01

Vân Anh là một cô gái giỏi giang. Xung quanh cô ai cũng phải công nhận điều đó. Cô nàng có vẻ ngoài xinh đẹp, thông minh và một công việc đáng mơ ước. Dù xuất thân từ một vùng quê rồi lên thành phố học đại học và lập nghiệp nhưng sự nghiệp bây giờ của Vân Anh ai cũng phải ngưỡng mộ.

Cô và Hoàng yêu nhau được 3 năm nay. Sắp tới cả hai sẽ tổ chức đám cưới.

Đó là hai bên thống nhất với nhau chứ hai bên gia đình chưa chính thức đi lại. Hoàng biết rõ hoàn cảnh của Vân Anh. Cô là con gái 1 trong gia đình chỉ có mẹ. Mẹ cô là tiểu thương nhỏ ở chợ, cố gắng nuôi con. Đến bây giờ khi Vân Anh đã có nhà ở thành phố, muốn đón mẹ lên ở cùng nhưng bà không đồng ý, sợ làm phiền con.

Yêu Hoàng, cô nói thẳng toàn bộ những chuyện đó. Hoàng cũng chỉ gật gù, không tỏ vẻ khó khăn gì.

Trong lòng Vân Anh, mẹ cô chính là một "điểm giới hạn", không ai được phép đụng tới.

34ea61394dd27b52d3bc08eb96ed1668-16590254630152147251972-1659025469022532206800.jpeg

02

Ngày về ra mắt nhà Hoàng là khi Vân Anh đã quyết định cưới hỏi. Trước đó, Hoàng đã về nhà cô. Mẹ Vân Anh vui mừng vì con gái kiếm được chàng rể đẹp trai lại có vẻ hiền lành.

Tuy nhiên hành trình của Vân Anh trong lần đầu đến nhà chồng tương lai không như cô nghĩ.

Bản thân là một người chu đáo, cô mua không ít quà cáp đến tặng bố mẹ anh. Cuộc gặp gỡ khá êm đẹp cho đến khi hỏi về gia đình hai bên.

Khi Vân Anh nói chuyện không có bố, chỉ có mẹ. Mẹ là tiểu thương ở quê thì thái độ của mẹ Hoàng thay đổi rõ rệt.

Khác với vẻ hồ hởi trước đó, mẹ anh bắt đầu có những câu nói khiến Vân Anh cảm thấy không ổn.

Ban đầu, mẹ chồng tương lai còn bóng gió chuyện hai bên có vẻ không môn đăng hộ đối. Sau đó, bà nói đến chuyện nhà chỉ có mẹ, Vân Anh là con gái một thì nặng trách nhiệm quá. Và cuối cùng, mẹ Hoàng như xúc phạm luôn cả mẹ Vân Anh.

"Ngày xưa mẹ cháu không lấy được chồng chắc cũng có vấn đề vì sao đấy nhỉ? Cô nghĩ là đã kết hôn thì có gì cũng nên rạch ròi với nhau. Chuyện cháu không có bố, giờ cô mới biết. Nếu như biết trước thì cô đã không cho Hoàng yêu. Dù sao thì nhà cô cũng không thể làm thông gia với gia đình như thế được. Con không cha thì gia đình lấy gì làm tử tế được".

Vân Anh nghe mà sững sờ. Cô đánh mắt qua phía Hoàng, anh vẫn im lặng nhìn cái cốc trên bàn mà không phản ứng. Giờ cô đã hiểu lí do vì sao ngay từ đầu Hoàng lúng túng khi cô hỏi về thái độ của mẹ anh về gia đình cô. Nhìn anh ấy bây giờ, cô cũng dám chắc rằng thường ngày, người đàn ông ấy chẳng dám cãi mẹ một câu và đương nhiên, nếu cô kết hôn thì sau này cũng thế.

948eb715f4bb12a23cb3607f1efb6de1-1659025488540934717866.jpg

Vân Anh quay sang nói rõ quan điểm bản thân: "Cháu nghĩ rằng chẳng ai lựa chọn được nơi mình sinh ra. Cháu nghĩ hai bên ít nhất là phải tôn trọng nhau thì mới kết thành thông gia được. Đương nhiên cháu cũng chỉ muốn gả vào gia đình nào coi trọng mẹ cháu. Cô nói như vậy khiến cháu có cái nhìn khác về nhà mình. Hóa ra gia giáo hay gia phong của nhà mình cũng không giống cháu nghĩ. Thôi có lẽ chẳng cần bàn tính cưới xin gì đâu cả. Cháu xin phép".

Vân Anh nói xong, đến lượt Hoàng lúng túng ngẩn ngơ. Nhìn anh, cô thất vọng tột cùng rồi ra ngoài bắt taxi về nhà.

03

Một cuộc hôn nhân chớm nở đã chấm dứt như vậy đấy. Nhưng có lẽ nếu cố chấp bắt đầu, cuộc sống Vân Anh phải đón nhận cũng chẳng thể nào hạnh phúc được.

Mỗi người phụ nữ đều có một "điểm giới hạn" trong hôn nhân. Và với rất nhiều người, một ranh giới không ai được phép vượt qua đấy chính là những điều liên quan đến bố mẹ đẻ, cuộc sống riêng.

Mối quan hệ thông gia rất khó để thân thiết. Điều cơ bản nhất để nó có thể tồn tại cân bằng chính là hai bên phải tôn trọng lẫn nhau.

Đương nhiên, người giữ cho sự tôn trọng đó luôn hiện hữu sẽ là hai nhân vật chính, hai người con - cầu nối cho mối quan hệ.

tumblr7d6fbffce164e4cc2b8cce020a034b5caa7647b3640-16590255128131003665069-1659025521535272662157.jpeg

Một cuộc hôn nhân "khỏe mạnh" là khi hai bên gia đình hài lòng về đối phương. Họ có thể không thân nhau nhưng chắc chắn không được buông lời xúc phạm. Sự tôn trọng thông gia cũng là sự đánh giá cao, tôn trọng chính con dâu của mình.

Và những người phụ nữ, hãy biết giữ lấy "điểm giới hạn" của bản thân trong hôn nhân. Nhiều người lấy luôn chính nhà mẹ đẻ để làm giới hạn. Nó như một vùng "bất khả xâm phạm" với nhà chồng, là một điểm mà những người nhà chồng không thể nào được coi thường.

Chưa về làm dâu đã phải chịu không ít lời hạ thấp thì lấy gì chắc chắn sau khi về chung một nhà, mẹ chồng sẽ tôn trọng mẹ vợ để giúp hai con hạnh phúc, bền lâu.

Thế mới nói, buổi ra mắt giống như một bước khảo nghiệm. Cả hai bên đều xem xét lẫn nhau. Nếu cảm thấy không thể nào bước tiếp thì đừng cố gắng. Đừng nhắm mắt kết hôn rồi đẩy bản thân vào thế chẳng thể nào được lựa chọn nữa vì "sự đã rồi".

https://afamily.vn/ngay-ra-mat-cau-noi-cua-me-chong-tuong-lai-khien-co-gai-huy-bo-dam-cuoi-dung-cham-den-diem-gioi-han-cua-phu-nu-20220728232711506.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022