Vài năm trở lại đây, các nhà vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ) đã kỳ công ghép gỗ lũa vào cây quất truyền thống để tạo ra những dáng, thế độc đáo, làm tăng giá trị cây quất. Các nghệ nhân sẽ ghép những khúc gỗ lũa vào cây quất cảnh để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bắt mắt phục vụ người chơi dịp Tết. Có cây quất ghép gỗ lũa có giá lên đến vài chục triệu đồng.
Một chủ vườn quất ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ chia sẻ để tạo ra một cây quất ghép gỗ lũa có thế đẹp sẽ thường mất khoảng 4 tuần uốn nắn theo quá trình phát triển của cây. Mỗi cây như vậy phải chăm sóc từ 2 - 3 năm. Khâu quan trọng nhất là chọn hình gỗ hợp với dáng cây, sao cho gỗ ghép với quất làm nên giá trị của cây.
Gỗ lũa kết hợp với cây quất cảnh tạo ra một điều khác biệt, từ hình gỗ tới dáng quất được phối kết hợp hài hòa đẹp mắt. Mỗi cây quất gỗ lũa được cho là đẹp phải có nhiều yếu tố, về hình dáng, về kích cỡ, về các loại quả trong cây phải có quả chín, quả xanh và có hoa để đại diện cho tài lộc. Ảnh minh họa.
Quất mộc căn giá từ 3-15 triệu gây sốt dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán năm nay, quất mộc căn nổi lên với kiểu dáng độc lạ, bộ rễ cây cầu kỳ. Giá dòng cây này cao gấp nhiều lần so với quất bình thường nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lùng mua.
Theo quan niệm của giới chơi cây cảnh, mộc có nghĩa là thân cây, căn tức là rễ, quất mộc căn tức là bộ rễ của cây quất sẽ lộ lên khỏi mặt đất. Quất mộc căn mang một vẻ hùng dũng, khỏe khoắn nhưng cũng hết sức mềm mại nhờ sự uốn tỉa tạo tác điêu luyện.
Quất mộc căn có nhiều dáng, thế như: Huynh đệ, mẫu tử, thác đổ, ngũ phúc, tam đa, tứ quý, lộc bình… Tuỳ thuộc vào lượng rễ mỗi cây quất, thợ làm quất mộc căn có thể thiết kế tạo hình. Cây có rễ càng to, càng già chứng tỏ càng lâu năm và có giá trị lớn.
Theo chủ một vườn cho biết, để tạo ra một tác phẩm quất mộc căn sẽ phải mất ít nhất 3 năm, chưa kể thời gian tạo phôi. Và giá cho mỗi tác phẩm quất sẽ dao động từ 3-15 triệu đồng.
Cây có rễ càng to, càng già chứng tỏ càng lâu năm và có giá trị lớn. Ảnh minh họa
Bonsai nấm linh chi, đu đủ, bưởi giá cao nhất tới 30 triệu/chậu để chơi Tết
Thị trường cây cảnh Tết năm nay xuất hiện của nhiều loại cây bonsai độc đáo. Có thể kể tới nấm linh chi bonsai, đu đủ bonsai, bưởi bonsai.
