Ngày 8/9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã tạ thế tại lâu đài Balmoral, hưởng thọ 96 tuổi. Bà là vị quân chủ trị vì lâu dài nhất trong lịch sử Anh với 70 năm cầm ngôi và 15 đời Thủ tướng.
Sự ra đi của Nữ hoàng diễn ra ngay sau khi bà tiếp kiến tân Thủ tướng Liz Truss để thành lập chính phủ mới. Cùng với thời khắc lịch sử này, nội các của bà Truss sẽ có vô số nhiều việc cần phải làm, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang đe dọa nền kinh tế, xã hội đất nước.
Là một quốc gia quân chủ lập hiến, người đứng đầu Hoàng gia Anh dù không nắm quyền lực chính trị nhưng lại có ảnh hưởng to lớn, sâu rộng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và là biểu tượng cho sự đoàn kết của Liên hiệp Anh cũng như Khối Thịnh vượng chung.
Với sự ra đi của Nữ hoàng sau 70 năm ở ngôi, một loạt thay đổi sẽ diễn ra khi Thái tử Charles kế vị, bắt đầu một thời đại mới, tác động đến nhiều khía cạnh đời sống người dân.
Thay đổi về tiền mặt, tem và các biểu tượng
Theo truyền thống từ 1960, nước Anh và một số nước thuộc Khối Thịnh vượng chung sẽ in hình chân dung vị quân chủ lên tiền giấy và tiền xu. Dưới triều đại Vua Charles III, hình ảnh chạm nổi của ông sẽ xuất hiện trên các loại tiền này tại Liên hiệp Anh, các quốc gia Đông Caribe, Canada, Australia và New Zealand.
Chân dung Nữ hoàng được in trên tiền xu.
Hiện giá trị số tiền giấy bảng Anh có hình Nữ hoàng đang lưu hành là 80 tỷ bảng, với 4,5 tỷ tờ, theo báo cáo của Guardian. Thay đổi toàn bộ số đó với hình ảnh Vua Charles III sẽ là quá trình dài ít nhất 2 năm. Khi tờ tiền 50 bảng gần nhất được phát hành, Ngân hàng Anh đã mất 16 tháng để thu hồi và thay thế chúng. Tuy nhiên, những tờ tiền cũ sẽ vẫn có giá trị pháp lý bình thường.
Khi Nữ hoàng lên ngôi năm 1952, bà không được in hình lên tiền giấy ngay. Phải 8 năm sau đó, hình bà mới bắt đầu xuất hiện trên tờ 1 bảng trong hình ảnh được thiết kế bởi nhà thiết kế tiền Robert Austin. Ngoài tiền giấy và tiền xu ở Anh, hình bà cũng xuất hiện trên một số mệnh giá tiền giấy và tiền xu ở các quốc gia Thịnh vượng chung.
Nhiều khả năng một số người sẽ vẫn tiếp tục giữ những loại tiền cũ để tri ân đến Nữ hoàng.
Điện Buckingham sẽ duyệt bức chân dung mới của Vua Charles III và hình ảnh này sẽ quay về hướng đối lập so với chân dung cũ của Nữ hoàng.
Ngoài ra, loại tem mới cũng sẽ được phát hành với hình tân vương trong khi bưu điện Anh dần dần thu hồi tem cũ.
Ngoài ra, hàng loạt cờ, biểu tượng, biểu trưng sẽ được thiết kế mới cho nhà vua. Hồi năm 1960, Nữ hoàng cũng bắt đầu sở hữu một lá cờ cá nhân, với chữ E vàng kim (viết tắt cho tên bà) bao quanh bởi vòng hoa hồng trên nền xanh. Cờ này được dùng treo trên các tòa nhà, phương tiện mà bà đang ở lại hoặc sử dụng, hay trong các chuyến công du nước ngoài.
Cuối cùng không thể không nhắc đến Vương gia huy mới của Hoàng gia Anh. Gia huy cũ đã được sử dụng từ khi Nữ hoàng Victoria lên ngôi năm 1837 và sẽ có một số thay đổi nhẹ để phù hợp hơn với thời đại mới khi Vua Charles III lên ngôi.
