Sự việc lùm xùm liên quan tới một tiệm bánh ngọt ăn kiêng nổi tiếng ở Hà Nội khiến dư luận đặc biệt quan tâm những ngày nay. Nhiều người không khỏi hoang mang, đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của các thực phẩm ăn kiêng hiện bán tràn lan trên mạng. Dù đã chấp nhận bỏ ra số tiền gấp 5-7 lần các loại bánh ngọt thông thường, nhưng sức khỏe vẫn không được đảm bảo.
Theo VTV24, thực phẩm ăn kiêng giảm cân bán ở tiệm bánh này được giới thiệu là không sử dụng đường và có hàm lượng calo thấp. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm được VTV đăng tải, các con số thực tế khác xa với những gì được tiệm bánh này quảng cáo. Hai hộp bánh có hình thức tương tự, được mua tại cửa hàng nói trên với giá 290 nghìn và một cửa hàng khác giá 40 nghìn có kết quả kiểm nghiệm lượng đường, tinh bột là khá giống nhau.
Bánh ngọt được quảng cáo "không đường" với giá gấp nhiều lần (Ảnh: VTV)
Đáng nói, khách hàng của tiệm bánh này thường là những người ăn kiêng hoặc có vấn đề về sức khỏe, mắc các bệnh như tiểu đường và thậm chí có cả phụ nữ mang thai - những người đã tin vào quảng cáo và chấp nhận bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua bánh với mong muốn tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, sự việc càng gây bức xúc. Về hành vi của tiệm bánh, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật đã có những phân tích dưới góc nhìn pháp lý.
Về hành vi của tiệm bánh
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nếu có căn cứ cho rằng Tiệm bán bánh này không bán đúng mặt hàng so chất lượng của sản phẩm như quảng cáo thì đây có thể được coi là hành vi lừa dối khách hàng để trục lợi và có thể sẽ bị xử lý về mặt hành chính, hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Về xử lý vi phạm hành chính
Căn cứ khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Về xử lý hình sự
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì người có hành vi quảng cáo không đúng sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt cụ thể như sau:
"Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.".
Cửa hàng bán bánh trên đã đóng cửa
Về trách nhiệm dân sự, bồi thường khi có thiệt hại
Theo luật sư Bình, khi quyền của người tiêu dùng bị xâm hại thì có quyền được đảm bảo an toàn về sức khỏe cũng như được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Căn cứ tại khoản 1 và khoản 6 điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 nêu:
Điều 8. Quyền của người tiêu dùng
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
…
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Chủ thể vi phạm nếu có căn cứ vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra thiệt hại
Căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 điều 11 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 nêu:
''Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".