Nghệ sĩ gạo cội Diệp Lang qua đời ở tuổi 82 vào khoảng 6h ngày 11/3 (giờ California), sau một cơn đau tim. Định cư ở Mỹ khoảng 14 năm, do tuổi già bệnh tật, ông vắng bóng làng sân khấu thời gian dài. Nhưng chỉ cần nhắc đến tên Diệp Lang, người mộ điệu cải lương không thể nào không nhớ những vai của ông trong các tác phẩm kinh điển, như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt (soạn giả Trần Hữu Trang).
Hơn 50 năm gắn bó cải lương, có hàng chục vai diễn, dấu ấn của Diệp Lang không phải ở vai trò kép chánh phong lưu, hào hoa, trữ tình mà nổi bật nhất là dạng kép độc (phản diện), kép lão.
Video: Tổng hợp
Dù chủ yếu đóng vai phụ, lối ca diễn chuẩn mực, sắc sảo của Diệp Lang khiến các nhân vật của ông luôn có sức hút mạnh mẽ. Nghệ sĩ có lúc khiến khán giả căm tức trước cái ác, sự bất công khi ông vào vai kẻ có tiền, có quyền, mưu mô, nham hiểm (hội đồng Thăng trong Đởi cô Lựu, Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, cha của Thúy Liễu trong Lan và Điệp). Có lúc, ông lấy nước mắt người xem qua hình ảnh người cha quê, đậm cốt cách Nam bộ xưa (cha của The trong Nửa đời hương phấn).
Hóa thân nhân vật Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, nghệ sĩ khắc họa tính cách gian xảo, riết róng lẫn sự bất lực của một người đàn ông thất bại trong mối quan hệ gia đình. Từ ánh mắt, cử chỉ đến giọng nói đay nghiến của nhân vật được Diệp Lang nhấn nhá đến mức nghệ sĩ Bạch Tuyết - đóng vai cô Lựu - cho biết Hội đồng Thăng của Diệp Lang là vai "khiến cho cô Lựu đau đớn nhất".
Bà Lê Huyền Ái Mỹ - nhà báo kỳ cựu ở mảng sân khấu - nhận định trong lối ca bài bản cải lương, nhất là ở những bài thuộc điệu Bắc - Oán, Diệp Lang và nghệ sĩ Bạch Tuyết là bậc thầy. "Họ dày dặn trong xử lý kỹ thuật, họ hiểu biết trong thể hiện nội dung và hòa quyện cả hai yếu tố đó bằng tài năng ca trong diễn, diễn trong ca. Tức biểu diễn bài ca bằng tâm trạng, tính cách, tình huống của nhân vật. Những cái tên diễn viên biến mất. Chỉ còn tâm hồn, tài năng, sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở lại, nuôi dưỡng, truyền đến khán giả", bà Ái Mỹ nói.
Nghệ sĩ Diệp Lang ở tuổi 81. Ảnh: Phong Lang
Diễn viên Thanh Nguyệt, 76 tuổi, từng đóng cùng ông trong nhiều vở, nhận xét: "Ông luôn chuyên tâm nghiên cứu nhân vật. Mỗi khi bước lên sân khấu, ông ấy là nhân vật, chứ không phải là người nhập vai. Kỹ thuật của nghệ sĩ rất đời, toát ra từ ánh mắt, cử chỉ, câu thoại".
Nghệ sĩ Diệp Lang sinh ra và lớn lên tại Đồng Tháp, có cha là thầy đàn Ba Diệp thuộc đoàn Tam Phụng. Từ nhỏ ông được tiếp xúc với bộ môn tuồng cổ nhưng lại không mê hát vì cho rằng nghề này toàn ngủ ở đình, chùa, ăn cơm chợ. Cha Diệp Lang khuyên ông theo cải lương với quan điểm "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
Diệp Lang theo cha đi hát đến khi ông chết, rồi gia nhập đoàn của "má Bảy" - nghệ sĩ Phùng Há. Bước ngoặt đầu tiên đưa ông trở thành một nghệ sĩ là gia nhập đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ (Long An). Ông bầu của đoàn hát này là soạn giả Nguyễn Huỳnh đặt cho ông nghệ danh Diệp Lang.
