Mới đây, Trung Dũng có những phát ngôn thẳng thắn về vấn đề lồng tiếng phim truyền hình hiện nay. Những chia sẻ của anh gây bức xúc trong giới diễn viên lồng tiếng.

Cụ thể anh cho rằng: "Xem phim mà lồng tiếng chán lắm. Dũng vẫn thích phim thu tiếng trực tiếp, vì mình biết được khả năng của diễn viên như thế nào, mình nghe được cái thổn thức của diễn viên. Gạo nếp gạo tẻ thành công một phần là nhờ phim thu tiếng trực tiếp. Nếu lồng tiếng thì chắc chắn sẽ không có hiệu ứng và thành quả tốt như vậy".

Lập tức nhiều diễn viên lồng tiếng kỳ cựu trong giới đã lên tiếng phản đối nhận xét của Trung Dũng. Đa số cho rằng nam diễn viên đưa ra cái nhìn phiến diện, làm tổn thương người diễn viên lồng tiếng. Nhiều người còn cho rằng nhận xét của Kiệt phim Gạo nếp gạo tẻ là coi thường người làm nghề "như nhát dao cứa vào tim". 

NGUYEN_BA_NGOC5182_Zing_2.jpg
Trung Dũng không phản hồi khi nhiều nghệ sĩ lồng tiếng trước phát ngôn của anh. Ảnh: Bá Ngọc.

Người một nơi, tiếng một nẻo

Vấn đề lồng tiếng trong phim truyền hình ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Trái với sự chỉ trích của các diễn viên lồng tiếng với Trung Dũng, đa số độc giả đều ủng hộ quan điểm thẳng thắn của nam diễn viên.

"Tôi coi nhiều phim Việt Nam, quen mặt nhiều nghệ sĩ vì vậy họ nói ra là mình biết chất giọng họ thế nào. Vậy mà nỡ lòng nào lồng tiếng nghe rất khó chịu, không còn thực tế tí nào. Khẩu hình miệng có thể khớp nhưng chất giọng quen thuộc của nghệ sĩ thì làm sao lồng ra được", một độc giả của Zing.vn nhận định.

Trước đây phim ảnh chưa phát triển, chương trình truyền hình thực tế chưa nở rộ, khán giả ít được tiếp cận với nghệ sĩ vì vậy khó biết giọng thật của thần tượng. Tuy nhiên với hàng trăm game show sản xuất mỗi năm, khán giả dễ dàng được xem và nghe giọng nói nghệ sĩ mình yêu thích.

Độc giả Hạnh Phạm cho rằng: "Xem các chương trình, game show, biết rõ giọng nói của nghệ sĩ vì thế nhìn họ trên phim với tiếng nói khác, cảm giác rất giả tạo. Chẳng hạn Bình Minh xuất hiện mà mang giọng nói của người khác sẽ không thuyết phục được tôi ở sự chân thật".

Khán giả không chỉ bức xúc chuyện người một nơi, giọng một nẻo mà còn ở chuyện lệch vùng miền. Chẳng hạn lồng tiếng cho diễn viên miền Nam là giọng miền Bắc hoặc ngược lại. "Có thể giọng nói đó hợp với ngữ cảnh nhưng sẽ thật giả tạo khi khán giả biết rõ gương mặt quen thuộc của miền Nam lại gắn với giọng miền Bắc", độc giả Tina nói.

Diễn viên trẻ cần trau dồi nghề nhiều hơn

Đa số khán giả cho rằng chia sẻ của Trung Dũng thẳng thắn, đụng chạm với giới làm nghề lồng tiếng nhưng cũng là tiếng cảnh tỉnh để người làm nghề nhìn lại. Chính quái kiệt Bùi Huy Hồ từng thừa nhận chất lượng lồng tiếng phim Việt ngày càng giảm.

"10 năm trước, một tập phim 45 phút, diễn viên được trả 5 triệu đồng nhưng hiện tại chỉ nhận được một nửa. Ngoài ra, khâu lồng tiếng cũng không có đạo diễn như trước. Vì thế diễn viên lồng tiếng cũng phải nghiêm khắc nhìn lại mình" Bùi Huy Hồ lý giải.

2_123482_dat_phi.jpg
Diễn viên lồng tiếng Đạt Phi. Ảnh: NVCC.

Không chỉ khâu lồng tiếng không được đầu tư mà phim truyền hình Việt hiện cũng làm việc theo kiểu "lựa cơm gắp mắm". Vì thế số lượng phim sản xuất thu tiếng trực tiếp không nhiều.

Một bộ phim thu tiếng trực tiếp bao giờ cũng phải đầu tư chỉn chu với kinh phí lớn hơn. Bản thân diễn viên cũng phải tập trung hơn cho vai diễn. Một đạo diễn cho hay nếu phim lồng tiếng diễn viên có thể chạy nhiều show, quên cả việc học thoại vì mọi thứ có thể lấp vào nhờ lồng tiếng. Nhưng với phim thu tiếng trực tiếp, diễn viên không thuộc thoại thì không thể hoàn thành cảnh quay.

Băng Di từng kể nỗi khổ của cô khi quay phim Gạo nếp gạo tẻ vì nói sai lời thoại. Hậu quả là cảnh quay xuất hiện trên màn ảnh chưa đầy một phút nhưng cả ê-kíp phải quay tới 2 ngày. Và mỗi lần quay lại, cô đều phải xin lỗi ê-kíp vì đã nói sai lời thoại.

Trung Dũng khẳng định việc thu tiếng trực tiếp giúp diễn viên đưa cả cảm xúc của mình vào vai diễn và khán giả lắng nghe được cả cái thổn thức của diễn viên. Đồng tình với Trung Dũng, một diễn viên quen thuộc của màn ảnh nhỏ chia sẻ: "Người lồng tiếng có thể nói giọng hay nhưng cảm nhận về vai diễn, cảm xúc nhân vật khác diễn viên nên sẽ có ngữ điệu giọng nói khác". 

htv2_gaonepgaote.jpg
Băng Di thừa nhận làm khổ cả ê-kip Gạo nếp gạo tẻ vì sai lời thoại nhiều lần. Ảnh: NVCC.

Độc giả Nguyễn Hoài khẳng định cũng thích xem phim thu tiếng trực tiếp hơn. Lồng tiếng làm sao phản ánh được nhân vật, không gì thật bằng diễn viên tự nói tự diễn. Ví dụ, quay 2 bà đang cãi chửi nhau ngoài chợ, làm sao lồng tiếng mà thật bằng nghe diễn viên diễn cảnh chửi kể cả giọng họ có không hay.

Việc ủng hộ quan điểm của Trung Dũng, khán giả cho rằng điều này không đồng nghĩa với việc coi thường hay đánh giá thấp nghề lồng tiếng. Họ cho rằng những đánh giá có phần thẳng, gay gắt như Trung Dũng sẽ là bài học để các diễn viên trẻ trau dồi nghề nghiệp nhiều hơn.

"Để trở thành diễn viên giỏi, diễn viên không chỉ diễn hay mà còn phải có đài từ tốt. Yêu cầu khắt khe đó từ khán giả còn góp phần tinh lọc nghề diễn viên. Lâu nay, hot girl, ca sĩ, người đẹp chuyển sang đóng phim dễ dàng quá", ý kiến của độc giả Đoàn Minh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022