Tên tuổi của nghệ sĩ Vân Dung gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X qua một loạt những tiểu phẩm hài, chương trình hài kịch danh tiếng như: Gặp nhau cuối năm - Táo Quân, Đời cười, Gala cười, Gặp nhau cuối tuần,...Nữ nghệ sĩ cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến đêm giao thừa mọi người trong gia đình cô lại quây quần bên nhau để chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và cùng nhau xem Táo Quân. Là người đồng hành Táo Quân trên chặng đường 20 năm, cô coi đây như gia đình thứ 2 của mình vậy. Dù mỗi năm lên sóng có khen, có chê nhưng phải thừa nhận sức hút của Táo Quân khó có chương trình nào có thể thay thế được. Năm 2022 được cho là năm có nhiều chất liệu phong phú để xây dựng, khai thác nhiều vấn đề mới mẻ cho kịch bản cho chương trình Táo Quân năm nay. Mới đây, SAOstar có dịp trò chuyện với nghệ sĩ Vân Dung trước thềm năm mới, cùng cô hoài niệm về Tết tuổi thơ.
- Xin chào nghệ sĩ Vân Dung! Cảm xúc của chị thế nào khi liên tục được góp mặt trong các buổi chầu chương trình Táo Quân xuyên suốt những năm qua?
Tôi không biết diễn tả cảm xúc đó thế nào. Đã 20 năm rồi, cứ đến ngày Táo Quân lên chầu là tôi lại thấy hồi hộp. Lúc nào cũng lo lắng, không biết năm nay mình có được gọi tên không, có được tập thâu đêm suốt sáng cùng các Táo không…Chỉ đến khi nhận được "lệnh triệu tập" cụ thể ngày và giờ ghi hình của chương trình thì lúc ấy mình mới yên tâm.
- Nhiều năm góp mặt trong các buổi chầu. Vậy khó khăn mà chị gặp phải là gì?
Tôi đã trải qua 20 năm gắn bó với gia đình Táo, tất cả khó khăn trong quá trình diễn chúng tôi đều đã vượt qua. Có lẽ, khó khăn lớn nhất bây giờ là vấn để sức khỏe, liệu có sức khỏe để tiếp tục cống hiến nữa không thôi! Chúng tôi cùng nhau trải qua nhiều kỉ niệm vui buồn với mọi cung bậc cảm xúc. Về format Táo Quân, mỗi năm lại có những đổi mới để phù hợp với sự kiện. Mỗi năm tôi lại vào một vai khác nhau, không đóng đinh ở một dạng vai Táo nào. Khi đảm nhận vai diễn đã khó rồi, để vượt ngưỡng 20 năm qua đến hiện tại tôi thấy không còn gì làm khó được mình ngoài vấn đề sức khỏe là quan trọng nhất.
- Chị làm thế nào để phần thể hiện của mình trong Gặp nhau cuối năm luôn có sức hấp dẫn với khán giả? Cách tiếp cận vai, làm mới để không trùng màu mà vẫn bật được chất riêng của mình?
Mỗi Táo đều có đặc thù riêng của ngành nghề đấy. Hơn nữa, cách thể hiện của mỗi Táo đều khác nhau bởi quan trọng vai đó có hay hay không còn phụ thuộc vào sức nóng của Táo đó trong năm đấy diễn ra thế nào. Tức là, vấn đề nổi cộm về sự kiện này có sức nóng như thế nào thì mới hay được. Nếu trong một năm, tất sự kiện đều xảy ra bình thường thì sức nóng cũng ở mức bình thường. Quan trọng, sự kiện đấy có làm người dân bức xúc hay không, có đất diễn, nội dung, câu chuyện ấn tượng thì Táo đấy mới nổi bật.
- Qua mỗi năm, lại đảm nhiệm các vai Táo khác nhau vì không biết mình sẽ đảm nhiệm vào vai Táo nào. Thời gian nhận vai để chuẩn bị cho nhân vật rất ngắn. Vậy chị làm cách nào để nghiên cứu vai diễn của mình để khai thác chất liệu vai diễn đó một cách tròn trịa nhất?
Hiện nay chúng ta đang trong thời đại 4.0, tất cả dữ liệu đều có trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi phải cập nhật thời sự, quan trọng theo dõi thời sự trong một năm đó có gì làm được, chưa làm được, điều gì khiến người dân bức xúc. Khi nắm bắt được mạch mới thể hiện được các vấn đề một cách chuẩn và thật nhất. Sau đó, chúng tôi sẽ ngồi nói chuyện đạo diễn, bạn diễn và phải biết lắng nghe những góp ý, đánh từ họ để mình có cái nhìn khách quan hơn.
- Cường độ tập luyện dày đặc như thế, mọi người cân bằng giữa chế độ ăn, ngủ, nghỉ như thế nào để duy trì chất lượng công việc mà vẫn đảm bảo sức khỏe?
