Vừa qua đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho hay đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý vi phạm đối với người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật như ca sĩ, nghệ sĩ.
Theo đó, nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức thì sẽ bị "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm biểu diễn". Nghĩa là, hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng trên các đài phát thanh truyền hình, hạn chế đăng tải thông tin trên môi trường mạng; thậm chí là "phong sát" - được hiểu là "cấm cửa" hoàn toàn và vĩnh viễn đối với người vi phạm.
Trước thông tin trên, nhiều người nói: Đã đến lúc phải học theo Trung Quốc, Hàn Quốc, Hollywood… trong việc nghiêm khắc hơn với các nghệ sĩ có vi phạm nào đó. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề mấu chốt là dường như thời gian qua công chúng chưa thực sự đòi hỏi trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng, chứ không phải có cần một cuộc "phong sát" hay không.
Tôi có đọc qua một vài ý kiến của nghệ sĩ, người nổi tiếng về đề xuất trên. Luận điểm chung cho rằng nghệ sĩ trước hết là một công dân Việt Nam và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta không thể ưu tiên nghệ sĩ, giảm nhẹ tội danh hay ngược lại nghệ sĩ thì phải bị áp luật nặng hơn.
Pháp luật cần được thượng tôn và bình đẳng, chính xác, đúng người, đúng tội. Pháp luật không thể tùy tiện, nhìn mặt mà phán quyết. Dù đúng là vận dụng pháp luật cũng có ghi nhận sự đóng góp xã hội, tăng giảm theo mức độ thành khẩn, phạm tội lần đầu hay tái phạm nhiều lần. Nhưng pháp luật vẫn là thước đo cần sự chính xác và công bằng.
"Phong sát" một cách cực đoan, thậm chí không trên cơ sở pháp luật hay các quy tắc ứng xử đã đề ra, mà chỉ căn cứ theo dư luận thì có thể không công bằng và càng không phải là cách một xã hội văn minh vận hành.
Nhưng nói đi cũng cần nói lại. Một người nghệ sĩ, người nổi tiếng với lượng người theo dõi, yêu thích, ủng hộ lớn thì cần phải có những trách nhiệm nhất định. Dường như nhiều nghệ sĩ đã quên mất điều đó. Và rõ ràng là chính các fan của họ cũng quên mất điều đó: Đòi hỏi nghệ sĩ của mình phải có trách nhiệm.
Có những nghệ sĩ, người nổi tiếng nổi lên từ scandal, duy trì độ hot bằng drama (chuyện thị phi) thay vì bằng tài năng thực sự của họ. Thậm chí, ta còn đang chứng kiến những người nổi tiếng một cách…ngớ ngẩn và độc hại, những nghệ sĩ tự phong hay cả những giải thưởng… hội chợ như danh hiệu nhà thơ thế giới vừa qua.
Những nghệ sĩ lao động nghiêm túc có khi độ hot không bằng những ngôi sao gây sự chú ý trên mạng xã hội. Công chúng dễ dãi nên vàng thau lẫn lộn. Ý thức trách nhiệm vì thế cần được đòi hỏi cả từ hai phía thay vì chỉ là những cuộc phong sát của cơ quan chức năng.
Đừng chỉ đẩy mọi trách nhiệm lên các cơ quan quản lý hành chính trong việc xử lý các nghệ sĩ vi phạm. Đây là trách nhiệm của cả xã hội.
Chúng ta không cần "sát", chúng ta chỉ cần "phong". "Phong" bằng chứng cứ rõ ràng về sự sai trái, vi phạm pháp luật. "Phong" bằng nâng cao dân trí và đòi hỏi khắt khe hơn về trách nhiệm nghệ sĩ. "Phong" bằng việc tạo ra những bộ lọc, tiêu chuẩn cao hơn cho những hành xử trên mạng xã hội của nghệ sĩ, ngôi sao, người nổi tiếng; là xử phạt nghiêm minh với những sai trái bằng trách nhiệm với xã hội, với lũ trẻ của chúng ta.
Nhiều nghệ sĩ đã tạo ra những ảnh hưởng dư luận không tốt, nhưng cách chúng ta xử lý họ dù có bằng việc cấm sóng, cấm diễn, cấm mạng xã hội vẫn là dọn rác vào gầm giường, khi mà trách nhiệm cộng đồng vẫn chưa thành hình.
Nút report (báo xấu) trên mạng xã hội vẫn chưa được mọi người sử dụng, những hội chợ, sự kiện không giấy phép vẫn ngang nhiên được tổ chức, cấm sóng họ nhưng ở thời đại số này, họ vẫn còn trăm ngàn cách để tiếp tục lên sóng không chính thống.
Thứ duy nhất họ sợ đó là sự quay lưng của khán giả, người hâm mộ thì chúng ta lại chưa làm tốt. Tại sao Trung Quốc, Hàn Quốc hay Hollywood họ làm được? Theo tôi là vì ở đó, trách nhiệm của công chúng cao hơn ở ta.
Ở đó, sự đòi hỏi trách nhiệm ở nghệ sĩ là thứ tiên quyết để một nghệ sĩ còn tồn tại được. Chúng ta lại quá dễ dãi và vô trách nhiệm với chính xã hội, cộng đồng của chúng ta.
Nhiều cha mẹ chỉ thở phào vì con mình không thần tượng Khá Bảnh và mặc kệ con cái người khác. Nhiều người chỉ quan tâm đến nghệ sĩ mình yêu thích mà không thấy cái sai của nghệ sĩ mình không quan tâm. Nhiều người vô trách nhiệm với những cái like, cái share của mình trên mạng xã hội.
Nghệ sĩ vi phạm pháp luật là việc của pháp luật, của chính quyền, cơ quan quản lý, không phải của mình. Nhưng có hạt mưa nào nhận ra mình đã góp phần trong một cơn lũ lớn?
Đẩy lùi cái xấu xí, sai trái không phải bằng cuộc tiêu diệt, phong sát mà là bằng tinh thần trách nhiệm vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, quyền lực trong tay mà còn cần được xây dựng bằng cả những hệ thống cảnh báo, phát hiện và xây dựng trách nhiệm cộng đồng.
Giống như một trọng tài giỏi không phải cách ông ta rút thẻ mà là điều tiết trận đấu đó, ngăn chặn từ xa những cái đầu nóng, những pha vào bóng ác ý, triệt hạ đối thủ nhưng vẫn phải giữ trận đấu được vận hành trơn tru, không khiến các cầu thủ cóng chân.
Và khán giả cũng vậy. Báo chí, truyền thông cũng vậy. Trách nhiệm với xã hội là thứ tiên quyết phải có ở bất cứ ai, bất cứ lĩnh vực nào chứ không chỉ áp với giới nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Theo Dân Trí