Một tuần sau khi video Kiss Cam được đăng tải, bê bối của hai lãnh đạo công ty Astronomer - CEO Andy Byron và giám đốc nhân sự Kristin Cabot - vẫn là đề tài gây sốt toàn thế giới. Truyền thông quốc tế, mạng xã hội liên tục cung cấp thông tin đời tư của cả hai như tình trạng hôn nhân, phản ứng của đồng nghiệp đến việc ông Byron từ chức. Ngoài tin liên quan, các nền tảng tràn ngập video, hình ảnh nhại hành động của họ trong đêm nhạc, tạo ảnh chế (meme).
Hôm 19/7, thủ lĩnh Coldplay - Chris Martin - lên tiếng trong đêm diễn sau đó. Anh khiến fan bật cười khi "cảnh báo" một vài người có thể bị chiếu lên màn hình lớn. Một số ca sĩ như Luke Bryan, Morgan Wallen, rapper Big Sean trêu khán giả đừng để bị bắt quả tang ngoại tình trong đêm nhạc của họ. Giọng ca Mỹ Jason Aldean dùng hình ảnh ông bà Byron - Cabot tình tứ để quảng bá liveshow trên Instagram Story, kèm chú thích: "Hãy đem cô gái của bạn đến show Aldean trước khi CEO của cô ấy làm thế". Hai MC ăn khách Jimmy Fallon và Stephen Colbert cũng nhắc sự việc trong talkshow của họ.

Trích đoạn CEO Andy Byron tình tứ bên đồng nghiệp tại concert của Coldplay hiện đạt hơn 100 triệu lượt xem sau khi đăng ngày 17/7. Video:TikTok/ Instaagraace
Kiss Cam là một trong những hoạt động phổ biến trong văn hóa Mỹ, thường thấy ở các trận đấu thể thao, chương trình âm nhạc hoặc lễ trao giải. Theo NPR, chưa có thông tin rõ ràng về lịch sử của trò này, dường như chúng bắt đầu trong các sân vận động tại California thập niên 1980. Phần lớn các nơi tổ chức có biển báo nhắc mọi người có thể bị ghi hình.
Nhiều nghệ sĩ từng xuất hiện trên Kiss Cam là vợ chồng Robert Downey Jr., Adam Sandler, Heidi Klum, Lady Gaga, Adam Levine, Justin Timberlake, David Beckham và con gái Harper. Một số nhân vật quyền lực cũng từng lên hình như hai vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Barack Obama.
Hầu hết khán giả "bị chọn" hưởng ứng cuộc vui, nhưng vẫn có cặp không đồng ý, kể cả người nổi tiếng. Tại lễ trao giải BAFTA năm 2016, hai diễn viên Michael Fassbender và Alicia Vikander từ chối hôn nhau trước ống kính, lúc ấy cả hai mới hẹn hò. Theo Daily Mail, kênh BBC sau đó phải cắt đoạn video khỏi chương trình phát sóng.
Ngoài Coldplay, một số nghệ sĩ gặp trường hợp khó xử khi mang Kiss Cam vào concert. Trong chuyến lưu diễn ở Sydney tháng 11/2024, giọng ca good 4 u Olivia Rodrigo yêu cầu một cặp hôn nhau trước máy quay nhưng không biết họ là chị em ruột. Ca sĩ ngại ngùng khi phát hiện, nói đùa tất cả fan nên quên chuyện này. Video ghi lại sự việc đạt hơn một triệu lượt xem trên TikTok, Olivia bình luận xin lỗi dưới bài đăng.

