần đây.

Từ đầu năm tới nay, thành phố cảng được gọi là trung tâm thương mại của Ecuador đã ghi nhận 1.200 vụ giết người, cao hơn 60% so với năm 2021, khiến Guayaquil bị gọi chệch thành "Guayakill" (thành phố tử thần).

-3094-1666845585.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=89yhatbXfh3ukWMrpk-YWg

Binh sĩ kiểm tra người dân trong một chiến dịch chống ma túy ở Socio Vivienda II tại thành phố cảng Guayaquil, Ecuador, ngày 10/10. Ảnh: AFP.

Ecuador từ năm ngoái tới nay ghi nhận gần 400 tù nhân thiệt mạng, đa phần diễn ra trong các vụ bạo lực đẫm máu trong nhà tù ở Guayaquil. Thành phố cũng ghi nhận hàng loạt vụ đánh bom xe hay băng đảng thanh toán lẫn nhau.

Chính phủ Ecuador đã ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép triển khai quân đội và tăng cường lực lượng cảnh sát ở Guayaquil từ 1.000 lên gần 10.000 người, nhưng nhiều người e ngại tình hình an ninh không được cải thiện.

"Trước đây, chúng tôi thường đối đầu với những kẻ tội phạm mang vũ khí cỡ nhỏ như súng lục. Nhưng bây giờ, trên đường phố, chúng tôi phải đối mặt với súng trường tự động, lựu đạn, thiết bị nổ của Mỹ", quan chức cảnh sát Luis Alfonso Merino cho hay. "Tình trạng bạo lực đã tăng lên rất nhiều".

Ecuador từng tương đối yên bình, dù nằm giữa hai quốc gia sản xuất ma túy lớn là Colombia và Peru. Tuy nhiên, tội phạm ma túy và buôn người có liên quan tới những băng đảng Mexico như Sinaloa, Gulf Clan và Los Zetas đang mở rộng địa bàn ở Ecuador. Những băng nhóm này tranh giành thị trường địa phương đang phát triển nhanh chóng, tìm cách kiểm soát cảng Guayaquil để vận chuyển ma túy tới châu Âu và Mỹ.

An ninh tại các nhà tù trong thành phố, nơi nhiều băng đảng tranh giành quyền thống trị, ngày càng trở nên bất ổn. Một trong những cuộc bạo động đẫm máu nhất lịch sử Mỹ Latin xảy ra vào tháng 9 năm ngoái, khi 122 người bị sát hại trong nhà tù Guayas 1 ở Guayaquil. Trong cuộc bạo loạn kéo dài nhiều giờ, các tù nhân sử dụng súng, dao rựa, chất nổ truy sát nhau.

"Nhà nước không quản lý nhà tù", Billy Navarrete, chuyên gia của tổ chức nhân quyền CDH nói. Ông cáo buộc lực lượng thực thi pháp luật Ecuador đồng lõa, dung túng cho các tổ chức tội phạm kiểm soát nhà tù.

Chính phủ Ecuador tuyên bố đang tăng cường trấn áp tội phạm băng đảng. Từ năm ngoái tới nay, chính quyền tịch thu tổng cộng 370 tấn ma túy. Trong một báo cáo năm 2019, tình báo Ecuador cho hay có ít nhất 26 băng nhóm tội phạm đang tranh giành kiểm soát thị trường ma túy ở nước này, nhưng một số quan chức cho rằng con số thực tế có thể cao hơn.

Thiếu tá Robinson Sanchez, phụ trách chiến dịch truy quét tội phạm ở Guayaquil, các băng nhóm này "được trang bị vũ khí tốt hơn cảnh sát".

Tại lối ra vào Socio Vivienda II, khu nhà dành cho người có thu nhập thấp và là một trong những nơi nguy hiểm nhất Guayaquil, cảnh sát và binh lính thường xuyên đứng canh gác. Khoảng 20 người mặc đồng phục màu đen, áo chống đạn, tuần tra trên các con phố nhỏ hẹp bằng xe máy.

Socio Vivienda II có ba khu, nơi sinh sống của khoảng 2.400 dân, là tâm điểm trong cuộc chiến giành địa bàn giữa các băng nhóm. Nhiều vụ đấu súng xảy ra từ năm 2019 tới nay, buộc các trường học phải đóng cửa trong những tuần gần đây.

-3807-1666845585.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Hs0qNKWDspIJH_YgyMBJlQ

Khu phố Socio Vivienda II nhìn từ trên cao. Ảnh: AFP.

Các băng nhóm ở khu dưới là Lobos (Sói) và Tiguerones, còn băng Aguilas (Đại bàng) ở khu trên đồi cao. Khi các băng nhóm bắt đầu đụng độ, người dân đã dựng cổng sắt tại cuối mỗi con phố để ngăn ngừa các thành viên băng đảng di chuyển tự do.

Nhưng cảnh sát đã dẹp bỏ các cổng sắt này để dễ hành động và giờ "đạn bay từ phố này sang phố kia", người đứng đầu cộng đồng 45 tuổi giấu tên nói.

Lực lượng tuần tra dừng lại trước một ngôi nhà ở Socio Vivienda, phá cửa xông vào. Họ không tìm thấy ma túy, chỉ thấy ba thiếu niên xăm chữ Tigueron trên tay và không đủ chứng cứ bắt họ. Các băng đảng sử dụng trẻ em dưới 10 tuổi làm người canh gác hoặc truyền tin, theo người dân và cảnh sát khu vực.

Trên đường phố, loại ma túy thường gặp nhất là H, một dạng heroin tạp chất giá rẻ mà người địa phương thường gọi là "thây ma". Lãnh đạo cộng đồng cho hay những chiếc xe tự do ra vào khu phố, vận chuyển ma túy ngay trước mặt cảnh sát.

Nếu bất cứ gia đình nào rời bỏ khu phố vì sợ hãi, các thành viên băng đảng sẽ lập tức chuyển vào chiếm nhà họ, ông nói thêm. Từ đầu năm tới nay, chỉ riêng khu Socio Vivienda II đã ghi nhận 252 vụ giết người, tăng 66 vụ so với năm ngoái.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022