"Sữa cỏ" Yarmy Milk - Hàng loạt sai phạm đến dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm

Mới đây, sản phẩm sữa tăng cân Yarmy Milk, hay còn gọi là "sữa cỏ" Yarmy Milk do Tiktoker Y.C - người sở hữu hơn 6 triệu follow trên Tiktok - bị "bóc phốt" từ chất lượng đến nguồn gốc xuất xứ, quy trình công nghệ sản xuất.

Trên vỏ sữa Yarmy Milk có dòng chữ "Được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội". Tuy nhiên, khi liên hệ, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết tại đây không có Viện Công nghệ thực phẩm, mà chỉ có Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Trường cũng không có hợp tác gì với nhãn sữa này.

s1-170142661216157876283.jpg

Sữa Yarmy được quảng cáo là được chứng nhận bởi FDA, thậm chí in hẳn cả logo của FDA trên vỏ hộp.

Tại nhiều trang mạng xã hội, hãng sữa Yarmy cũng liên tục dùng hình ảnh của một bác sĩ giới thiệu là nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình để quảng cáo sữa. Tuy nhiên, khi liên hệ, đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình cho biết, vị bác sĩ này là nguyên Phó Giám đốc, đã nghỉ làm tại đây gần 20 năm. 

Liên hệ vị bác sĩ là "đại diện quảng cáo" sữa Yarmy Milk này, số điện thoại có đổ chuông nhưng sau đó báo bận hoặc tắt máy. Vị bác sĩ này cũng không phản hồi thư điện tử được gửi đến nơi công tác hiện tại.

  • Tung chiêu giảm kịch sàn giá 90 nghìn 1 hộp 900g: Người tiêu dùng rơi vào "loạt bẫy" chiêu trò của "sữa cỏ"Đọc ngay

Bên cạnh đó, trong các buổi livestream bán hàng, TikToker bán sữa Yarmy Milk liên tục đưa ra giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA. "Cẩn thận" hơn, hãng sữa này còn in hẳn logo của FDA trên vỏ hộp, đưa cả hình ảnh về dây chuyền sản xuất sữa để tăng thêm độ uy tín cho sản phẩm.

Có thể nói, sữa Yarmy Milk đã đánh rất trúng tâm lý của người tiêu dùng. Khi mua một sản phẩm chăm sóc sức khỏe như sữa, không gì tuyệt vời hơn là có bác sĩ, lại là bác sĩ chuyên về dinh dưỡng, đứng ra "bảo trợ", giới thiệu về công dụng của sản phẩm. 

"Nếu không tốt thì bác sĩ đã không đứng ra giới thiệu như vậy" - điều này đã hoàn toàn đánh trúng tâm lý và thu phục người mua. Đến bác sĩ mà bạn không tin nữa thì tin ai? Sản phẩm đã được FDA công nhận, bạn không tin và mua dùng thì còn đợi chờ gì?

Tin lời bác sĩ, nghe theo quảng cáo mua phải "sữa cỏ"

Khi "mục sở thị" dây chuyền sản xuất sữa Yarmy Milk, đập vào mắt chúng ta là hình ảnh "khách ra vào không cần bảo hộ lao động, không khẩu trang, trang thiết bị hiện đại cần tới cả giẻ lau. Thậm chí, nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót trong khu vực sản xuất, không đi giày dép bảo hộ trong quá trình sản xuất mà xỏ giày thường đi ngoài đường, tóc xõa ra, nhiều người không có mũ đội tóc...". Trong khi đó, sản xuất thực phẩm, nhất là sữa, đòi hỏi điều kiện vô trùng cực kỳ cao.

s3-1701426643796152448333.jpgbase64-1701687314891620865276.png

Hình ảnh nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót trong khu vực sản xuất, không đi giày dép bảo hộ trong quá trình sản xuất...

Một sản phẩm sữa được sản xuất như vậy, câu hỏi đặt ra cuối cùng là chất lượng sản phẩm sẽ ra sao? Nếu cứ ham giá rẻ, ham khuyến mại, tin vào người bảo trợ là bác sĩ uy tín, sản phẩm được FDA công nhận qua quảng cáo của Tiktoker... rồi mua dùng loại sữa được sản xuất trong dây chuyền như trên sẽ thế nào?

Không ít phản hồi trên Tiktok bán hàng của Tiktoker Y.C cũng cho biết bị đau bụng, mệt mỏi, thậm chí có người phải đi viện để khám... sau khi dùng sản phẩm.

base64-17016873789291656412090.png

Nhiều người cho biết bị đau bụng, mệt mỏi, thậm chí có người phải đi viện để khám... sau khi dùng sản phẩm sữa tăng cân Yarmy.

Với sản phẩm sữa như thế, bạn vẫn định mua về cho bản thân, cho gia đình hay bất cứ ai thân quen sử dụng chỉ vì tin vào quảng cáo, vì giá rẻ, vì có bác sĩ nói tốt về sản phẩm... thì quá đỗi sai lầm! Thế nhưng sự thật là vì tin tưởng, nhiều người đã trở thành nạn nhân của sữa Yarmy Milk. Và điều khiến người ta thấy đáng sợ nhất, không ngờ nhất, chính là trao trọn niềm tin cho bác sĩ bảo trợ sữa. Một vị bác sĩ với chức danh đầy đủ sự uy tín khiến tất cả cùng phải ngã ngửa.

Tìm hiểu đến cùng, nhiều người càng "rơi vào hố sâu" khi lỡ trao niềm tin vào sữa Yarmy Milk. Đại diện Hiệp hội sữa cho biết, trong số các thành viên của Hiệp hội mới chỉ có 2 doanh nghiệp sữa lớn có chứng nhận FDA để xuất khẩu sữa sang Hoa Kỳ, không có dòng sữa nói trên. Hơn nữa, FDA không cho phép doanh nghiệp in logo của họ trên nhãn hàng hóa. Tức là, quảng cáo "sữa Yarmy Milk được FDA công nhận" là chưa chính xác.

Đặc biệt, việc sử dụng đơn vị công tác, cụ thể trong trường hợp này là Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình, để quảng cáo sản phẩm là không được phép. Nguyên nhân bởi,  quảng cáo sữa nói riêng, quảng cáo thực phẩm, thuốc... nói chung tại bất cứ bệnh viện nào cũng không được phép theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, theo Luật An toàn thực phẩm được quy định bởi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng không được phép sử dụng tên bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm. 

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm nêu rõ, tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phù hợp với quy định của pháp luật. Hay nói ngắn gọn, chính là vi phạm pháp luật.

Với những dấu hiệu bất thường từ nguồn gốc đến chất lượng như vậy thế nhưng sản phẩm này vẫn đang tiếp tục được bày bán trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Hãy là những người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn sản phẩm chứ đừng chỉ nhìn vào cái mác "được bảo trợ" bởi bác sĩ này, cơ quan kia.  

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022