Kiss Cam của cựu tổng thổng Mỹ Barack Obama và vợ - bà Michelle Obama - tại nhà thi đấu Verizon Center năm 2012. Video: CBS News
Bên cạnh những phản ứng dí dỏm, vụ "bóc phốt ngoại tình" tại concert Coldplay dấy lên nhiều vấn đề về quyền riêng tư. Theo AP, scandal của hai lãnh đạo Astronomercho thấy những tác động lớn hơn trong thời công nghệ số: Dù ở đâu, chúng ta luôn bị bắt gặp và "truy vết qua mạng xã hội".
Các chuyên gia truyền thông cho rằng ngày càng phổ biến việc những cảnh riêng tư hoặc chuyện chỉ xảy ra tại một nơi cụ thể bị lan truyền trên Internet rồi toàn cầu. Trò chuyện với AP, nhà xã hội học Ellis Cashmore, tác giả quyển Celebrity Culture (Văn hóa người nổi tiếng), cho biết sự bùng nổ của Kiss Cam của Coldplay trả lời câu hỏi được thắc mắc nhiều năm qua: "Đời sống riêng tư có còn như trước?". Theo ông, hiện không còn cái gọi là "đời sống riêng tư".
Mary Angela Bock, phó giáo sư khoa Báo chí và Truyền thông tại Đại học Texas, có quan điểm tương tự: "Tôi không chắc chúng ta có thể đảm bảo quyền riêng tư tại một buổi hòa nhạc với hàng trăm người khác hay không. Chúng ta còn không thể bảo vệ điều này khi đi trên đường phố".
Dù Kiss Cam ra đời từ lâu, giới chuyên gia nhận định tốc độ phát tán các cảnh quay là điểm khác biệt của thời nay. Đôi khi chỉ cần một người dùng điện thoại quay hình rồi đăng lên mạng, toàn thế giới sẽ biết chuyện ngay sau đó. Theo bà Mary Angela Bock, hệ thống phân phối nội dung như mạng xã hội là thứ "không thể kiểm soát và mới mẻ", chẳng phải máy quay.

Thủ lĩnh nhóm Coldplay - Chris Martin - nói đùa "hoặc họ đang ngoại tình, hoặc chỉ ngại ngùng" khi theo dõi Kiss Cam. Ảnh: Storyful
Sau khi bài đăng "viral" (nhanh chóng phổ biến), người dùng mạng có xu hướng truy tìm, công khai danh tính hoặc bạo lực mạng người có mặt trong video, hình ảnh.Bộ đôi CEO và giám đốc nhân sự của Astronomer gặp tình cảnh như thế.
Việc tìm thông tin của người trong video dễ hơn ở thời đại công nghệ và AI phát triển. Phó giáo sư Bock nhận xét: "Thật đáng lo khi chúng ta có thể bị nhận diện bằng sinh trắc học, hình ảnh bản thân tràn lan trên mạng và có thể bị mạng xã hội theo dõi. Internet thay đổi từ nơi để tương tác thành hệ thống giám sát khổng lồ. Con người đang bị giám sát bởi những nền tảng. Chúng theo dõi chúng ta để mua vui cho người khác".
Ngoài nhân vật chính, một số người không xuất hiện trong video bị "vạ lây". Do Internet đầy dữ liệu bị cắt xén hoặc thiếu chính xác, họ bị người dùng mạng hiểu nhầm liên quan vụ bê bối. Tình huống này cũng diễn ra trong vụ của CEO Astronomer. Những ngày qua, nhiều người đoán nhầm cô gái đứng cạnh đôi tình nhân là đồng nghiệp tên Alyssa Stoddard, khiến Stoddard trở thành mục tiêu của nhiều bài công kích. Đại diện công ty xác nhận cô không tham gia, cũng như không có nhân viên khác tại đêm diễn.
AP nhận định những nội dung viral khó biến mất, đồng thời có rất ít biện pháp pháp lý ngăn mọi người chia sẻ video quay ở chốn công cộng. Nhưng với góc độ cá nhân, bà Mary Angela Bock cho rằng hành động "suy nghĩ trước khi chia sẻ" và đặt câu hỏi về tính chính xác của câu chuyện có thể hữu ích.
"Mạng xã hội thay đổi rất nhiều. Nhưng chúng ta với tư cách là người trong xã hội thì chưa theo kịp công nghệ, cả về đạo đức lẫn phép lịch sự", phó giáo sư Bock nói thêm.
Phương Thảo (theo AP)