Thay đổi quốc ca
Quốc ca của Liên hiệp Anh sẽ lập tức đổi từ bài "God Save The Queen" sang "God Save The King" với quốc thiều (phần nhạc) giữ nguyên và phần lời chuyển sang phiên bản nam. Lần cuối quốc ca này được sử dụng là năm 1952, khi vua George VI còn tại vị.
Bài hát này cũng là quốc ca tại New Zealand và hoàng ca ở Australia, Canada.
Thay đổi về hộ chiếu
Hộ chiếu của người dân Liên hiệp Anh, Canada, Australia và New Zealand được phát hành nhân danh vương miện, nên nội dung cũng sẽ thay đổi để phù hợp với vị quân chủ mới. Trang đầu của hộ chiếu ghi rõ: "Nhân danh Nữ hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh cho phép người giữ hộ chiếu được đi lại tự do mà không bị cản trở và nhận được sự hỗ trợ, bảo trợ khi cần thiết".
Cựu Thủ tướng Boris Johnson và hộ chiếu của Anh.
Giờ đây, nội dung sẽ được thay đổi từ Nữ hoàng sang Nhà vua.
Vương quốc Anh để quốc tang 10 ngày tiễn biệt Nữ hoàng Elizabeth II
Vua Charles III - 'người chờ ngôi báu lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh'
Một sự thật thú vị là do hộ chiếu này được cấp nhân danh Nữ hoàng, nên bà không cần hộ chiếu cá nhân, dù tất cả các thành viên khác của Hoàng gia đều sở hữu bình thường.
Trong quá trình trị vì hơn 70 năm, Nữ hoàng đã tới thăm hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phần nhiều trong số đó thuộc Khối Thịnh vượng chung.
Ngoài hộ chiếu, Nữ hoàng cũng không cần bằng lái xe vì loại giấy tờ này cũng được cấp nhân danh bà.
Những thay đổi lớn khác về biểu tượng
Rất nhiều khái niệm khác trong chính phủ Anh cũng sẽ được "thay tên đổi họ". Ví dụ Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (Her Majesty's Revenue and Customs - Thuế và Hải quan của Nữ hoàng bệ hạ, sẽ đổi thành His Majesty's Revenue and Customs - Thuế và Hải quan của Nhà vua bệ hạ).
Ngoài ra, phù hiệu của Nữ hoàng in trên nhiều loại quân phục cảnh sát, quân đội Anh sẽ được thay đổi thành phù hiệu Nhà vua trong thời gian tới.
Phù hiệu cũ có chữ E viết tắt tên bà và R (Regina - Nữ hoàng trong tiếng Latin).
Trong ngành luật, các luật sư cấp cao tại Anh sẽ đổi từ QC (Queen's Counsel - luật sư của Nữ hoàng), sang KC (King's Counsel - luật sư của Nhà vua). Tên gọi của bộ phận Hoàng gia trong Tòa Tối thượng Anh sẽ đổi từ Bộ phận của Nữ hoàng sang Bộ phận của Nhà vua.
Tất nhiên, ngoài tất cả những thay đổi về biểu tượng kể trên, nước Anh sẽ chứng kiến hàng loạt thay đổi mới liên quan đến văn hóa, truyền thông, thậm chí là các ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Toàn bộ quốc kỳ Vương quốc Anh sẽ treo ở độ cao nửa cột để tưởng niệm Nữ hoàng.
Các doanh nghiệp sẽ đóng cửa trong thời gian quốc tang để tưởng niệm bà và sẽ là tác động lớn đầu tiên với kinh tế nước này. 10 ngày sau khi bà qua đời, lễ tang sẽ diễn ra, kèm với đó là ngày nghỉ ngân hàng, khiến các thể chế tài chính và thị trường chứng khoán đóng cửa.
Chưa kể, quá trình thay đổi tiền tệ, phù hiệu, biểu trưng... của nước Anh sẽ không diễn ra một sớm một chiều và tốn thêm một khoản không nhỏ cho chính phủ mới.
Nguồn: Tổng hợp
https://afamily.vn/nu-hoang-bang-ha-nuoc-anh-don-thoi-dai-moi-voi-mot-loat-thay-doi-20220909140858511.chn