Một nữ sinh tại Trùng Khánh, Trung Quốc thời gian gần đây trở thành tâm điểm của cư dân mạng vì mâu thuẫn với cha mẹ trong việc lựa chọn ngành học. Theo đó, cô gái này thi được 461 điểm, đủ điểm đỗ vào 2 trường đại học. Tuy nhiên quyết định của cô con gái lại khiến phụ huynh cảm thấy rất bất ngờ. Nữ sinh muốn theo học chuyên ngành Tang lễ, bởi vì theo quan điểm của cô, tỷ lệ việc làm sau này rất cao, mức lương khá tốt, nói chung là một công việc rất hứa hẹn.
Cha mẹ nữ sinh khăng khăng bắt con nhất định phải học đại học, hơn nữa họ ít nhiều có chút kiêng kị, cho nên kiên quyết phản đối con đăng ký thi chuyên ngành "rùng rợn" này. Thậm chí, hai người lớn còn kiên quyết: Học rồi thì đừng vào nhà!
Được biết, sau khi được cha mẹ và người thân thuyết phục, nữ sinh đã từ bỏ việc đăng ký dự thi vào chuyên ngành này. (Ảnh cắt từ video)
Sau một hồi cãi vã, cô gái tỏ ra vô cùng rầu rĩ. Được biết, sau khi được cha mẹ và người thân thuyết phục, nữ sinh đã từ bỏ việc đăng ký dự thi vào chuyên ngành này.
Cư dân mạng sau khi xem video nổ ra những quan điểm trái chiều. Một phần thán phục cô gái vì "lớn gan", dám đăng kí một chuyên ngành mà nam giới cũng còn e dè: "Thành thật mà nói, tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của cô ấy. Nhưng chọn ngành học này quả là đầy hứa hẹn, bây giờ dân số già đi, trong tương lai mỗi năm người chết sẽ tăng lên rất nhiều".
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cha mẹ tốt nhất không nên nhúng tay vào chuyện chọn ngành của con cái mà để con tự quyết định. Cha mẹ có thể đưa ra một số đề xuất thích hợp, nhưng không thể cưỡng ép can thiệp. Bởi dù sao, cuộc sống của con cái phải do chính con cái quyết định.
Tang lễ là ngành học gì?
Nghề Dịch vụ tang lễ chính thức xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 1995. Ngành Dịch vụ tang lễ không chỉ dừng theo nghĩa đen, tức là "nghề đám ma" như nhiều người lầm tưởng. Bản thân cụm từ "dịch vụ tang lễ" chỉ là một thuật ngữ chung, được chia ra làm bốn chuyên ngành chính. Đó là dịch vụ tang lễ, thiết bị tang lễ, phẫu thuật thẩm mỹ chống ăn mòn và nghĩa trang.
Chẳng hạn với chuyên ngành "thiết bị tang lễ", sinh viên sẽ được học nhiều thứ, không chỉ là việc bấm công tắc lò hỏa táng mà còn phải học cách tháo lắp, sửa chữa các thiết bị tang lễ, vệ sinh tro tích tụ trong kẽ hở của các thiết bị,... Hay với chuyên ngành nghĩa trang, sinh viên sẽ học cách thiết kế bia mộ và quản lý nghĩa trang, quản lý hồ sơ,...
Với chuyên ngành dịch vụ tang lễ, sinh viên học cách soạn và viết điếu văn cho người đã khuất, tắm rửa, trang điểm, thay quần áo, kỹ năng ướp xác, trị liệu spa thi thể,... Còn với chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ chống ăn mòn, sinh viên học phương pháp khâu, xử lý hài cốt,...
Thời gian trước, một sinh viên năm 2 ngành Dịch vụ tang lễ từng chia sẻ lên mạng xã hội về thời khóa biểu của cô. Một số môn học bao gồm: Giới thiệu về dịch vụ tang lễ hiện đại, quản lý tang lễ hiện đại, nghi lễ dịch vụ tang lễ hiện đại, tiếp thị dịch vụ tang lễ hiện đại, lập kế hoạch văn hóa tang lễ hiện đại, PR lễ tang hiện đại theo phép lịch sự...
Một sinh viên khác cũng từng chia sẻ, ngành Dịch vụ tang lễ nói chung sẽ được học những kiến thức sau: Công nghệ chống ăn mòn, Công nghệ thẩm mỹ, Giải phẫu, Công nghệ thẩm mỹ hiện đại, Quy trình pha chế dung dịch sát trùng, Nghi thức lễ tang, Tiếp thị dịch vụ tang lễ.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng cái chết là rất đáng sợ và khiến những người tiếp xúc với xác chết nhiều gặp phải bất hạnh. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người làm trong ngành Tang lễ gặp phải định kiến trong xã hội.
Một trong những nguyên nhân khiến ngành học này thu hút giới trẻ Trung Quốc là bởi quan điểm "việc nhiều, lương cao". Theo một báo cáo vào năm 2019, hơn một nửa số nhân viên trong nhà xác ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) sinh sau năm 1980.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt để giành giật một công việc tại Trung Quốc hiện nay, thậm chí lâm vào cảnh bơ vơ sau tuổi 35 vì "quá già", thì một công việc thuộc về Tang lễ sẽ đảm bảo cho người trẻ Trung Quốc một công việc lâu dài.
Tuy nhiên trên thực tế, ngành này cũng không phải toàn "màu hồng" như các sinh viên nghĩ. Bộ Dân chính nước này từng tiết lộ, mức lương của nhân viên nhà tang lễ trung bình 6.000 tệ/tháng (hơn 21 triệu đồng), mức cao hơn cũng chỉ từ 7.000-8.000 tệ (24-28 triệu đồng). Mức hàng chục nghìn tệ tương đối hiếm, trong khi khối lượng công việc lại nhiều.
Hầu hết các công ty mai táng đều nghỉ 4 ngày một tháng, có nơi 6 ngày. Tuy vậy nhân viên có thể phải sẵn sàng làm việc bất kể giờ nào, dù là đêm hay ngày. Với nhiều người trong ngành, mức lương của họ bị bên ngoài phóng đại. Ưu điểm đó là công việc này thường đi kèm các lợi ích như được đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, được trợ cấp nhà ở và bữa ăn. Và quan trọng nhất là có việc làm suốt đời.
Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ việc làm, sinh viên của ngành này được coi là "đắt hàng" bởi các nhà tang lễ có mặt khắp mọi nơi. Nhưng cũng giống như những sinh viên mới tốt nghiệp, tìm được việc thì dễ nhưng tìm được việc làm phù hợp mới khó. Những nơi sẵn sàng nhận họ vào làm là các nhà tang lễ ở các thành phố nhỏ, còn ở thành phố lớn rất khó chen chân.
Một cái khó nữa của nghề là áp lực tâm lý. Khi đến nơi làm việc, nhân viên phải đối mặt với những xác chết thật, khác hoàn toàn so với xác chết mô hình trong trường.
https://afamily.vn/nu-sinh-du-diem-vao-2-truong-dh-nhung-quyet-chon-nganh-nghe-khien-cha-me-tai-mat-nghe-ten-xui-xeo-nhieu-nguoi-khong-dam-hoc-20220726214921691.chn