Thời gian qua, ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt, KOLs quảng cáo trên trang cá nhân hoạt động "bói tử vi". Trên thực tế, chấm tử vi chỉ là hình thức trá hình cho việc bán vật phẩm phong thủy như vòng tay, ấn rồng, bi cầu, cây tài lộc… Những sản phẩm phong thủy kể trên thường có giá cao ngất ngưởng, trong khi chất lượng và nguồn gốc chưa được kiểm chứng.
Bài đăng quảng cáo của các nghệ sĩ như Cát Tường, Hương Giang, Thanh Vân, Bảo Anh, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch và một số KOLs khác gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ đã chia sẻ không đúng sự thật.
Sau khi bị truyền thông và khán giả đồng loạt phản ánh, một số nghệ sĩ nói trên đã gỡ bài đăng quảng cáo khỏi trang cá nhân.
Nghệ sĩ Việt: "Tôi xóa nhưng thấy không có gì sai"
Khi liên hệ với MC, diễn viên Cát Tường, cô cho biết "chưa phản hồi về sự việc nói trên" vì "đang bận rộn với Liên hoan Sân khấu thủ đô lần V tại Hà Nội".
Về phía Hương Giang, diễn viên này cho rằng đó là "chuyện tâm linh" nên không chia sẻ.
Diễn viên khẳng định: "Tôi thấy mình không làm sai điều gì" khi được hỏi về việc từng đăng bài quảng cáo cho hoạt động chấm tử vi.
Khi đặt câu hỏi: "Tại sao chị phải gỡ bài đăng trên trang cá nhân nếu khẳng định mình không sai?", cô từ chối trả lời.
Cát Tường, Hương Giang quảng cáo chấm tử vi trên trang cá nhân.
"Có thể bị phạt 15 triệu đồng vì chia sẻ thông tin mê tín dị đoan"
Trao đổi luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết để kết luận các nghệ sĩ kể trên có vi phạm pháp luật hay không phụ thuộc vào việc kiểm tra, xác minh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp các cơ quan chức năng xác định những nghệ sĩ này vi phạm pháp luật, họ sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức xử phạt từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan.
Ngoài ra họ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
"Trước hết các nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng nhất định đến công chúng, giới trẻ. Nếu những nghệ sĩ này có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật để phòng ngừa và răn đe. Những nghệ sĩ ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, họ còn phải tuân thủ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch", luật sư chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại, việc nghệ sĩ bất chấp các quy định pháp luật để quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội cho thấy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước chưa cao. Cơ quan quản lý Nhà nước không quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm để phòng ngừa và răn đe dẫn đến hành vi coi thường pháp luật của một bộ phận nghệ sĩ.
"Các nghệ sĩ này vẫn quảng cáo sai sự thật xuất phát từ những lợi ích vật chất mà họ được hưởng khi đăng tải các nội dung quảng cáo này. Chúng tôi được biết đối với những nghệ sĩ nổi tiếng, việc đăng quảng cáo có thể mang về cho họ những khoản thù lao hàng chục đến hàng trăm triệu đồng", anh nói.
Luật sư cho rằng để giải quyết triệt để vấn nạn kể trên, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân để họ hiểu, tránh được các tệ nạn mê tín, hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa đảo, trục lợi.
Tiếp đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần chấn chỉnh những nghệ sĩ vi phạm bằng công cụ pháp luật chứ không thể gửi công văn chấn chỉnh nữa. Theo luật sư, cơ quan chức năng phải sớm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đăng tin sai sự thật, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan của một bộ phận nghệ sĩ.
Liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM về tình trạng nghệ sĩ Việt quảng bá sản phẩm sai sự thật trên mạng xã hội. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM cho biết sẽ tìm hiểu, xác minh sự việc và sẽ có phản hồi sau.
Theo Zing