Ông chính là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Đồng thời, PGS.TS Mai Duy Tôn cũng đang giữ chức vụ Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS Mai Duy Tôn - người vừa được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022
Là cháu đích tôn nên theo nghề y
Xuất thân từ nông thôn, hồi còn nhỏ PGS.TS Mai Duy Tôn luôn chứng kiến cảnh người thân đau ốm, nhất là ông bà mỗi lần ốm đau lại gọi bác sĩ ở thôn gần nhà. Hình ảnh kim tiêm nhúng vào nước sôi, tiêm vitamin rất đau, khiến anh không thể quên.
Không có ý định, nhưng bản thân là cháu đích tôn, gia đình lại muốn có người làm ngành y. Giữa những năm 1990, 1991 khi bắt đầu học cấp 3 được bố mẹ động viên theo khối B, vậy là cứ mỗi tuần vài ngày ông lại đạp xe gần 20 cây số lên thành phố để học thêm môn Sinh.
BS Tôn kể, đối với các sinh viên Đại học Y thời đó rất thần tượng Bệnh viện Bạch Mai, bạn bè cùng quê thách đố nhau sau khi ra trường đố ai ở lại làm việc được cho Bệnh viện Bạch Mai.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, BS Tôn quyết định thi nội trú chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu và tiếp tục được học tại Bệnh viện Bạch Mai.
"Sau khi vào học nội trú mới biết học quá vất vả, đặc biệt hồi học nội trú đúng dịch SARS. Đây là lần đầu tiên sinh viên ra trường được biết về bệnh SARS xảy ra ở Việt Pháp trong thời gian ngắn có nhiều người, hầu hết là nhân viên y tế mà lại bị chết. Lúc đó ai cũng sợ, mình cũng rất hoang mang, mình cứ trách gia đình sao bắt học ngành y và khi đó gần như không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho gia đình". BS Tôn kể, thời điểm đó phải ở lại bệnh viện trong điều kiện cơ sở vật chất rất khó khăn, nhiều bác sĩ nội trú ở chung. Nhiều người còn tự hỏi bản thân thấy vất vả, nguy hiểm tại sao còn lao vào.
Đối với BS Tôn, từng có ý định xin ra khỏi ngành y, do tuổi trẻ chưa trải nghiệm về cuộc sống nên thấy cảnh tượng trên là một cú sốc lớn. Nhưng rất may, đúng thời gian này dịch SARS qua nhanh, bố mẹ tiếp tục động viên, BS Tôn lại tiếp tục học chuyên ngành hồi sức.
"Rất may có các bậc thầy đầu ngành giáo sư Vũ Văn Đính, giáo sư Nguyễn Thị Dụ, người thầy là anh PGS Nguyễn Đạt Anh, PGS Nguyễn Văn Chi, PGS Đặng Quốc Tuấn đàn anh dìu dắt và hỗ trợ trong quá trình làm việc, sau đó tôi đã tốt nghiệp và được nhận ở lại bệnh viện theo các anh", BS Tôn chia sẻ, anh quyết định xin về A9 (bệnh viện Bạch Mai) khi đó mới thành lập được 3 năm. Ông rất tự hào, vì tại đây toàn anh em trẻ nhiệt huyết, muốn đóng góp những gì mình được học để đưa vào thực tế.
Một ngày làm việc của PGS Tôn cùng các đồng nghiệp
Trở thành bác sĩ chuyên sâu về đột quỵ sau chuyến đi nước ngoài
Năm 2007 là bước ngoặt sự nghiệp đối với PGS.TS Mai Duy Tôn, cơ hội lần đầu tiên được đi nước ngoài học tập. Ông sang Mỹ thấy sự phát triển ngoài tưởng tượng của mình, vượt trội so với y học trong nước.
Học tại Bệnh viện Mayo Clinic mới thấy hệ thống y tế của họ tốt. Trong suy nghĩ của ông luôn quan tâm xem lĩnh vực nào có thể ứng dụng về Việt Nam, mang lại sự thay đổi cho bệnh nhân đột quỵ não.
PGS.TS Tôn chia sẻ: Ở Việt Nam, sinh viên y khoa thời điểm đó cứ thấy bệnh nhân đột quỵ là lắc đầu, không thấy có cơ hội cứu sống. Con đường với bệnh nhân gần như dừng lại, không tử vong thì gần như tàn phế, rất khó hồi phục.
