Hôm 10/4, họa sĩ tiết lộ đã đăng ký kết hôn với người phụ nữ tên Từ Manh, hai người tâm đầu ý hợp, muốn gắn kết trọn đời. Phạm Tăng nói sau khi vợ trước - Trương Quế Vân - qua đời năm 2021, ông bị tai biến nhẹ, không thể tiếp tục sáng tác. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của Từ Manh, Phạm Tăng bình phục cả thể chất và tinh thần. Cô còn làm ông có động lực trở lại vẽ tranh, viết thư pháp.

tang-7384-1712910035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Prdp474u9XcaK2A5v789_A

Phạm Tăng và người vợ thứ tư. Ảnh: Ifeng

Theo Ifeng, Phạm Tăng thành công trong sự nghiệp song đời tư gây tranh cãi, bị nhiều người chỉ trích vì các mối quan hệ "thiếu đạo đức". Vợ đầu tiên của họa sĩ là Lâm Tụ - cô gái nhà giàu, thẳng tính. Cuộc tình được nhiều người ngưỡng mộ nhưng khi kết hôn, họ thường cãi vã, ly dị sau 5 năm chung sống.

Năm 1971, Phạm Tăng đi bước nữa với Biên Bảo Hoa - vốn là bạn học của ông. Khi còn chung trường, Biên Bảo Hoa hâm mộ tài năng của Phạm Tăng, yêu thầm ông nhưng không dám thổ lộ vì lúc đó họa sĩ yêu Lâm Tụ. Sau khi Phạm Tăng và Lâm Tụ kết hôn, Biên Bảo Hoa cũng lập gia đình với người khác, bà ly hôn vì chồng ngoại tình. Biết Phạm Tăng cũng đổ vỡ hôn nhân, Biên Bảo Hoa chủ động bày tỏ với Phạm Tăng, phát triển tình cảm. Vợ chồng có một con gái.

nam-loi-jpeg-3563-1712910035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ywvR83K-Ip9MMvHrZyw4fA

Vẻ đẹp của Trương Quế Vân thời trẻ. Ảnh: Ifeng

Thập niên 1970, sự nghiệp của Phạm Tăng chưa khởi sắc, ông được người bạn tên Tu Tôn Đức quan tâm, giúp đỡ vật chất. Một lần, Tu Tôn Đức mời Phạm Tăng đến nhà ăn cơm, họa sĩ phải lòng vợ của bạn - Trương Quế Vân.

Theo Ifeng, trong tự truyện, họa sĩ thừa nhận rung động trước vẻ đẹp của Quế Vân - khi đó là bà mẹ ba con. Ông viết: "Cô ấy mặc chiếc váy liền thân màu trắng, hai bím tóc đen nháy, giản dị mà vô cùng trang nhã". Cuộc gặp đó thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Phạm Tăng và Trương Quế Vân lén lút hẹn hò hơn 10 năm. Mỗi lần Tu Tôn Đức vắng nhà, Phạm Tăng đều đến gặp người tình. Sợ bị phát hiện nếu đi thang máy, ông leo bộ 14 tầng lên chung cư của Tu Tôn Đức và Trương Quế Vân.

Một mặt lén lút gặp gỡ Trương Quế Vân, mặt khác Phạm Tăng vẫn là bạn của Tu Tôn Đức. Năm 1977, ông bị bệnh phải nhập viện, hàng tuần Tu Tôn Đức và Trương Quế Vân đều vào thăm. Họa sĩ viết trong tự truyện: "Mỗi lần Quế Vân vào viện, tôi đều khỏe hơn. Cô ấy đánh thức mùa xuân trong lòng tôi".

Năm 1988, Quế Vân thừa nhận với chồng bà yêu Phạm Tăng. Tu Tôn Đức chấp nhận ly dị, từ Bắc Kinh chuyển đến Thượng Hải sống, lúc đó, ba con của Tu Tôn Đức và Trương Quế Vân đều đã trưởng thành.

tang4-9717-1712910035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Jtv_UtrPzH-ODFSYQ9vw6A

Họa sĩ Phạm Tăng. Ảnh: Ifeng

5 năm sau, Phạm Tăng hoàn tất thủ tục ly dị Biên Bảo Hoa. Con gái của họa sĩ giận cha, tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ cha con. Một thời gian sau, Phạm Tăng kết hôn với Trương Quế Vân, đổi tên cho bà thành Nam Lợi, với ý nghĩa bắt đầu cuộc sống mới. Ông từng trả lời phỏng vấn: "Tôi yêu giang sơn, yêu cả mỹ nhân. Tôi mong sống trọn đời với Nam Lợi - người yêu của tôi hơn 20 năm qua".

Tu Tôn Đức từng chỉ trích Phạm Tăng "lấy oán báo ân, dụ dỗ vợ người khác". Vì tình yêu, Phạm Tăng bị nhiều người chê trách "nhân phẩm thấp kém". Trong một bức thư gửi cho Nam Lợi (lúc chưa kết hôn), ông viết: "Anh yêu em, câu nói nghìn năm mà vẫn mới, có người sử dụng nó một cách dễ dãi, có người vì nó mà hy sinh tính mạng, hy sinh mọi thứ. Vì Nam Lợi, anh mất gì? Anh mất danh tiếng, địa vị, tiền bạc. Anh được điều gì? Nam Lợi". Họa sĩ nói tình yêu giữa ông và Nam Lợi chỉ có thể dùng một từ để diễn tả: "Thật lòng".

tang6-7846-1712910035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FIaIbxtI2wLrT2C1SUs89Q

Bức "Thư đồng dưới cây tùng" của Phạm Tăng. Ảnh: Sotheby's

Sau khi kết hôn lần ba, Phạm Tăng không còn vướng thêm ồn ào tình ái. Bà Nam Lợi qua đời năm 2021. Họa sĩ cho biết chán nản, mất động lực sống sau khi vợ mất, cho đến khi Từ Manh xuất hiện, làm ông phấn chấn hơn.

Ông là tên tuổi lớn trong nền nghệ thuật đương đại Trung Quốc, được mệnh danh "đại sư" lĩnh vực thư pháp, hội họa. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ thuật Trung Quốc, phó chủ tịch Hiệp hội nhà thư pháp Trung Quốc.

Tác phẩm của ông được trưng bày tại bảo tàng nước ngoài như Nhật Bản, Anh. Nhiều bức tranh đạt giá cao trên thị trường đấu giá. Trong đó, Trúc thước đạt hơn 40 triệu nhân dân tệ (5,1 triệu USD), Linh tuyền đạo phong đạt 18,4 triệu nhân dân tệ (2,5 triệu USD). Hàng chục tranh khác của ông đều có mức trên một triệu USD.

Như Anh (theo Ifeng)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022