Nói đến tập Táo Quân thì không có cân bằng giữa chế độ ăn, ngủ, nghỉ đâu, chỉ có tập và tập mà thôi. Lúc nào mệt quá thì lăn ra bàn, ra chiếu ngủ, đói thì dậy ăn mì hoặc cơm hộp rồi lại tập tiếp, cứ thế liên tục trong 30 ngày đêm. Được nghỉ một ngày là xa xỉ với gia đình Táo lắm!
- Năm nay NSND Công Lý và nghệ sĩ Xuân Bắc trở lại, nhiều khán giả cho rằng sự thiếu vắng 2 gương mặt 2 nghệ sĩ gạo cội này trước đó trong Táo Quân làm giảm sức hút của chương trình? Chị nghĩ sao về ý kiến này?
Nghệ sĩ Công Lý và Xuân Bắc là điểm nhấn không thể thiếu trong Táo Quân. Cũng như việc, đã là gia đình thì phải đầy đủ các thành viên, chỉ cần thiếu một người đội Táo rất buồn. Tuy nhiên, Táo có hay hay không còn phải phụ thuộc vào thời sự nóng hổi của năm đấy có được đưa vào trong Táo quân hay không, chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào bất cứ người nào trong gia đình Táo. Thiếu vắng ai đấy thì mọi người trong đội Táo đều khắc phục được nhưng quan trọng vẫn là nội dung phải hay, thời sự trong năm phải nóng hổi. Thiếu vắng những đã đứng chung sân khấu 20 năm là cảm giác hụt hẫng lớn nhưng không có nghĩa là đội Táo lùi bước. Chúng tôi vẫn có thể lấp đầy khoảng trống đấy miễn là nội dung hay, đạo diễn giỏi.
- Chị nghĩ gì về việc "trẻ hóa" dàn diễn viên đóng Táo Quân?
Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều nghĩ đến vấn đề này nhưng rất hiếm người trẻ theo nghiệp của chúng tôi nên việc trẻ hóa dàn diễn viên đóng Táo Quân đang là vấn đề khó. Tôi mong rằng “tre già, măng mọc”, có nhiều bạn trẻ hơn theo nghề, nối nghiệp chúng tôi.
- Liệu có phải vì thế hệ trước đã quá tài năng nên việc tuyển chọn các bạn trẻ cũng trở nên khắt khe hơn?
Tôi nghĩ vấn đề ở đây là các bạn hiện nay chưa có nhiều sân chơi để thể hiện. Việc không được cọ sát thường xuyên trên các sân chơi như thế sẽ khó tìm ra được những nhân tố. Quan trọng phải có sân chơi liên tục để các bạn phát huy điểm sáng, tài năng.
- Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ký ức những cái Tết xưa của gia đình nghệ sĩ Vân Dung có điều gì khác biệt?
Gia đình nghệ sĩ cũng giống như những gia đình bình thường, cũng có bánh chưng, thịt gà, xôi,....Bố mẹ tôi công tác trong quân đội, hay phải đi chiến trường, hành quân sang biên giới. Những lúc đi công tác xa phải gửi tôi ở nhà họ hàng. Ngày xưa nghèo hơn bây giờ. Xã hội ngày nay mọi người có nhiều cơ hội phát triển. Ngày xưa mua bán tem phiếu, mọi thứ đều thiếu thốn, thèm đủ thứ.
- Tết vui nhưng đôi khi kí ức về Tết lại khiến chúng ta bồi hồi xúc động, chị có chung cảm xúc, quan điểm này?
Ngày xưa không chỉ tôi mà tất cả trẻ con đều mong chờ đến Tết để được lì xì, được mua quần áo vì chỉ có Tết mới được mua quần áo mới, không phải Tết nào cũng có mà phải 2-3 năm mới được mua quần áo mới một lần. Ngày xưa, mua bán chủ yếu bằng tem phiếu, thịt gà, thịt lợn chỉ đến những ngày lễ, Tết mới được ăn. Ăn cơm chỉ dám ăn 2,3 miếng thịt một bát, nhiều khi phải trộn cơm với đường để ăn. Ngày xưa nghèo nhưng vui! Không chỉ đến Tết tôi mới hoài niệm mà ngay những ngày bình thường tôi cũng hay nghĩ về kỉ niệm xưa. Bây giờ, tôi học cách sống chậm lại, thích ngồi uống trà nghe lại những bản nhạc xưa. Dường như càng lớn tuổi mình lại càng thích hoài niệm về những kỉ niệm xưa thì phải.
- Thuở mới vào nghề, nghệ sĩ nào mất thời gian đầu chông chênh trên con đường nghệ thuật để tìm chỗ đứng cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền? Những Tết đầu của chị thuở mới vào nghề ra như thế nào?
Có một kỉ niệm mà có lẽ tôi không bao giờ quên được. Năm 1999, khi đó tôi đã vào nghề được chục năm, cũng là lần đầu tiên tôi đi diễn ở nước ngoài. Đấy cũng là cái Tết đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà, kể từ đó tôi không bao giờ nhận lời đi diễn vào dịp Tết nữa. Đi diễn xa, không có điện thoại gọi về cho gia đình cảm thấy tủi thân, cô đơn vô cùng. Chúng tôi diễn ở trên, ở dưới mọi người tụ tập, sum vầy đón Tết. Cả đoàn phải xa gia đình, không người thân bên cạnh, ăn Tết nơi xứ người, khi đó tất cả mọi người đều nhìn nhau khóc. Sau lần đấy, tôi tự hứa không bao giờ đi diễn vào ngày Tết dù cát xê có tăng gấp 10 lần.