Nấm linh chi bonsai được nhiều người lùng mua bởi có mệnh mộc, sắc đỏ nên đặt trong nhà vào năm mới sẽ mang đến cho sự may mắn, trường tồn. Loại nấm này có thân và tai nấm cứng không bị héo nên để được thời gian lâu, có thể tạo dáng theo ý muốn. Tuổi thọ của cây từ 3-5 tháng. Sau khi cây chết sẽ khô dần nhưng vẫn giữ được dáng bonsai như cũ. Trên thị trường, nấm linh chi bonsai có giá phổ biến từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chậu. Đặc biệt, một số chậu nấm linh chi được tạo dáng độc lạ, nuôi trồng công phu còn có giá tới vài triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Còn tại Văn Giang (Hưng Yên) có cây đu đủ bonsai được trồng trong chậu. Dòng đu đủ này đặc biệt sai quả, trải đều từ gốc đến ngọn. Đây là giống đu đủ Đài Loan quả tròn hoặc giống Thái Lan có dáng quả thon dài. Quả đạt trọng lượng cao nhất có thể lên tới 4-6 kg. Một cây đu đủ bonsai đẹp sẽ có các yếu tố như: thế cây, đủ hoa nở, quả to và đều, lá xanh đẹp và có lá lộc... Đu đủ bonsai có mức giá dao động từ 2-5 triệu đồng/cây. Những chậu cây đạt chất lượng xuất sắc có giá bán từ 15-20 triệu đồng. Dù giá khá cao nhưng đu đủ bonsai vẫn hút khách trên thị trường Tết.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, thị trường bonsai Tết năm nay còn có bưởi bonsai hút khách. Bonsai quất và bưởi có giá dao động từ 5-30 triệu đồng/chậu. Đặc biệt, những chậu bonsai bưởi có tuổi đời 50 năm được rao bán với giá 100 triệu đồng. Bởi theo quan niệm, bưởi chưng Tết rất có ý nghĩa, nhất là các cây có nhiều quả chín vàng đẹp, thể hiện cho sự ấm áp, may mắn, để khởi đầu cho một năm làm ăn phát đạt.
Ảnh minh họa
Đào chuông Yên Tử 10 triệu/cành hút khách dịp cận Tết
Đào chuông mới chỉ được biết tới trong vài năm nay nhưng nhờ sự độc đáo nên ngày càng được săn lùng. Đào chuông Yên Tử đẹp có màu hồng phớt, hoa trông như chiếc chuông nhỏ treo trên cây. Dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, nhưng thị trường đào chuông Yên Tử đang rất sôi động. Dù giá cao nhưng loại cây chơi Tết này vẫn tấp nập "người mua, kẻ bán".
Trên thị trường có đào chuông xanh và đào chuông đỏ. Hai loại đào chuông này có ở hai nơi khác nhau. Đào chuông xanh ở Hà Giang và thường nở vào mùa xuân sau Tết; còn đào chuông đỏ có ở Yên Tử (Quảng Ninh) và nở từ trước Tết.
Giá của cành hoa đào chuông Yên tử không hề rẻ, cành càng lớn càng đẹp càng có giá cao. Cụ thể, một cành nhỏ có giá từ vài trăm nghìn, còn các cành lớn từ 1-3 triệu đồng. Những cành cao 3m có phần thân to, dáng rộng, nhiều nụ lớn giá tới hơn 10 triệu đồng/cành. Tuy vậy, nhiều khách hàng vẫn rất chịu chi, sẵn sàng tậu để chơi Tết.
Ảnh minh họa.
Chi 5 triệu mua cây mộc lan chơi Tết
Hoa mộc lan được nhiều người lựa chọn chơi Tết trong một vài năm trở lại đây. Giá cả mộc lan khá đa dạng, tuỳ thuộc vào kích thước cây. Loại nhỏ nhất có giá khoảng 150.000 - 250.000 đồng, còn với cây cao 2-3m nhiều nhánh giá có thể lên đến 5 triệu đồng/cây.
Hoa mộc lan tượng trưng cho sự cao quý, tại Nhật Bản nó còn có ý nghĩa trường thọ. Trưng mộc lan trong dịp Tết chị mong muốn một năm nhiều sức khoẻ và may mắn.
Ảnh minh họa.
Mai vàng gốc nhớt thuê về chơi giá 10 triệu/cây vẫn đắt hàng
Mai vàng gốc nhớt được ghép từ phôi gốc cây mai này với thân một lại mai khác, như: giảo, tứ quý…Phần nhiều các nhà vườn trồng mai vàng làm mai gốc nhớt là ghép gốc mai rừng với mai Thủ Đức để cho hoa to, nhiều cánh, đẹp.
Mai gốc nhớt là hàng cao cấp, nên phân khúc chơi loại mai này cũng là những người có thu nhập cao. Giá cây mai gốc nhớt đắt gấp đôi mai "gốc vườn". Trung bình, giá thuê mai gốc nhớt khoảng 10 triệu đồng/cây/mùa Tết.
Ảnh minh họa