Một vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng mới đây đã khiến dư luận tranh cãi dữ dội. Cụ thể quán D.H.Coffee (đường Bùi Thiện Ngộ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) thông báo: "Vì quán không có không gian riêng dành cho trẻ em vui chơi. Vì quán sợ tiếng ré, tiếng khóc của trẻ làm ảnh hưởng đến những vị khách đến thư giãn và trò chuyện. Vì quán không có kĩ năng dỗ dành trẻ, giữ trẻ giúp các ba mẹ. Nên kể từ hôm nay quán xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi. Xin cảm ơn!".

z39642341666372607decd4369575591a6b22543e16346-1-1671181001885864839411-16717825398411953948152-1671785997798-1671785998533740643583.jpg

Thông báo gây tranh cãi của quán cafe ở Đà Nẵng.

Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thông báo này. Một số người cho rằng, quyết định của quán là... quá đáng, làm như vậy sẽ mất lòng các phụ huynh có con nhỏ. Tuy nhiên, một số lại cho rằng, thông báo của quán dù không tinh tế, khéo léo nhưng có phần hợp lý và không đáng bị chỉ trích.

Bởi từng có nhiều trường hợp, trẻ nhỏ vào nơi công cộng như quán cafe/quán ăn, vì quá hiếu động, nghịch ngợm mà gây ồn ào, ảnh hưởng đến người xung quanh. Trong khi đó, không phải cha mẹ nào đưa con đi cùng cũng có thể trông coi con sát sao.

"Quán cafe là nơi kinh doanh, họ sẽ có quy định riêng. Nếu không đồng tình, bạn có thể chọn quán khác", một bạn trẻ để lại bình luận trên mạng xã hội.

Chuyên gia giáo dục nói gì?

Nói về vấn đề "quán cafe ở Đà Nẵng gây tranh cãi vì không tiếp trẻ dưới 12 tuổi", Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là chuyên gia Giáo dục độc lập cũng bày tỏ quan điểm.

Chị cho biết, trong một "topic" thảo luận của chị, một số bố mẹ từng thắc mắc về vấn đề: "Tại sao lại bắt trẻ con phải ngồi yên trong quán cà phê. Chạy chơi là vui chứ sao?". Khi nữ Tiến sĩ trả lời: "Các con chạy chơi sẽ làm phiền người khác" thì liền có ý kiến cho rằng "Cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu. Phải tính đến cả hai khía cạnh chứ không thể thiên lệch được".

Liên hệ những ý kiến này với câu chuyện "quán cafe ở Đà Nẵng", chị Hương cho rằng: Chúng ta cần cho trẻ con chạy nhảy. Điều đó đúng. Nhưng chạy nhảy ở đâu mới là vấn đề!

54242345picture1-16717826172791646910686-1671786001440-167178600157154211866.png

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, trẻ cần chạy nhảy ở nơi dành cho việc đó chứ không phải ở bất kể nơi nào. Nếu đùa cười, chạy nhảy ầm ĩ ở nơi chùa chiền tôn nghiêm, trẻ sẽ khiến tất cả mọi người khó chịu vì làm hỏng đi không khí tôn nghiêm vốn là thứ mà khách vãn chùa cần có khi đến đó.

Nếu chạy nhảy ở quán cà phê sẽ khiến những người muón thư giãn trong không gian yên lặng rất khó chịu dù họ đã mất tiền để trải nghiệm dịch vụ. Nếu chạy nhảy nơi quán ăn, trẻ có thể làm đổ vỡ, thậm chí gây bỏng, tai nạn cho mình và người khác. Nếu chạy nhảy ở ngoài đường, rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí ảnh hưởng đến cả mạng sống của trẻ!

Nhưng nếu trẻ chạy nhảy, vui chơi ở khu trẻ em thì lại rất tốt, rất an toàn!