"Sang Mỹ, tôi nhận thấy hệ thống y tế của họ phát triển ngoài tưởng tượng của mình, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tốt và ít để lại di chứng. Tôi phát hiện ra họ ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu vào lĩnh vực đột quỵ, giúp cải thiện kết quả điều trị, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, mà nhiều bệnh nhân đột quỵ hòa nhập cuộc sống, đi làm bình thường. Mọi bệnh nhân, kể cả người cao tuổi đều phải tự lập, tự lái xe đến để tập, không có người nhà hỗ trợ như ở Việt Nam. Họ đều phải tập phục hồi chức năng, học cách tự phục vụ bản thân từ những việc nhỏ nhặt nhất. Từ cách nấu ăn, gọt hoa quả. Tất cả họ đều dạy cho bệnh nhân cách tự phục hồi, mục tiêu là khi bệnh nhân trở lại cộng đồng tự phục vụ được mình".
Người luôn ấp ủ mơ ước cứu được nhiều bệnh nhân
Sau chuyến đi Mỹ ấy, PGS Tôn ấp ủ quyết tâm học hỏi kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của thế giới để đưa về ứng dụng tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân đột quỵ trong nước.
Ông đã đề xuất lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9 cho đi nghiên cứu chuyên sâu về đột quỵ. Từ năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ và cho kết quả rất ngoạn mục. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 tiếng đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 1-2 ngày sau ra viện.
Sự thay đổi ngoạn mục của bệnh nhân là động lực cho PGS Tôn quyết tâm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành này.
"Từ năm 2009 tôi hoàn toàn tập trung làm nghiên cứu sinh đề tài về đột quỵ và năm 2014 tôi xin được học bổng của Hội Đột quỵ Châu Âu học thạc sĩ đột quỵ. Sang Áo học, tôi thấy hệ thống đột quỵ phát triển ngang tầm Mỹ, những gì kỹ thuật chuyên sâu nhất được áp dụng. Sau đó, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bệnh viện và Khoa Cấp cứu A9, Đơn vị Đột quỵ (thuộc A9) đã được thành lập, chuyên điều trị bệnh nhân đột quỵ và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu".
Theo PGS Tôn, cấp cứu bệnh nhân đột quỵ phải phối hợp đa chuyên khoa, đặc biệt chẩn đoán hình ảnh để áp dụng các kỹ thuật điện quang mới nhất trong chẩn đoán, điều trị lấy huyết khối cơ học cho bệnh nhân tắc mạch lớn, can thiệp mạch cho bệnh nhân vỡ phình mạch; Phối hợp với khoa Phẫu thuật thần kinh để xử trí các ca cần phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình mạch, mở sọ cho ca nhồi máu não. Việc phối hợp này đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, bệnh nhân đột quỵ cũng được tập phục hồi chức năng sớm để hồi phục và hạn chế di chứng.
Cũng chính vì có sự phối hợp giữa các chuyên khoa như; Tim Mạch, Thần kinh, Phục hồi chức năng và các khoa khác, việc điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai càng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ với các kỹ thuật ngang tầm khu vực.
Là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Mai Duy Tôn cũng vinh dự được cử làm Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 17/5/2022.
Ngày 9/11/2020, Bệnh viện Bạch Mai thành lập Trung tâm Đột quỵ trên cơ sở Đơn vị Đột quỵ thuộc Trung tâm Cấp cứu A9. Trong thời gian ngắn hơn 2 năm, Trung tâm ra đời đã có những đóng góp cho Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt cho chuyên ngành đột quỵ toàn quốc. Hàng năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ của miền Bắc. Các kỹ thuật chuyên sâu nhất được Bệnh viện phối hợp với các Trung tâm liên quan trong Bệnh viện triển khai, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại phía Bắc và toàn Việt Nam.
Áp dụng "giờ vàng" để lấy sự sống cho bệnh nhân
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, nếu trước đây với bệnh nhân đột quỵ, tỷ lệ hồi phục chỉ 25%, tỷ lệ tử vong 25% và 50% để lại di chứng tàn phế. Tuy nhiên khi áp dụng kỹ thuật mới, giống các nước đang phát triển, những bệnh nhân đột quỵ tái tưới máu giờ vàng gần như trở lại trạng thái bình thường đạt trên 50%, thậm chí 60-70%.
Đối với bệnh nhân đến muộn, nhờ sự chuyên sâu về phương pháp điều trị tại các đơn vị đột quỵ, biến chứng tử vong, di chứng tàn phế giảm đi rất nhiều so với trước. Nhiều bệnh nhân được phối hợp nội khoa, tập phục hồi chức năng sớm giúp phục hồi tốt hơn so với trước đây.
PGS.TS Mai Duy Tôn, chia sẻ, đột quỵ hiện nay đang là vấn đề thời sự của Thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ với xu hướng đang ngày càng trẻ hóa. Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát cũng như phục hồi chức năng. Bên cạnh việc được điều trị tại các đơn vị chuyên điều trị đột quỵ thì cũng rất cần có các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ.