Nghề vất vả nhưng đôi lúc chưa được tôn trọng

"Mỗi lần thấy một đồng nghiệp nào đó bị phụ huynh đăng bài "tố" trên mạng vì những lý do "trời ơi đất hỡi" như "cô A. lớp con em mặc quần áo trông chẳng chỉn chu, nhìn phờ phạc, ảnh hưởng đến các cháu", "hay lớp mình các cô vụng, buộc tóc cho các con xấu ghê"; rồi thì "nay thấy tay con có vết đỏ, khéo bị cô đánh", tôi sợ lắm, chỉ sợ có ngày mình cũng bị phụ huynh không vừa ý điều gì đó và "lôi" lên "phây",cô Thu T., giáo viên mầm non ở Hà Nội tâm sự.

Vào nghề được 5 năm và hiện đang dạy ở một trường tư, cô Thu T. nhiều lúc thấy cám cảnh vì công việc của mình đôi lúc chưa được tôn trọng đúng mực, hay bị soi mói. 

"Tôi từng gặp một số phụ huynh, họ không nghĩ rằng, họ đang đưa con đến trường để được cô dạy dỗ, uốn nắn, mà là bỏ tiền ra để được trông con giúp. Và giáo viên mầm non thì chỉ cần trông nom, cho ngủ, cho ăn, cho chơi đồ chơi, đến đúng giờ là bố mẹ đón con về, chẳng có gì to tát, vậy nên họ thiếu tôn trọng",cô T. chia sẻ.

Một số phụ huynh soi mói quá mức, rảnh một chút là mở camera xem cô đang làm gì, con đang làm gì rồi nhắn tin hỏi liên tục qua Zalo. Hễ cô trả lời muộn chút thì quy là không nhiệt tình, nhưng cô trả lời nhanh thì lại vu cho cô không trông các con cẩn thận mà chỉ chăm chăm cầm điện thoại. Với trường tư, học phí cao hơn, thì phụ huynh lại càng "oai" hơn, cho rằng mình bỏ nhiều tiền thì có quyền soi nhiều hơn.

"Tất nhiên không phải phụ huynh nào cũng vậy, nhưng chỉ cần một lớp có 2 người như thế là cô đã đủ mệt",cô T. cho hay.

e168d73bc8cc271bb89348c43087d432-17004714637031777216717-1700471821119-17004718217121839005715-1700473919991-17004739202561735140265.jpeg

Ảnh minh họa

Cùng cảm xúc với cô T. là cô Minh Ánh, giáo viên mầm non ở Nam Định. Cô Minh Ánh ít thâm niên hơn cô T. 2 năm. Thời mới đứng lớp, từng có lần cô Minh Ánh hốt hoảng, khóc nức nở vì trong lớp có một em rất nghịch."Khi tôi đang chỉnh lại áo cho một em trong lớp, thì bé này quay sang đùa với bạn (dù cô đã nhắc nhiều lần) và đập tay vào bàn, lúc sau sưng đỏ lên",cô Minh Ánh nhớ lại.

Trẻ con nô đùa, hiếu động là chuyện bình thường, giáo viên cũng không thể bắt các em ngồi im như pho tượng được. Sẽ có những tình huống trẻ nghịch ngợm mà giáo viên không kịp trở tay, phụ huynh người thông cảm, người thì không. Lần đó, cô Minh Ánh dù đã nhắn tin báo luôn cho phụ huynh, xin lỗi hết lời, khi phụ huynh đón lại xin lỗi thêm lần nữa nhưng vẫn bị phụ huynh trách.

"Mình tưởng chị phụ huynh đó trách mình vài câu rồi thôi, nhưng hôm sau chị còn lên trường, phản ánh thêm với cô Hiệu trưởng", cô Minh Ánh tâm sự. Từng có những lúc stress, muốn bỏ quách nghề cho xong, nhưng rồi duyên với nghề, tình yêu với trẻ vẫn còn và không phải phụ huynh nào cũng vậy nên cô Minh Ánh vẫn theo nghề đến tận bây giờ.

Những năm tháng đầu đời, giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời trẻ

Nói về vai trò của giáo viên mầm non đối với trẻ, cô Hà Ngọc Nga, quản lý của trường mầm non Tatuschool Montessori Children's House ở quận 9, TP.HCM cho biết: Những năm đầu đời, trẻ "thấm hút" mọi thứ xung quanh môi trường để kiến tạo nên chính bản thân mình, tạo nền tảng cho sự phát triển nhân cách, trí tuệ sau này.

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng và mọi yếu tố trong môi trường sống của trẻ ở giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn. Giáo viên mầm non là một trong những yếu tố xuất hiện phần lớn trong thời thơ ấu của trẻ, chỉ sau gia đình, nếu như trẻ đi học mầm non.

Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy giáo viên mầm non là "hình mẫu người lớn" có ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến cả cuộc đời trẻ sau này. Giáo viên mầm non không chỉ chăm sóc về thể chất mà còn nuôi dưỡng tâm hồn của đứa trẻ và đặt nền móng cho sự phát triển trí tuệ ở những giai đoạn tiếp theo.

"Giáo viên mầm non được xem như người tham gia vào việc đặt móng cho cuộc đời của trẻ bên cạnh gia đình. Móng chắc thì cuộc đời trẻ sẽ vững. Ở giai đoạn này đứa trẻ hầu như yêu cô giáo vô điều kiện nếu đó là một người kết nối và yêu trẻ. Chính điều đó mối quan hệ với giáo viên mầm non là một mối quan hệ mà trẻ rất coi trọng, yêu mến", cô Nga phân tích.

aa-17004715555452045482264-1700471822411-17004718225421443387569-1700473920876-1700473921030921802935.png

Cô Hà Ngọc Nga

Cô Nga cũng thừa nhận, hiện trạng nhiều phụ huynh chưa có sự tôn trọng đúng mực dành cho giáo viên mầm non, hở một chút là soi mói, "bóc phốt" trên mạng. Tuy nhiên cô Nga cho rằng đây làchuyện không có gì quá lạ.

"Nó rất bình thường trong thời đại hiện nay, nó xuất hiện ở mọi ngành nghề khác nhau. Hãy nhìn nghề bác sĩ, họ cũng vất vả và cao quý nhưng nhiều bệnh nhân vẫn hành hung bác sĩ, quay clip tố lên mạng,... Hay các nghề dịch vụ ăn uống, một cửa hàng cũng dễ lao đao vì bão mạng... Những điều này là khó khăn, áp lực mà khi làm bất cứ nghề nào bạn cũng sẽ gặp. Vậy thì giáo viên mầm non đang làm việc với trẻ em - một đối tượng rất nhạy cảm và nhận được tình yêu của gia đình, cũng sẽ dễ bị rơi vào cảnh bị những áp lực kia hơn", cô Nga chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng tiêu cực và khó khăn. Những trường hợp tiêu cực, có nhưng là thiểu số, xét trong bức ảnh toàn cảnh vẫn còn nhiều phụ huỵnh tôn trọng và thấu hiểu cho các giáo viên mầm non. Chỉ là trong thời đại công nghệ, mạng xã hội, mọi thứ tiêu cực thì dễ ầm ĩ hơn nên một số vụ việc đơn lẻ dễ khiến chúng ta khái quát, cảm giác giáo viên mầm non là nghề bạc bẽo.

"Với cảm nhận và trải nghiệm của cá nhân, tôi thấy giáo viên mầm non cũng như bao nghề khác, sẽ có khó khăn, vất vả nhưng cũng có những điều ngọt ngào, niềm vui",cô Nga tâm sự.

Theo cô Nga, giáo viên mầm non cần được hỗ trợ cơ chế làm việc tốt hơn, được đào tạo kỹ năng làm việc với phụ huynh tốt hơn thì sẽ biết cách vượt qua những áp lực này. Và ngược lại ở mối quan hệ với phụ huynh, nếu nhà trường thẳng thắn xác định vai trò, nguyên tắc của mỗi bên ngay từ đầu thì sẽ hạn chế những câu chuyện không đáng xảy ra.

Mối quan hệ giữa giáo viên mầm non và phụ huynh: Không có nhờ cậy hay xin cho!

Theo cô Nga, giáo viên mầm non và phụ huynh đến với nhau vì những đứa trẻ. Vì vậy, mục tiêu lớn nhất của đôi bên là hỗ trợ sự phát triển cho trẻ trong những năm tháng quan trọng đầu đời. Vì vậy hãy xác định mối quan hệ này là mối quan hệ "hợp tác", không có nhờ cậy hay xin cho. Hợp tác để đạt được mục tiêu cho đứa trẻ.

"Hãy sẵn sàng tâm thế cho mối quan hệ này, mỗi bên hãy thấu hiểu cho nhu cầu, khó khăn của nhau cũng như biết cách lắng nghe, đối thoại lẫn nhau. 20/11, tôi mong các giáo viên mầm non hãy vững vàng với nghề, luôn học hỏi để nâng cao giá trị bản thân mình. Khi đó, bạn sẽ tự nhiên có được bản lĩnh để vượt qua khó khăn để hỗ trợ đứa trẻ một cách hiệu quả. Và cũng một cách rất tự nhiên bạn nhận được sự tôn trọng của phụ huynh và xã hội. Khi mối quan hệ giáo viên - phụ huynh không lành mạnh, đứa trẻ chính là người thiệt thòi nhất",cô Nga nhấn mạnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022