Các chị em lần đầu làm mẹ đều hiểu đó là quá trình vất vả, khó khăn như thế nào. Khi mẹ chưa trang bị kiến thức, chưa sẵn sàng về mặt tâm lý thì những vất vả còn lớn hơn gấp nhiều lần. Chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1989, sống tại Hà Nội) đã từng rơi vào những tình huống khiến bà mẹ trẻ bật khóc, không biết phải chăm con làm sao. Sau tất cả khó khăn ấy, chị đã rút ra kinh nghiệm và muốn chia sẻ tới các bà mẹ khác. 

Những áp lực lần đầu nuôi con

Chị Mai chia sẻ: Mình làm mẹ của 2 em bé. Bé 6 tuổi và 2 tháng tuổi. Đúng là làm mẹ lần đầu nhiều bỡ ngỡ và lo lắng. Mình cũng như các mẹ, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý và kiến thức nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Cũng khóc nhiều và thương con nhiều vì không đủ sữa cho con. Vừa bị áp xe mất sữa 1 bên, vừa vất vả cho chồng khi phải đi xin sữa khắp các nơi. Ai bảo làm gì cho có sữa cũng làm, mua gì cũng mua, mua cả khoá kích sữa, rồi cuối cùng gặp bác sĩ không tốt phải chích áp xe. Nếu gặp bác sĩ có tâm chắc mình sẽ được chữa theo cách khác. Sau tất cả vẫn phải là trách bản thân mình đã không chuẩn bị đến nơi đến chốn và bản thân mình đã không có những quyết định sáng suốt hơn.

Con lớn hơn 1 tí thì ốm sốt. Đúng tầm 23 tháng tuổi là ốm nặng, lần đầu tiên phải đưa đi bác sĩ và vào viện. Mình đưa con đi khám 3 nơi. Mỗi bác sĩ chẩn đoán 1 kiểu. Người bảo viêm thanh quản, người bảo viêm phế quản, người bảo chỉ rối loạn tiêu hoá. Mình hoang mang? Giờ mình nghe theo ai bây giờ? Cuối cùng vẫn phải là mình quyết định.

Đến đây, mình hiểu rằng nếu bản thân mình không chịu tìm hiểu, không chịu trang bị kiến thức thì lúc nào mình cũng hoang mang. Mình không biết ai nói đúng, ai nói sai, mình không biết nên nghe theo ai bây giờ.

Rồi mọi khó khăn, vất vả cũng qua. Mỗi lúc khó khăn mình lại nhìn lại chính bản thân mình, nhìn vào con, tự mình sửa mình. Trộm vía bé đầu giờ 6 tuổi tính ra mới phải đi viện 1 lần duy nhất và cũng phải uống kháng sinh 1 lần duy nhất đó. Sau 4 tuổi thì ốm sốt rất ít. Sau 5 tuổi thì cả năm không ốm sốt lần nào. Bé thứ 2 thì trộm vía giờ vẫn ổn. Con được ti mẹ hoàn toàn,được chậm kẹp dây rốn lúc mới sinh, được hưởng trọn vẹn 72 giờ vàng sữa non, được da tiếp da mẹ nhiều giờ sau sinh. Bạn anh lúc đầu hơn 1 tháng còn nổi mụn sữa toè loe nhưng cô này trộm vía vẫn mịn màng.

Hơn 6 năm nuôi con và đồng hành cùng con, vất vả và khó khăn là không tránh khỏi nhưng thành quả là 1 em bé 6 tuổi khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Mình có một số kinh nghiệm cá nhân muốn chia sẻ để những mẹ mới làm mẹ lần đầu hiểu được hơn sự phát triển của con và phần nào đó giúp hành trình nuôi con nhẹ nhàng hơn.

3279288679372374141123663142928016212525076n-1676445719015670650233.jpg

Chuẩn bị những gì cho lần đầu làm mẹ để hành trình nuôi con nhàn nhã hơn?

1. Giai đoạn mang thai

Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng. Mình nói quan trọng vì giai đoạn này mình còn có thời gian mà chuẩn bị chứ đẻ con ra rồi, tốc độ hiểu biết của mẹ không theo kịp sự phát triển của con. Con gặp vấn đề gì mẹ cũng hoang mang.

- Thời gian này, mẹ nên đọc cuốn sách kiểu như "Bách khoa Thai nghén và Sinh nở". Sách sẽ cho mình biết từng mốc các tháng của con trong bụng, rồi mẹ cần ăn uống như thế nào, thăm khám ra sao, từng tháng thai kỳ con phát triển thế nào. Bên cạnh đó, mẹ nên đọc cuốn "68 ngộ nhận và giác ngộ nuôi con sữa mẹ". Phải đọc hết trong lúc mang bầu vì đẻ con ra là con bắt đầu bú mẹ rồi. Lúc ấy mới đọc không kịp nữa. Bảo nuôi con sữa mẹ là bản năng nhưng mình thấy tỷ lệ nuôi con sữa mẹ thành công khá ít. Mình đọc sách đầy đủ mà bé đầu vẫn phải đi xin sữa, vẫn bị áp sẽ mất sữa 1 bên ti. Từ lý thuyết đến thực hành đúng là nghìn năm ánh sáng. Rút kinh nghiệm từ mình, vừa đọc sách, vừa tham gia các hội nhóm nuôi con sữa mẹ thì sẽ học hỏi được kinh nghiệm thực tế từ các mẹ rất nhiều.

