Vào giai đoạn chuyển mùa, bé rất dễ bị ốm hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp. Khi con bị bệnh nặng, bố mẹ sẽ đưa bé đi viện và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, trong mỗi tủ thuốc của gia đình vẫn nên dự trữ một số loại thuốc dùng khi khẩn cấp hoặc lúc cần thiết chưa thể mua ngay, giúp giảm thiểu những rủi ro không đáng có.
1. Nhiệt kế
Đây là đồ vật rất cần trong gia đình vì trẻ em thường hay bị sốt. Xác định được trẻ có bị sốt hay không và sốt bao nhiêu độ sẽ giúp việc điều trị được kịp thời trước khi quá muộn. Hiện nay có rất nhiều loại nhiệt kế trên thị trường cho bố mẹ mua như cặp nhiệt độ tại vùng trán, vùng nách, vùng bẹn, vùng miệng... Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiệt kế dạng thủy ngân, bố mẹ nên để xa tầm với của trẻ vì nếu vỡ sẽ gây nguy hiểm.
Đối với trẻ sơ sinh, cơ chế điều hòa thân nhiệt còn kém nên nhiệt độ cơ thể trẻ thường thấp hơn người lớn. Hơn nữa, tại những vị trí khác nhau, nhiệt độ cơ thể cũng sẽ có sự khác nhau. Trong đó, hậu môn luôn là nơi phản ánh chính xác nhất nhiệt độ của cơ thể bé. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên đo nhiệt độ ở hậu môn.
Nếu không thể đo ở hậu môn, mẹ có thể cặp nhiệt kế ở nách bé. Tuy nhiên, nhiệt độ ở khu vực nách có thể chênh lệch từ 1-2 độ C so với chỉ số nhiệt độ mẹ đo được ở hậu môn. Đo nhiệt độ ở tai nhanh và không gây khó chịu cho bé, nhưng lại có độ chính xác không cao bằng những vị trí khác. Hơn nữa, trẻ dưới 3 tháng tuổi có ống tai hẹp nên các chuyên gia cũng không chỉ định đo ở vị trí này.
Đo nhiệt độ ở miệng chỉ dùng cho những bé từ 4-5 tuổi, bởi lúc này bé đủ lớn để giữ nhiệt kế trong miệng đúng cách cũng như đủ thời gian cần thiết.
2. Các loại nước sinh lý rửa mũi, mắt...
Nước muối sinh lý là dung dịch chỉ hoàn toàn có nước (H2O) và muối (NaCl) với nồng độ muối chính xác là 0,9% (hay 9 phần ngàn), đồng thời phải đạt tiêu chuẩn đóng gói vô khuẩn. Sở dĩ có tên là "sinh lý" vì nó có hàm lượng muối, áp suất thẩm thấu gần giống với môi trường sinh lý bên trong cơ thể.
Để nhỏ mắt cho bé, bố mẹ không nên dùng nước muối tự pha chế tại nhà. Bởi vì chúng có thể gây hại cho mắt do không đảm bảo vô khuẩn và pha không đúng nồng độ. Bố mẹ nên mua nước muối sinh lý hay nước muối biển xịt mũi cho trẻ sơ sinh tại các quầy thuốc. Tuyệt đối không mua các sản phẩm không có số đăng ký trên bao bì hoặc nhãn dán của cục quản lý dược.
3. Thuốc hạ sốt
- Nên dùng thuốc hạ sốt khi bé sốt >38,5 độ C.
- Liều dùng phải tính chính xác theo cân nặng: Từ 10 – 15mg paracetamol cho 1 kg thể trọng của bé. (Ví dụ bé nặng 5 kg cần dùng từ 50mg đến 75mg là tối đa). Nếu quá liều dùng này sẽ gây hại cho gan của bé, còn ít hơn thì không hạ được sốt.
- Mỗi lần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần cách nhau từ 4-6 tiếng, sau khi uống thuốc chừng 30 phút nếu bé chưa hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc mà phải chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân.
- Khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên ủ con quá kĩ hay chườm đá lạnh. Lúc này, nên lấy khăn ấm lau các vị trí nách, bẹn, lòng bàn tay, lòng bàn chân của con đồng thời để cửa nhà thoáng mát nhưng không có gió lùa.
- Nên cho con uống nhiều nước. Nếu bé sốt cao liên tục trên 39 độ C uống thuốc không giảm thì nên đưa đi khám.
4. Thuốc sát trùng và băng dán cá nhân
Trẻ nhỏ chạy nhảy dễ bị trầy xước, người lớn thì hay bị đứt tay, bỏng. Vì thế dùng thuốc sát trùng chứa povidone-iodine để rửa vết thương trong các tai nạn hàng ngày như rách da, chảy máu, bỏng, chảy máu tay sẽ giúp ngăn được vi khuẩn xâm nhập cơ thể, giúp cơ thể được bảo vệ và khỏe mạnh; trong khi băng dán sẽ giúp giữ sạch vùng da bị thương khỏi vi trùng.
5. Kem bôi ngoài da, muỗi đốt, hăm tã...
Những loại thuốc này đặc biệt cần thiết vì trẻ thích nô đùa, chạy nhảy nên dễ bị côn trùng đốt. Kem bôi da để sử dụng trong các trường hợp viêm da nhẹ như da bị ngứa, khô rát, cháy nắng, hoặc vết cắn côn trùng...