Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ Huỳnh Kiến An chia sẻ, mỗi lần nhận các vai người lao động nghèo như nông dân, thợ hồ, bốc vác, xích lô... ngoài việc nghiên cứu tâm lý, nghề nghiệp nhân vật, anh rất quan tâm tới phục trang: quần áo, mũ nón, giày dép...

"Trong điện ảnh, đạo cụ cũng là nhân vật, nếu bạn chuẩn bị trang phục càng tốt thì nhân vật của bạn sẽ "sống" càng tốt vì khán giả sẽ tin vào nhân vật mà bạn thể hiện. Ngược lại, chính bạn đã tự tay giết nhân vật của mình", nghệ sĩ Huỳnh Kiến Anh viết.

Liên lạc với nghệ sĩ Huỳnh Kiến An về câu chuyện này, "ông trùm vai phản diện" đã có những chia sẻ bất ngờ.

photo-14-16813786375331132691162.jpg

Nghệ sĩ Huỳnh Kiến An. (ảnh trong bài do NVCC).

Rất nhiều diễn viên sợ xấu, sợ dơ...

Tôi có đọc status của anh gần đây. Theo đó, anh tiết lộ rằng, để có phục trang cho những vai người lao động nghèo như nông dân, thợ hồ, bốc vác, xích lô... anh thường đi mua đồ mới và đến các công trình xây dựng, tiệm sửa xe... đổi lấy đồ cũ của công nhân tại đó. Có lẽ showbiz này, hiếm có nghệ sĩ nào làm thế?

Tôi không biết người khác thế nào nhưng một khi mình muốn thì phải tìm cách. Trước hết là mình phải nghĩ, nhân vật của mình là người lao động nghèo, quần áo te tua thì mình tìm ở đâu. Khi biết là có thể tìm đồ đó ở đâu thì mình mua đồ mới tới đổi là bình thường.

Hàng second hand là đồ cũ còn tôi đóng vai người nông dân, suốt ngày ra đồng ruộng thì đó phải là quần áo lao động, chứ không phải đồ cũ.

Với nghề này, không thể xem thường phục trang được. Ví dụ, vai Bảy Rắn trong phim "Cù lao lúa", khán giả quý mến và tin tôi là vì tôi có những bộ đồ đó, đúng chất một ông nông dân, trầy xước, màu trắng đã chuyển sang màu cháo lòng, kiểu màu thời gian cùng với tóc tai, tướng tá...

Da tay da chân diễn viên thường khá trắng nên mỗi ngày quay tôi đều lấy bùn trét lên chân tay, mình mẩy để bùn thấm vào móng tay, để khi người ta nhìn vào, người ta tin, ông này là nông dân thật.

photo-12-16813786295901885971342.jpg

Cảnh Bảy Rắn (do nghệ sĩ Huỳnh Kiến An thủ diễn) nhảy xuống ao sen toàn là bùn gào thét vì uất ức mang tiếng loạn luân với con gái.

Tuy hơi ngứa một chút nhưng khi nhìn vào thì người ta sẽ thấy nhân dáng này có "mùi phèn". Còn nông dân mà quần áo bảnh bao, tóc tai bén, móng tay móng chân sạch sẽ quá thì không giống.

Những cái đó là tự mình nghĩ ra chứ không trường lớp nào dạy cả. Mỗi người có sáng tạo riêng. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm đó với các bạn diễn viên trẻ bây giờ vì đôi khi các em, các cháu muốn mà chưa nghĩ ra cách. Mình đi trước thì hướng dẫn những tiểu tiết đó.

Có thể diễn viên khác, nhiều người cũng nghĩ được như vậy nhưng lại không dám làm như vậy. Vì đa số diễn viên hiện nay rất sợ bẩn, sợ xấu?

Đúng. Đóng vai con gái quê mà ngủ vẫn dán lông mi giả, mí giả, trang điểm son phấn thì đâu đúng. Làm như vậy là chính người diễn viên đó đã giết chết nhân vật của mình trước cả khi diễn. Rất nhiều diễn viên nữ sợ xấu, đi quay mà chăm chút nhan sắc, sợ xấu, sợ dơ...

Sợ như vậy, chuyên đóng vai tiểu thư thì được còn đã là diễn viên thì nên đóng nhiều dạng vai, loại vai để khán giả thấy mình có sự đa dạng trong diễn xuất và hóa thân. Điều đó mới tạo ra sự ngạc nhiên, thích thú cho khán giả.

Tôi từng đóng vai ông trùm, mặc vest bảnh bao, cầm xì gà, tóc láng cóng nhưng đùng cái biến thành ông nông dân thảm thương. Như vậy thì khán giả mới thấy mình đa màu sắc.

photo-10-1681378622197759802768.jpg

Mỗi ngày ra hiện trường phim "Cù Lao Lúa" việc đầu tiên nghệ sĩ Huỳnh Kiến An làm là trét bùn vào người cho giống nông dân.

photo-8-16813786136251533671375.jpg

Anh chỉnh chu trang phục để khán giả tin người đàn ông này là một nông dân thực sự chứ không phải là diễn viên đóng vai nông dân.

Bị nợ tiền, quỵt tiền mà không dám lên tiếng

Chỉ những người làm nghề nghiêm túc, chỉn chu, hy sinh với nghề mới làm được như vậy. Bản thân anh khi gặp những diễn viên quá chăm chút ngoại hình mà quên hóa thân vào nhân vật thì anh có góp ý?

10 năm đầu tiên thì tôi không góp ý nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, tôi góp ý. Bởi vì tôi vào nghề muộn, hơn 40 tuổi mới vào nghề nên khoảng 10 năm đầu, tôi thấy mà để bụng thôi.

Sau này, tôi khoác vai nói nhỏ, chia sẻ với người đó. Khi mình góp ý thực sự chân tình thì các em, các cháu cảm nhận được là mình không ăn thua, không ghen tị gì mà chỉ là cha chú đi trước truyền lại kinh nghiệm.

Tôi không nghĩ đó là hy sinh mà đó là công việc. Mình đi làm lấy tiền mà. Ví dụ, khi đóng vai Bảy Rắn, suốt ngày dưới ruộng bị đỉa cắn, đó là công việc, mình phải chịu để lột tả hình ảnh của ông Bảy Rắn – một người nông dân nghèo nhất xã nhưng cái tâm rất tốt.

Ngoài những chia sẻ kinh nghiệm như vậy thì tôi còn được đồng nghiệp, các em các cháu thích ở chỗ tạo cho họ cảm hứng, thăng hoa trong diễn xuất khi họ diễn với mình. Tôi diễn hết mình, diễn thật từ diễn xuất tới ngoại hình nên họ bị cuốn theo cảm xúc và thăng hoa hơn trong phân đoạn đó.

photo-6-1681378606982879473010.jpg

Nghệ sĩ Huỳnh Kiến An rất được đồng nghiệp nể trọng.

Tuy nhiên, anh cũng kể, có lần anh đã lấy áo bình thường nhờ bên thiết kế làm cũ đi nhưng họ chỉ có thể làm bẩn chứ không thể làm cũ được vì trên mình vải, nút áo và đường kim mũi chỉ vẫn có chỗ lộ ra cái sự mới chứ không có "màu thời gian" trên bộ đồ. Cụ thể tình huống đó như thế nào thưa anh?

Tôi muốn xin vì bộ đồ đó hợp với vai tôi sắp diễn nhưng mình lạ hoắc, đồ người ta đang mặc đâu thể cởi ra đưa được. Thậm chí tôi phải tìm những bộ đồ kiểu giẻ rách, giống như làm chùi nhà chùi cửa... nhưng tìm không ra. Vì những bộ đồ đó cần bị trầy xước do quá trình lao động, nhìn vào là biết đây là người lao động, bốc vác, thợ hồ...

Có nhiều khi chưa cần tới những bộ đồ như vậy nhưng vô tình thấy là tôi xin, hoặc đem đồ đi đổi. Những đồ đó rất khó tìm, khi cần không biết tìm ở đâu, không như đồ mới, mua được ngay.

Những bộ đồ này đôi khi còn là may mắn, có duyên mới gặp được nên tôi sưu tầm. Đó là ý thức với nghề nghiệp, để khi khán giả nhìn vào, họ không thấy mình là diễn viên mà chỉ thấy nhân vật đó thôi.

photo-4-1681378602018292249216.jpg

Với Huy Khánh

Tiền lương diễn viên thấp nên người diễn viên phải chạy show nhiều mới đủ sống. Và vì vậy, họ cũng ít khi chăm chút cho nhân vật của mình, thường làm cho xong chứ ít khi nghiêm túc và đầu tư, hết lòng với nhân vật như anh?

Đúng, điều này khá phổ biến bây giờ, do cơ chế chung thôi. Thậm chí, đạo diễn cũng không có yêu cầu. Bản thân tôi đã chứng kiến, thậm chí khi mình muốn quay lại phân đoạn đó vì cảm thấy còn có thể làm tốt hơn nhưng đạo diễn phải chạy theo tiến độ nên "lùa" đi cho lẹ: "được rồi chú ơi, được rồi chú"!

Do thời thế, thời cuộc chung tạo ra những ê-kíp làm phim vội vã, cứ lướt đi cho nhanh. Nhưng sau này, có vẻ các nhà sản xuất và đạo diễn đã "sống chậm" lại khi phim truyền hình bị lạnh nhạt.

Các nhà sản xuất đầu tư hơn, các đạo diễn cũng nghiêm túc hơn. Ví dụ phim của Nguyễn Phương Điền làm rất kỹ, nhà sản xuất cũng chịu tốn kém tiền bạc hơn.

Nói chung do kinh phí mà ra. Có nhiều người muốn làm tốt nhưng kinh phí không cho phép. Và một phần, diễn viên nhận cùng lúc 2, 3 phim thì quần áo phục trang bị chia ra nên không tập trung cho nhân vật được. Thậm chí, diễn viên đóng vai chính 2, 3 phim thì thời giờ đâu để chăm chút cho nhân vật nữa, chạy được là bở hơi tai rồi.

photo-2-168137859606682140180.jpg

Trong 20 năm làm nghề, Huỳnh Kiến An chưa từng bị quỵt tiền cát-xê nhưng anh lại thường xuyên lên tiếng bảo vệ, đòi tiền hộ đồng nghiệp.

Nhưng cũng phải thông cảm cho diễn viên. Người diễn viên có thời thôi. Đang thời thì phải tranh thủ kiếm tiền để dành. Nghề này như vậy.

Phải chi thù lao của diễn viên nhiều, làm 1 phim sống cả năm chẳng hạn. Đằng này phim chưa hết, tiền đã hết, thậm chí còn bị nợ tiền, bị quỵt tiền mà không dám lên tiếng. Lên tiếng sợ người ta không mời show nữa nên cứ im im. Tôi chuyên môn lên tiếng, đòi tiền giùm đồng nghiệp những vụ đó.

Bản thân tôi chưa bao giờ bị quỵt tiền, dù nhiều khi chung 1 đoàn phim. Tôi cứ tưởng những người kia cũng được trả hóa ra, họ trả tiền tôi trước, tới khi thấy đồng nghiệp kêu ca, tôi mới biết và lên tiếng phụ họ.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022