Nhạc sĩ Vinh Sử tên thật là Bùi Vinh Sử, ông sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Vinh Sử được biết đến với sáng tác bất hủ về những bản tình ca nên được mệnh danh là “vua nhạc sến”. Hầu hết các tác phẩm âm nhạc của ông đều là những bản bolero thất tình như: “Nhẫn cỏ cho em”, “Gõ cửa trái tim”, “Không giờ rồi”, “Làm dâu xứ lạ”, “Nối lại tình xưa”,... Trong suốt quá trình sáng tác, ông chủ yếu lựa chọn dòng nhạc quê hương mang tính chúng với hàng. Những câu từ, giai điệu trong các bài hát của ông thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không “môn đăng hộ đối” giữa chàng trai nghèo và cô tiểu thư cành vàng lá ngọc.

-1568-1662775541.jpg

Nói về dòng nhạc mà mình theo đuổi suốt cả cuộc đời, nhạc sĩ Vinh Sử cho rằng: “Nhạc mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng.”

Với danh xưng “vua nhạc sến” cùng chất đời thường vốn có, nhạc sĩ Vinh Sử đã cho ra đời những bài hát khiến biết bao người yêu nhạc “đắm chìm” trong cảm xúc trữ tình sâu lắng. Công chúng biết và yêu nhạc của ông bởi họ luôn thấy mình trong từng giai điệu, từng câu hát. Không chỉ là một trong những người đem âm nhạc bolero dần đi sâu vào lòng công chúng, ông còn là bậc thầy trong việc tạo nên tên tuổi của nhiều giọng ca cả trong nước và hải ngoại. 

Nhạc sĩ Vinh Sử từng chia sẻ: “Dòng nhạc này vốn đã trữ tình, ngọt ngào nên dễ đi vào lòng người, đặc biệt là giới bình dân. Đỉnh cao của dòng nhạc này tại Việt Nam là vào những năm 1960 - 1970, với rất nhiều ca khúc được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cát sét cũng như đĩa nhựa như Nhẫn cỏ cho em, Nỗi buồn hoa phượng,… Đầu thế kỉ 21, Bolero hồi sinh khi hàng loạt các ca sĩ hải ngoại trở về nước. Bên cạnh đó, các sao trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên cũng chọn dòng nhạc này để hát, để ra album. Đây cũng chính là cơ hội khiến Bolero phá cách khi có chất của pop, của nhạc sàn, nhạc điện tử... khiến kéo khán giả trẻ lại gần”.

ca0a15eb429586cbdf84.jpg

Trước tin buồn về sự ra đi của cố nhạc sĩ Vinh Sử, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đã bày tỏ niềm thương tiếc vô cùng cho một tài năng của nền âm nhạc Việt Nam. Danh ca Phương Dung cho biết bà luôn mến mộ tài năng của nhạc sĩ Vinh Sử, bởi những ca khúc do ông sáng tác luôn viết về những đề tài gần gũi với cuộc sống, thấu hiểu nỗi lòng và tâm sự của nhiều cảnh đời. 

Là người đã luôn giúp đỡ nhạc sĩ Vinh Sử những năm cuối đời, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng buồn bã nói: “Tôi từng gặp và làm việc cùng chú vài lần. Chú rất gần gũi và rất đời, anh chị em ca sĩ nào cũng quý mến và kính trọng chú. Tôi xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình của chú cũng như khán giả của chú”. Được biết, anh từng đứng ra kêu gọi và tổ chức show “Gõ cửa trái tim” nhằm quyên góp tiền cho nhạc sĩ Vinh Sử, giúp ông tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

05151e034d7d8923d06c.jpg

Trên trang cá nhân của mình, cháu nội của cố nhạc sĩ Vinh Sử - chị Bùi Nguyễn Uyên đã bày tỏ niềm tiếc thương vô bờ với người ông của mình. Suốt những năm tháng chống chọi với bệnh tật, cô chia sẻ ông là người luôn thẳng thắn nên hay làm mất lòng người khác: “Ông nội hay cười của tôi đã sống khổ sở để mang nụ cười trên môi đến cỡ nào. Vì ông luôn sống thật với chính mình nên xung quanh ai cũng chê bai và dè biểu”. Uyên cũng chia sẻ nhạc sĩ Vinh Sử là một người “Yêu âm nhạc hơn chính bản thân mình” và cho biết bản thân luôn tự hào về ông.

Được biết, khi còn ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, ông ở nhà lầu, xe hơi. Nhưng đến những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ gần như trắng tay. Ông trải qua bốn đời vợ, nhưng về già lại phải chịu cảnh cô quạnh một mình trong phòng trọ ọp ẹp. Cách đây 10 năm, cố nhạc sĩ đã được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư đại tràng khiến ông không thể giao tiếp hay trò chuyện mà phải thở bằng máy, mỗi ngày được truyền máu vì có hiện tượng xuất huyết bao tử. Chứng kiến bệnh tật triền miên cùng gia cảnh nghèo khó của cố nhạc sĩ, nhiều đồng nghiệp đã từng tổ chức những đêm nhạc Vinh Sử, đồng thời giúp đỡ ông vượt qua bệnh tật, khó khăn. Bà Ngọc Lệ, vợ cũ của ông, cũng chính là người chăm sóc ông tới cuối đời. 

571ad615816b45351c7a.jpg
Hình ảnh cố nhạc sĩ Vinh Sử trong những năm chống chọi với bệnh tật

Chia sẻ về tình trạng của chồng, bà Ngọc Lệ cho biết gần đây sức khỏe của ông bị sụt giảm nghiêm trọng. “Ông ấy ra đi không trăn trối điều gì, để lại niềm thương tiếc cho gia đình. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ tận tụy của đội ngũ y bác sĩ đã điều trị cho ông thời gian qua, đồng thời cảm ơn những nghệ sĩ, ca sĩ và khán giả đã yêu mến ông, giúp đỡ, đến thăm trong những ngày cuối cuộc đời của ông”, bà Ngọc Lệ nghẹn ngào chia sẻ. Thời gian qua, nhạc sĩ Vinh Sử nửa tỉnh nửa mê vì xuất huyết bao tử, viêm phổi. Sau ca phẫu thuật ông tiếp tục được điều trị tại bệnh viện, nhưng do tuổi cao, thiếu sức đề kháng nên tình trạng phục hồi diễn ra rất chậm.

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân đã từng kể, thời đó khán thính giả yêu mến dòng nhạc Bolero, Habanera đã dành cho nhạc sĩ Vinh Sử nhiều tình cảm. Ít ai biết rằng tuổi thơ của ông cũng gặp nhiều cơ cực. Năm 10 tuổi, Vinh Sử mới được đi học vỡ lòng và đến 15 tuổi, tức mới học xong bậc tiểu học, thì ông đã… bỏ học để dấn thân vào con đường sáng tác âm nhạc. Dù là người ít học, nhưng trong suốt 60 năm làm nghệ thuật, những tác phẩm của ông như một kho báu đồ sộ với cả trăm bản nhạc được khán giả ở nhiều lứa tuổi yêu thích.

Tang lễ của cố nhạc sĩ được tổ chức tại nhà riêng ở Đường số 11, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh./.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022