Ngày 23/12/2023, tài khoản WeChat chính thức của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) thông báo: Chu Linh, cựu sinh viên khóa 1992 của trường đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 22/12 sau nhiều năm chiến đấu với bệnh tật.
Ít ai biết rằng, nguyên nhân căn bệnh của cựu sinh viên trường danh tiếng này xuất phát từ vụ “ngộ độc Thallium” chấn động xảy ra ở Đại học Thanh Hoa cách đây gần 30 năm.
Chu Linh - cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin trước đó, ngày 18/11, khối u não của Chu Linh phát tác, gây chèn ép lên sọ não, đồng tử giãn, sốt lên tới 39 độ, khiến cô rơi vào tình trạng hôn mê nặng.
Ngày 24/11, Chu Linh được tổ chức sinh nhật 50 tuổi trên giường bệnh, mặc cho thủ phạm của vụ án năm vào vẫn chưa nhận sự trừng phạt thích đáng.
Nhìn lại vụ án chấn động
Chu Linh sinh năm 1973 trong một gia đình trí thức kiểu mẫu ở Bắc Kinh và là sinh viên hóa học khóa năm 1992 của Đại học Thanh Hoa. Dưới mái trường đại học, Chu Linh khá nổi tiếng nhờ tài năng nổi bật và sở hữu nhan sắc xinh đẹp.
Ngày 24/11/1994, Chu Linh bắt đầu có triệu chứng lạ là ngộ độc, đau dạ dày, rụng tóc và phải nhập viện.
Đến ngày 31/1/1995, toàn bộ mái tóc đen của Chu Linh rụng gần hết. Cô phải nằm viện theo dõi một tuần nhưng bác sĩ không phát hiện nguyên nhân.
Ngày 26/3/1995, Chu Linh lại bị bệnh nặng, được đưa vào bệnh viện và cứ thế hôn mê trong 5 tháng liền. Gần nửa năm hôn mê tỉnh lại, Chu Linh bị liệt hai chân, hai mắt gần như bị mù, khả năng nói hoàn toàn mất đi.
Vào thời điểm đó, mạng xã hội vẫn chưa phổ biến rộng rãi, nhiều bạn cùng lớp của Chu Linh đã dịch căn bệnh "bí ẩn" này sang tiếng Anh và gửi email cầu cứu đến thế giới thông qua Internet, nhận được 2000-3000 phản hồi, trong đó khoảng 1/3 số câu trả lời rằng đó là hiện tượng ngộ độc Thallium điển hình.
Giáo sư Trần Chấn Dương của bệnh viện phía Bắc Trung Quốc từng lên tiếng về trường hợp bệnh tình của Chu Linh Rằng: "Hàm lượng Thallium trong cơ thể của Chu Linh cap gấp 10.000 lần so với người bình thường, thậm chí chạm ngưỡng gây chết người".
Sau đó, Viện Phòng chống và Kiểm soát Bệnh nghề nghiệp thành phố Bắc Kinh xác nhận rằng Chu Linh đã bị nhiễm độc Thallium hai lần. Sau lần trúng độc thứ hai, hàm lượng Thallium trong cơ thể Chu Linh rất cao, đến ngưỡng gây chết người. Bố mẹ của Chu Linh nghi ngờ rằng ai đó đã cố tình đầu độc con gái của họ, Đại học Thanh Hoa đã báo cáo vụ việc với cảnh sát.
Chu Linh của những năm sau này phải chống chọi với nhiều căn bệnh
Tôn Duy, nữ sinh ở cùng ký túc xá với Chu Linh, được coi là nghi can lớn nhất vì cô là người duy nhất có khả năng lấy muối Thallium một cách hợp pháp ở phòng thí nghiệm Đại học Thanh Hoa và tiếp cận Chu Linh.
Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra đối với Tôn, nhưng vì báo cáo kiểm tra trúng độc Thallium được đưa ra quá muộn, các vật dụng trong ký túc xá của Chu Linh đã bị hư hại, do đó bằng chứng bị mất, và không có đột phá trong vụ án.
Vụ án rúng động Nhật Bản: Hung thủ bắt cóc, sát hại bé gái 7 tuổi còn thách thức dọa xử luôn cả em gái nạn nhân
Năm 2006, Tôn đã đưa ra một tuyên bố kiên quyết phủ nhận hành vi cáo buộc cô đầu độc nạn nhân Chu Linh, đồng thời cho rằng không phải một mình cô là sinh viên duy nhất có quyền tiếp xúc và sử dụng muối Thallium trong phòng thí nghiệm của trường.
Sau một thời gian không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào, cảnh sát tuyên bố kết thúc vụ án “ngộ độc Thallium”. Sau đó, Tôn đã sang Mỹ định cư và đổi thành tên khác, theo một số thông tin từ truyền thông cho biết.
Sau nhiều năm tiếp nhận điều trị phục hồi chức năng, do tổn thương bởi trúng độc Thallium, các chức năng trí tuệ, thị giác, thể chất và ngôn ngữ của Chu Linh vẫn chưa được phục hồi, để lại di chứng vĩnh viễn và nghiêm trọng. Cô đã phải nằm trên giường bệnh gần 30 năm kể từ lần hôn mê hồi 1995.
Từ đó, Chu Linh đã trở thành một biểu tượng, và câu chuyện của cô thỉnh thoảng được đưa tin trên các phương tiện truyền thông.
Năm nay, Chu Linh đã trở lại với công chúng 2 lần vì tin tức phát hiện khối u não dẫn đầu danh sách tìm kiếm nóng của mạng xã hội Trung Quốc. Bố của Chu Linh cho biết: "Sau khi bị đầu độc hai lần, con bé không chỉ có thể sống sót mà còn sống được gần 30 năm, đó là một phép màu".
Chu Linh đã rời khỏi thế giới này. Vụ án “ngộ độc Thallium” khép lại trong mơ hồ, hung thủ vẫn thản nhiên ngoài vòng pháp luật. Thế nhưng hình ảnh của một nữ sinh tài năng luôn còn mãi trong ký ức dưới mái trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc - Đại học Thanh Hoa.
Nguồn: Sina