Là kỷ lục gia nắm giữ 13 HCV SEA Games nhưng vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Huyền từng có quãng trầm trong sự nghiệp. Đó là giai đoạn sau SEA Games 28.

Nguyễn Thị Huyền: Tuổi trẻ bốc đồng, bỏ tập, cãi lời thầy, nhưng không nghĩ mình mắc 'bệnh sao'

Nguyễn Thị Huyền nổi lên là "ngôi sao" của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28 khi giành 3 HCV, trong đó có 2 HCV cá nhân ở nội dung chạy 400m và 400m rào, đồng thời đạt chuẩn tham dự Olympic Rio 2016.

Nhưng sau SEA Games 28, thành tích của Huyền liên tục đi xuống. Chân chạy quê Nam Định thất bại tại Giải điền kinh vô địch thế giới diễn ra tại Trung Quốc khi chỉ đạt thành tích 57 giây 31 ở cự ly 400m rào (tại SEA Games 28 cô đạt 56 giây 15). Tại Olympic Rio 2016, Huyền bị loại ngay từ vòng đấu loại khi chỉ đạt thành tích 52 giây 97 nội dung 400m (thành tích của cô tại SEA Games 28 là 52 giây), ở nội dung 400m rào, Huyền chỉ cán đích ở mức 57 giây 87. Tháng 11-2016, Huyền tiếp tục bị Quách Thị Lan vượt qua tại Giải điền kinh vô địch quốc gia ở cả hai cự ly 400m và 400m rào.

huyen-7-1689319418112504281014.jpg

Huyền là VĐV giàu thành tích của điền kinh Việt Nam, song có giai đoạn thành tích của cô sa sút.

Không chỉ sa sút về mặt thành tích, Huyền còn chểnh mảng trong tập luyện và thi đấu, đánh mất niềm tin nơi huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi. Thậm chí, đã có lời kêu gọi loại Huyền khỏi đội tuyển điền kinh quốc gia vì sự thiếu chuyên nghiệp, vì mắc "bệnh sao".

"Đó là một thời tuổi trẻ bốc đồng. Tôi không nghĩ là mình mắc bệnh sao. Đơn giản là lúc ấy tôi thích làm theo ý mình, bác Lợi nói mình không hiểu nên thấy bác rất khó tính", Huyền nhớ lại quãng thời gian đó trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo Dân Việt.

Rất may mắn, Huyền đã kịp thời chấn chỉnh lại. Và sau đấy, điền kinh Việt Nam đã chứng kiến một Nguyễn Thị Huyền đầy nghị lực, quyết tâm, trên hành trình khẳng định mình.

Năm 2017, Huyền xuất sắc giành HCV nội dung chạy 400m rào nữ tại Giải điền kinh vô địch châu Á năm 2017 diễn ra ở Ấn Ðộ. Trong cùng năm, Huyền giành hat-trick HCV tại SEA Games 29 diễn ra tại Malaysia. Ấn tượng hơn nữa khi sau một năm nghỉ sinh con gái, Huyền vượt mọi trở ngại, trở lại đường chạy và giành thêm 2 HCV ở SEA Games 2019 diễn ra ở Philippines. SEA Games 31 năm 2022 ở Việt Nam, Huyền giành 2 HCV và cùng với 3 tấm HCV ở SEA Games 32 trên đất Campuchia, Huyền hiện là VĐV giữ kỷ lục HCV SEA Games với 13 tấm.

huyen-4-16893196326661969377867.jpg

Huyền bên thầy Vũ Ngọc Lợi.

Sau mỗi tấm HCV mà Huyền giành được trên đấu trường quốc tế, các phóng viên luôn ghi lại được hình ảnh quen thuộc, đó là Huyền chạy đến tìm huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, dành cái ôm cho người thầy mà cô coi như người cha của mình. "Không thể có Nguyễn Thị Huyền ngày hôm nay nếu không có HLV Vũ Ngọc Lợi. Bác là người đã đào tạo tôi từ khi chưa có thành tích gì, chỉ là một cô bé từ Nam Định ra Hà Nội theo đuổi đam mê", Huyền thổ lộ. "Trong thâm tâm mình, tôi luôn kính trọng và viết ơn bác. Thời điểm sau SEA Games 2015, tôi đạt được những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp, được truyền thông chú ý đến nhiều và trong phút giây bốc đồng của tuổi trẻ, tôi đã từng kệ những lời khuyên, sự nghiêm khắc của bác. Đơn giản là tôi thích làm theo ý mình và nghĩ rằng điều đó đâu có gì là sai. Tôi cảm thấy bác quá khó tính. Đi qua khúc cua đó trong sự nghiệp, khi trưởng thành hơn, trải qua nhiều chuyện, tôi càng cảm ơn, trân trọng bác nhiều hơn. Bác có nghiêm khắc cũng chỉ mong tôi tốt hơn và tiến xa hơn mà thôi. Bác có thương mới mắng để mình nhận ra những thiếu sót. Với tôi, bác không chỉ là một HLV mà còn như một người thân trong gia đình, một người cha thứ hai của tôi. Bác rất chăm lo cho tôi. Mỗi khi tôi nói cháu mệt, khó ngủ, ăn uống không tốt vì đau dạ dày, bác còn sắc thuốc cho tôi uống. Bác có thể mắng tôi rất nhiều nhưng khi cần, luôn đứng ra bảo vệ, yêu thương tôi".

Cũng nhân câu chuyện của mình, Nguyễn Thị Huyền muốn gửi tới lời khuyên dành cho thế hệ VĐV trẻ sau này, rằng thành công của họ luôn có bóng dáng của một người thầy: "Thế hệ chúng tôi giờ cũng đã bước dần sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, chu kỳ ngắn lại. Tôi mong các em VĐV trẻ sau thế hệ chúng tôi, ngoài việc học hỏi, noi theo tấm gương của các anh chị như cách chúng tôi đã làm, còn biết khắc phục những hạn chế mà chúng tôi từng vấp phải, chuyên tâm hơn trong nghề để sớm gặt hái được những thành tích tốt trên đấu trường SEA Games, tạo bước đệm đột phá trên đấu trường ASIAD và xa hơn nữa là Olympic".

Xem thông tin về Thế giới sao 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022