Sau một tháng ở đoàn hát, kép chính của vở Chiếc nhẫn kim cương có việc bận, Diệp Lang được đôn lên hát thay. Từ đó, tên tuổi ông được báo chí, khán giả nhắc đến như một gương mặt triển vọng. Diệp Lang từng cho biết vai diễn trong Chiếc nhẫn kim cương là lần đầu ông có mặt trên bảng quảng cáo trước cửa rạp, năm đó ông 17 tuổi.
Sự nghiệp đang đà phát triển, Diệp Lang đau khổ khi phát hiện bị vỡ giọng. Không còn hy vọng trở thành kép chính, ông xoay qua diễn kép độc, rèn nghề bằng cách đọc thật nhiều sách và xem phim ảnh. Đầu năm 1962, đoàn Kim Chưởng mời Diệp Lang cộng tác. Vai độc đầu tiên của ông là Thống tướng Bát Kỳ Lộ trong vở Hai chiều ly biệt (soạn giả Phong Anh - Thu An), tạo thành công vang dội. Ở tuổi 21, ông vào vai ông lão ngoài 70 tuổi trong vở Người anh khác mẹ và đoạt giải thưởng Thanh Tâm (1963).
Sau 1975, Diệp Lang gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II lưu diễn khắp nơi, được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm trưởng đoàn 284. Năm 1984, vở Đời cô Lưu được cử đi lưu diễn ở Tây Âu, với đoàn gồm các nghệ sĩ Diệp Lang, Thanh Tòng, Thành Được, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy. Trong ký ức của Lệ Thủy, Diệp Lang như một người bảo vệ của đoàn. Ông nhắc nhở từng người về đi đứng, ngủ nghỉ. Trước mỗi suất diễn, ông kiểm tra tỉ mỉ phục trang, cảnh trí. "Cứ mỗi lần diễn viên bước ra, khán giả lại vỗ tay vang dội. Đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của tôi", Lệ Thủy nói.
Cuối đời ở Mỹ, dù nhiều bệnh, Diệp Lang đau đáu làm sao giữ nghệ thuật cải lương, để môn nghệ thuật này gần thế hệ trẻ hơn.
Sống ở San Jose, không gần cộng đồng người Việt, thi thoảng, đồng nghiệp ghé thăm, Diệp Lang mừng vì được hàn huyên chuyện nghề. Năm 2018, ông nhận lời diễn cho liveshow nghệ sĩ Hồng Nga, sau 10 năm vắng bóng sân khấu. Nghệ sĩ vẫn thuộc tuồng, giọng hát sang sảng khi vào vai ông Hương Cả thủ cựu, độc đoán trong trích đoạn Tô Ánh Nguyệt.
Nghệ sĩ Diệp Lang (phải) và con trai - diễn viên Diệp Tiên - thắp hương dâng Tổ nghề hồi 2022. Ảnh: Phong Lang
Xa quê, Diệp Lang quay quắt nỗi nhớ sàn diễn trong nước. "Có đêm tôi mơ thấy mình còn đi hát. Nhiều khi giật mình tỉnh giấc tưởng đang hát sai tuồng. Tôi vui nhất khi nghe tiếng vỗ tay khán giả và buồn nhất khi tấm màn nhung sân khấu khép lại", ông nói.
Các nghệ sĩ thế hệ sau như Văn Châu, Tấn An, Bảo Trang, Lương Tuấn, Châu Thanh, Tuấn Thanh là những học trò từng được ông dìu dắt. Ai xin theo ông học nghề, ông đều đồng ý nhưng khuyên học cho giỏi rồi mới đi hát. "Tôi thường lấy lời dặn của ông Năm Châu (nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu) làm kim chỉ nam cho nghề: 'Nghệ sĩ cải lương tất nhiên cần diễn xuất nhưng khi cất tiếng hát, đừng diễn quá. Nghệ thuật phải thật và đẹp"', Diệp Lang nói về quan điểm làm nghề.
Vân Dung