Hôm 9/3, gia đình đưa nghệ sĩ Vũ Linh - người được mệnh danh "ông hoàng cải lương tuồng cổ" - về nơi an nghỉ ở Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. Giữa trưa nắng, diễn viên Bình Tinh, Vũ Luân - con nuôi nghệ sĩ - vượt "biển khán giả" vào nơi chôn cất.

"Bên cạnh dòng người xếp hàng trật tự khi viếng, nhiều người nháo nhào, cố chen lên để chụp ảnh, quay phim khiến gia đình kiệt sức", Hồng Phượng - cháu gái nghệ sĩ nói. Nghệ sĩ Thanh Điền cho biết mộ của vợ ông - Thanh Kim Huệ, nằm cạnh nơi an táng Vũ Linh - bị đám đông giẫm đạp, các chậu cảnh xung quanh vỡ nát.

le-tang-sao-viet-2-9417-1678449137.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iJ4Rha4QqBzf-Nv_ywkA7A

"Biển" người vây quanh linh cữu nghệ sĩ Vũ Linh lúc di quan. Ảnh: Thanh Tùng

Trong bốn ngày tang lễ Vũ Linh (6-9/3), vỉa hè đối diện nhà nghệ sĩ, hàng chục người cầm tay quay chống rung, hướng thẳng điện thoại vào tang lễ, liên tục livestream. Họ bình luận khi thấy có bóng dáng nghệ sĩ: "Đây là con gái Vũ Linh nhé các bạn", "Ai muốn mình quay gì thì nhắn ở đây nhé", "Lệ Thủy trẻ quá hen", "Các bạn hãy đăng ký theo dõi kênh để liên tục được cập nhật về tình hình đám tang". Bầu không khí hỗn loạn át tiếng tụng kinh, niệm Phật trong nhà.

dam-dong-ho-reo-vay-quanh-ghi-hinh-nghe-si-vieng-vu-linh-1678461742.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6fIJWc4HrQXnr2Iz5n6TwQ
Đám đông hò reo, vây quanh ghi hình nghệ sĩ viếng Vũ Linh

Đám đông hò reo, vây quanh Lệ Thủy, Minh Luân, Kim Tử Long tại tang lễ Vũ Linh. Video: YouTube SaigonDaily

Thái độ quá khích của nhiều người làm ảnh hưởng không khí thiêng liêng, "nghĩa tử là nghĩa tận". Gia đình nghệ sĩ vốn định tổ chức cho người hâm mộ xếp hàng vào nhà thắp hương. Do sự lộn xộn, họ xin lỗi, ngừng để khán giả viếng.

Tranh thủ luồng quan tâm của dư luận, nhiều tin bịa được streamer tung trên các nền tảng online, gây ảnh hưởng tinh thần của gia đình và những ai liên quan.

"Nghệ sĩ Tài Linh ngã quỵ trước linh cữu của Vũ Linh vì lời hứa dang dở", "Nóng: Hoài Linh thay mặt công bố di chúc của nghệ sĩ Vũ Linh tại tang lễ", "Vũ Linh trước khi mất đã viết di chúc để hết tài sản cho Bình Tinh" - là các video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên YouTube. Đại diện gia đình phải liên hệ các kênh này yêu cầu xóa video. Do nhiều luồng tin giả xuất hiện, hôm 7/3, gia đình nghệ sĩ gặp gỡ một số nhà báo để đính chính các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Trước đó, lễ tang của diễn viên Anh Vũ, Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, Minh Thuận gặp áp lực lớn từ đám đông. Năm 2019, nghệ sĩ Kiều Mai Lý bị giật tóc, xô đẩy ở đám tang Anh Vũ. Năm 2013, viếng lễ tang Wanbi Tuấn Anh tại nhà riêng, ca sĩ Đông Nhi khóc khi tìm cách thoát đám đông.

Theo nhiều nghệ sĩ nguyên nhân dẫn đến hình ảnh xấu xí là do sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, cộng sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội khiến nhiều người thu lợi từ nội dung về người nổi tiếng.

Không ít tang lễ văn nghệ sĩ trước đây mang đến khoảnh khắc xúc động khi người hâm mộ tiễn biệt với sự tôn kính, như lễ tang Trịnh Công Sơn năm 2001. Tuy nhiên, theo thời gian, nét đẹp ứng xử này bị mai một.

Nghệ sĩ cải lương Thanh Nguyệt bức xúc trước hiện trạng đám đông reo hò mỗi lần có sao xuất hiện ở lễ viếng. "Ngày trước, tôi được dạy dỗ rất kỹ về văn hóa ứng xử ở tang lễ. Thậm chí, mỗi lần có xe tang đi qua, bà tôi dừng lại, chắp tay, cúi đầu tưởng niệm dù không quen biết người đã khuất. Đám tang của nghệ sĩ hay của người bình thường, sự tôn trọng, kính cẩn những dịp thế này là điều cần có", bà nói.

Còn nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết: "Tôi nghĩ một số người quá mến mộ và tò mò về hình ảnh nghệ sĩ. Họ lần đầu gặp chúng tôi ngoài đời nên không kiềm chế được phấn khích. Tuy nhiên, tình cảm đó đặt đúng chỗ sẽ tốt hơn. Theo truyền thống, đám tang là nơi cần có không khí nghiêm trang. Tôi thấy văn hóa cư xử ở các sự kiện như thế này rất quan trọng, phải có chừng mực".

le-tang-sao-viet-3-1584-1678449137.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G8sssmb_8wwTlkeF3wIJlA

Đội ngũ livestream túc trực trước đám tang Vũ Linh hôm 10/3. Ảnh: Thanh Tùng

Về hiện tượng đám đông livesream bất chấp ở lễ tang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - nhận định khi công nghệ phát triển, nhiều người đam mê đưa thông tin hời hợt, gây sốc, tạo hiếu kỳ để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng.

"Kiếm được lợi ích từ những lượt like, share, follow, hiện tượng sai lệch, phản cảm này càng trở nên nguy hiểm. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy người dùng mạng xã hội tìm mọi cách thức, lợi dụng mọi sự kiện để thu hút quan tâm của công chúng. Sự việc ở đám tang nghệ sĩ Vũ Linh là một ví dụ", ông Sơn nói.

Theo chuyên gia, để giải quyết vấn đề, đầu tiên cần nâng cao nhận thức của mọi người về việc sử dụng mạng xã hội theo nguyên tắc an toàn, lành mạnh, như đã nêu trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Chúng ta cũng cần có những xử phạt nghiêm, mang tính làm gương để tạo ra bài học cho xã hội. Chuyện người dùng mạng xã hội đưa những thông tin phản cảm, lệch chuẩn là mầm mống, dấu hiệu của băng hoại đạo đức, cần phải xử lý càng sớm càng tốt", ông Sơn nói.

dong-nghiep-khan-gia-tien-biet-nghe-si-vu-linh-1678344366.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LO1sq-GLzrDUqBFEgAy2iA
Đồng nghiệp, khán giả tiễn biệt nghệ sĩ Vũ Linh

Buổi di quan tiễn biệt nghệ sĩ Vũ Linh hôm 10/3. Video: Tuấn Việt

Nhật Tân Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022