"Vậy tại sao phải cho con chạy nhảy ở nơi không phù hợp?", Tiến sĩ Vũ Thu Hương đặt câu hỏi. Nữ Tiến sĩ cho biết, bản thân chị không phản đối thông báo của quán cafe và nếu có dẫn trẻ con đi cùng, chị cũng sẽ yêu cầu con ngồi trật tự, không làm phiền người khác.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, trẻ nhỏ cần học được cách tôn trọng người khác, không làm phiền đến mọi người xung quanh, thay vì cha mẹ luôn bao che cho con với suy nghĩ "trẻ nhỏ không biết gì".

Nhắc tới vấn đề này, trước đó nữ Tiến sĩ cũng từng đưa ra lời khuyên về những điều cha mẹ cần dạy con, cụ thể:

1. Dạy con tự làm việc của mình và không làm phiền người khác. Vào quán ăn nên cho con tự xúc, con bận rộn thì sẽ đỡ nghịch phá hơn. Ăn ít hay nhiều thì mẹ ngồi cạnh bổ sung cho con. Dần dần con sẽ có thói quen vào quán xá hay nhà người lạ thì ngồi yên trên ghế.

2. Khi đưa con đi chơi, bố mẹ nên chuẩn bị chút ít đồ chơi để con có thứ chơi trong lúc chờ đợi bố mẹ nói chuyện hoặc ăn uống. Một vài cái thẻ bài, con gấu bông hoặc bút màu, tờ giấy sẽ giúp con giữ yên lặng rất tốt trong lúc người lớn nói chuyện.

3. Khi con đi ra quán xá hay đến nhà người khác chơi, cha mẹ nên yêu cầu con ngồi trên ghế, yên lặng để người lớn nói chuyện mà không chạy chơi lung tung. Điều đó sẽ giúp con không bị lạc, bị tai nạn do nghịch phá mà lại giữ được nét văn hóa, có giáo dục cho con. Thêm chút đồ chơi thì việc ngồi yên chẳng khó khăn gì lắm.

4. Khi đưa con đi chơi ở nhà khác thì nên chú ý thời gian lưu lại tại đó vì nếu lâu quá, con sẽ chán và sẽ nghịch phá. Nếu cần tâm sự hoặc làm gì lâu, bố mẹ tốt nhất nên cho con ở nhà và đi một mình.

5. Nếu con có biểu hiện không ngoan như nghịch phá, lục lọi đồ đạc nhà người khác, nói leo, nói trống không…. bố mẹ nên phạt ngay cho con nhớ. Chỉ cần ngay lập tức sau đó đưa con ra hàng kem và cả nhà ăn kem còn con thì không được ăn mà phải ngồi nhìn, con sẽ lập tức hiểu là mình đã vượt quá giới hạn cho phép và lần sau con sẽ giữ mình hơn. Sau một lần phạt thật nghiêm túc, nếu lần sau con có quên, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng, con sẽ nhớ và giữ kỉ luật hơn.

6. Chính cha mẹ cũng cần giữ gìn trật tự nơi công cộng, nói chuyện lịch sử để làm tấm gương cho con.

7. Tại nơi có thang máy, chúng ta nên yêu cầu con sử dụng đúng cách và văn hóa. Tránh đường cho người bên trong ra trước hết rồi mới bước vào. Bấm tầng của mình và không nghịch các nút khác tránh làm hỏng và rơi thang máy. Giữ trật tự trong khi di chuyển, đứng nép vào một bên cho người khác có chỗ đứng.

8. Nếu vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, cha mẹ nên dạy con kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt mình. Không chen ngang, không xô đẩy, con cần phải biết nhường lối cho người khác để giữ an toàn và lịch sự.

9. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Cho con ăn uống cũng cần dạy con biết nhường người khác. Đi đứng, ngồi cũng nên tránh lối cho người khác qua lại. Với một em bé biết nhường nhịn, ai cũng yêu mến.

10. Yêu cầu con ngồi đợi cho đủ thành viên trong gia đình vào ngồi, mời cơm đàng hoàng và người lớn nhất ăn miếng đầu tiên rồi mới được ăn. Trẻ không được dạy sẽ ào ào xô vào xúc, bốc dù người lớn chưa vào đủ hết. Hành vi đó vô cùng xấu và các con sẽ làm phiền người khác rất nhiều.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022