- Chị có cảm nhận gì về Tết xưa và nay?
Tết xưa và Tết nay khác nhau rất nhiều. Tết xưa có nhiều hoài niệm, có pháo, gia đình sum vầy gói bánh chưng. Khi người ta thiếu thốn, ăn gì cũng thấy ngon, cảm giác có được điều mong ước thấy vô cùng trân quý. Ngày nay, mọi thứ đủ đầy mình lại thích nhiều thứ khác hơn như muốn được đi du lịch trong ngày Tết chẳng hạn.
- Nhiều người có quan niệm rằng Tết nay đang nhạt dần?
Ngày xưa không có gì để lựa chọn, không có nhiều kênh truyền hình hay mạng Internet. Tết xưa không có gì ngoài bếp lửa và bánh chưng. Nói nhạt thì cũng không đúng bởi ngày nay họ có quá nhiều sự lựa chọn hơn.
- Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, có sự giao thoa, giao lưu văn hóa từ nhiều nước khác nhau, liệu quá trình này có làm “nhạt” đi những yếu tố truyền thống trong cái Tết của người Việt nói riêng và văn hóa người Việt nói chung không? Chị truyền tải giá trị Tết truyền thống tới con như thế nào?
Tết nay có nhiều phong tục đang dần bị mờ nhạt. Với tôi, từ trước đến nay tôi đều dạy con rằng muốn đi chơi ở đâu cũng được nhưng con phải về nhà sum họp cùng gia đình trước đêm giao thừa. Đến mùng 1 phải lên ăn cơm với ông bà. Đó là truyền thống bao năm nay trong gia đình tôi.
- Được biết, 2023 là năm Quý Mão cũng là “năm tuổi” của nghệ sĩ Vân Dung. Vậy chị có kiêng kị gì trong năm mới này không?
Với tôi, năm nào cũng giống năm nào, tôi không kiêng kị bất cứ vấn đề gì. Tôi nghĩ, nếu mình quan niệm điều gì đó đặc biệt thì nó sẽ đặc biệt còn mình nghĩ nó bình thường thì sẽ bình thường. Có những lúc không phải năm tuổi, vận đen đến vẫn cứ đen hay vận đỏ đến cứ đến. Cuộc sống mà, đôi khi phải có lúc lên, lúc xuống.
- Nghệ sĩ Vân Dung đã có dự định gì cho mình trong năm 2023 chưa?
Tôi không có thói quen đặt ra kế hoạch gì trước, cái gì đến thì nhận. Đôi khi lên kế hoạch trước lại thất bại, không nghĩ gì có khi mọi thứ lại suôn sẻ (cười).
- Nhìn lại năm vừa qua, chị thấy tự hào nhất về điều gì? Còn gì chị tiếc nuối chưa làm tới?
Trong năm vừa qua, những gì mong muốn tôi đều đã làm được. Giờ đây, tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để được cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật. Ngày xưa, mình còn trẻ, còn khỏe cống hiến 200% sức lực nhưng giờ khi lớn tuổi nên mọi thứ chững lại. Còn để nói có tiếc nuối gì trong năm qua không, tôi nghĩ là không. Bởi, tôi biết khả năng của mình đến đâu và làm được như thế nào. Từ trước đến nay, tôi không mơ ước gì to tát, cao siêu nhưng cái gì trong khả năng tôi đã làm hết sức. Vậy nên, điều tôi mong nhất lúc này là có sức khỏe tốt để cống hiến nhiều hơn trong nghề, mang tới cho khán giả nhiều tác phẩm hay.
- Nghệ sĩ Vân Dung có quan trọng về chuyện thành tích không? Khi bạn bè, đồng nghiệp xung quanh đều đã có thành tích hết, chị có bị áp lực chuyện đó?
Tôi rất vui, tự hào và hãnh diện khi bạn bè, đồng nghiệp xung quanh tôi đều gặt hái được thành tích cao. Với tôi, không phải khi bản thân mình đạt được điều gì đó mới vui mà tất cả những người xung quanh tôi có điều gì đó tự hào khiến tôi cũng hạnh phúc vô cùng. Ngay từ nhỏ, tôi đã thờ ơ với những gì liên quan đến thi cử. Có lẽ, chắc chỉ có mình tôi đi trên con đường không giống ai (cười).
- Chị muốn gửi lời chúc gì đến mọi người nhân dịp Tết 2023?
Nhân dịp năm mới Quý Mão, tôi xin chúc khán giả an khang, thịnh vượng và mọi sự như ý! Chúc các khán giả một năm mới hạnh phúc với hy vọng sẽ có nhiều phước lành trong năm tới.
Cảm ơn nghệ sĩ Vân Dung với những chia sẻ trên!
Xem thêm:Nghệ sĩ Vân Dung: 'Tôi không nghĩ mình là ngôi sao'