Học lớp tiền sản để biết cách dặn thở lúc sinh. 3 tháng cuối thai kỳ lên youtube xem các video hướng dẫn cách vận động, ăn uống, hít thở để làm sao có thể đẻ thường được, làm sao để cổ tử cung mở được. Nếu làm tốt được giai đoạn nuôi con sữa mẹ thì sự vất vả giảm đi một nửa rồi.

Kết luận: Nền móng của 1 em bé khoẻ mạnh giai đoạn này là: con sinh thường, được tráng ruột bằng sữa non của mẹ (tức 72h vàng), chậm kẹp dây rốn, da tiếp da. Sau đó là bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, ko bổ sung gì kể cả uống nước. Ngoại trừ vitamin D.

2. Giai đoạn 1 năm đầu

Giai đoạn này gồm bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và giai đoạn ăn dặm. Các mẹ nên đọc 1 số cuốn sách sau để có kiến thức cơ bản chăm sóc em bé.

- Để con được ố. Đọc cuốn này để biết 1 số bệnh lặt vặt của trẻ em sơ sinh đôi khi không cần phải dùng kháng sinh không cần thiết.

- Các thời kỳ nhạy cảm của trẻ Montessori.

- Yêu thương và tự do (phương pháp Montessori)

Đọc 2 cuốn này để hiểu các mốc phát triển kỹ năng của con. Tại sao con mút tay, tại sao con cần mẹ ôm ấp? Tại sao vận động thô và vận động tinh lại quan trọng đến vậy? Người mẹ nào cũng vô cùng yêu con nhưng yêu thương con đúng cách là như thế nào? Giai đoạn nào con nhạy cảm về ngôn ngữ, về toán học, về vận động, về tâm lý đều có hết trong 2 cuốn sách này. Yêu con đúng cách rất quan trọng. 6 năm đầu đời là 6 năm quan trọng hình cách tính cách của con. Cuốn "Yêu thương và tự do" đã giúp mình rất nhiều để mình biết yêu con đúng cách.

Giai đoạn ăn dặm thì các mẹ có thể tham khảo và đọc cuốn "Ăn dặm kiểu Nhật", hoặc "Ăn dặm baby led weaning", hoặc "Ăn dặm 3 trong 1"... Đọc các sách này giúp mình hiểu cách nấu nướng, cách dùng gia vị, các thực đơn tham khảo. Tham khảo các hội nhóm về ăn dặm để có nhiều thực đơn phong phú.

Một em bé khoẻ mạnh, ít ốm sốt không chỉ mỗi tăng cân. Nó là sự kết hợp của tinh thần - ăn uống - vận động. Làm sao con có thể khoẻ mạnh khi bị ép ăn, ép phải tự lập sớm trong khi con cần mẹ, cấm không được mút tay, cấm không được nghịch bẩn. Làm sao con có thể khoẻ mạnh khi các giai đoạn lẫy, bò, vịn đứng, tập đi con không được hỗ trợ đúng cách. Các mẹ đừng nghĩ con trốn bò là tốt, là nhanh. Bò thật ra rất quan trọng vì khi tứ chi con vận động, đầu con ngẩng lên rất tốt cho sự phát triển của não bộ.

3. Giai đoạn con sau 1 tuổi

Sau 1 tuổi, con bắt đầu học nói, học đi, chạy nhảy, khám phá mọi thứ. Con cũng bắt đầu vào tuổi nói không làm ngược. Giai đoạn mè nheo, ăn vạ rất nhiều. Giai đoạn này cũng vất vả không kém. Mình vượt qua các giai đoạn này bằng việc đọc sách về nuôi dạy con, học khoá học, và tham khảo các hội nhóm, các mẹ khác. Bé nhà mình không phải là em bé luôn luôn nghe lời mình nhưng bé rất hiểu chuyện và có chính kiến riêng.

2 cuốn sách giúp mình rất nhiều ở giai đoạn này đó là:

- Nói sao cho trẻ chịu nghe.

- Giáo dục trẻ tự định hướng.

3293676665548957500378677771600049635661166n-16764457058322095987226.jpg

"Giờ nghĩ lại, nếu 6 năm nuôi con vừa qua, mình mà không có những cuốn sách, những hội nhóm về nuôi con thì chắc mình lúc nào cũng stress và hoang mang. Thời đại bây giờ không thiếu thông tin. Nếu người mẹ không trang bị kiến thức nuôi con thì không thể lựa chọn được thông tin chính xác và phù hợp với con của mình.

Mình xin tổng kết lại vài ý sau đây: 

- Cái gốc của 1 em bé khoẻ mạnh là: Sinh thường, 72h vàng sữa non, sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng, tối thiểu 24 tháng, ăn uống đa dạng, vận động tốt, tinh thần thoải mái.

Để giúp con có được cái gốc trên. Người mẹ cần đọc sách, tham gia các hội nhóm nuôi con sữa mẹ, theo dõi các bác sĩ để học hỏi.

Tên những cuốn sách mình đã đọc và nó đã giúp mình nuôi con nhẹ nhàng hơn:

1. Bách khoa thai nghén, sinh nở, và chăm sóc bé.

2. 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ.

3. Thời kỳ nhạy cảm của trẻ (phương pháp giáo dục Montessori).

4. Yêu thương và tự do (phương pháp Montessori).

5. Nói sao cho trẻ chịu nghe.

6. Giáo dục trẻ tự định hướng.

Chúc các mẹ sẽ có một hành trình nuôi con nhẹ nhàng hơn", chị Mai chia sẻ. 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022