Chỉ trong thời gian không quá dài, thế giới chứng kiến biết bao đổi thay khi các nền tảng mạng xã hội "lên ngôi", từ Facebook, Instagram, Twitter và giờ là TikTok. 

Ai cũng hiểu chúng như con dao 2 lưỡi, được và mất ra sao thì cần phải có nhiều giấy mực mới liệt kê ra hết được. Bên cạnh những điều tốt đẹp luôn có những cái xấu xa, len lỏi làm vấy bẩn, tanh đục. Và cái tên Andrew Tate - kẻ bị ghét bỏ nhất Internet năm 2022 - chính là một ví dụ cho sự độc hại và hiểm họa của mạng xã hội, đang tác động trực tiếp đến giới trẻ.

Vì đâu nên nỗi?

Andrew Tate sinh năm 1986 tại Mỹ. Hắn sống cùng bố mẹ ở thành phố Goshen, bang Indiana rồi chuyển đến Chicago, sau đó chuyển đến Luton (Anh). Cha người Mỹ gốc Phi của hắn, Emory Tate, là một kiện tướng cờ vua quốc tế. Tate học chơi cờ khi mới 5 tuổi, thậm chí còn được thi đấu trong các giải đấu dành cho người lớn.

copy-of-featured-image-template-1671268498003122196274-1671277425304-16712774258952033468015.jpg

Năm 2005, Tate bắt đầu tập đấm bốc và luyện võ. Trong suốt quãng thời gian niên thiếu và cả khi trưởng thành, hắn giành được không ít giải lớn nhỏ với bộ môn Kickboxing. Những tưởng cuộc đời như vậy là quá tốt đẹp với một người đàn ông mạnh mẽ như Tate nhưng ẩn phía sau đó là một gã ngông cuồng, mang những tư tưởng lệch lạc để rồi tự biến mình thành kẻ bị cả xã hội lên án.

Năm 2016, khi Tate đang tham gia chương trình truyền hình thực tế Big Brother (năm thứ 17) thì vướng vào scandal bởi đoạn video quay cảnh hắn ta dùng dây lưng đánh bạn gái thậm tệ phát tán trên Youtube. Đoạn phim thứ 2 rò rỉ ngay sau đó, ghi lại hình ảnh Tate bắt nạn nhân khác phải đếm những bầm tím mà anh ta gây ra cho cô.

Cả Tate và những người phụ nữ đều phủ nhận bất kỳ hành vi lạm dụng nào xảy ra và khẳng định họ có quan hệ tình dục đồng thuận.

Hắn bị cắt khỏi chương trình “Big Brother” và buộc từ giã sự nghiệp thi đấu.

Công việc mất, tiếng tăm tốt đẹp không còn, bao thành tích trong thể thao cũng đổ xuống sông xuống biển, Andrew Tate thu mình và dần xa đà vào con đường "giang hồ".

Một gã giang hồ không dùng đao kiếm nhưng lại trở thành mối hiểm họa khó lường, thậm chí công khai trên mạng xã hội mà chẳng ai làm gì được hắn...

Nhiều tranh cãi xảy ra sau đó. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tate liên tục đăng bài chứa những lời lẽ kỳ thị đồng tính và phân biệt chủng tộc.

Sau đó, vào tháng 9 năm 2017, hắn bị các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần chỉ trích vì nói rằng chứng trầm cảm “không có thật”. Chỉ 1 tháng sau, Tate lại lên tiếng về phong trào #MeToo, nói rằng phụ nữ nên “chịu một số trách nhiệm” khi bị cưỡng hiếp – một quan điểm mà hắn đã nhắc đi nhắc lại kể từ đó. Một vài sự cố khác sau đó đã khiến hắn bị cấm sử dụng Twitter.

tate-2-16710949597401633710776-1671277428861-16712774290011626509652.jpg

Trong những video và hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội, Tate trở thành hình mẫu lý tưởng của nhiều thanh thiếu niên với vẻ ngoài mạnh mẽ, khi thì tạo dáng trên ôtô chạy tốc độ cao, lúc chụp ảnh với súng, lúc lại vào vai tay chơi hút xì gà. Một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như vậy thì mọi phát ngôn cần chuẩn mực, thận trọng. Vậy mà hắn luôn miệng tuôn ra những lời phát biểu gây sốc.

Theo The Guardian, Tate nói phụ nữ chỉ nên ở nhà, không được lái xe và là tài sản của đàn ông. Hắn thản nhiên nói về việc đánh đập, làm nghẹt thở, ném đồ đạc của phụ nữ vào thùng rác và cấm họ ra ngoài.

Những phát ngôn của Tate bị các tổ chức từ thiện về lạm dụng gia đình miêu tả là lệch lạc, có khả năng khiến đàn ông và trẻ em trai cực đoan thực hiện hành vi xâm hại ngoài đời.

Tuy nhiên, người đàn ông 35 tuổi này không cần ẩn nấp trong góc khuất của web đen. Hắn là một trong những nhân vật đang nổi tiếng nhất trên TikTok - nơi các video về Tate thu hút tới 11,6 tỷ lượt xem.

tate-3-1671094959681755471511-1671277430659-16712774317191852726048.jpg

Người được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới

Tự nhận là chuyên gia về phát triển bản thân, Andrew Tate cung cấp cho người theo dõi, chủ yếu là nam giới, công thức kiếm tiền và lôi kéo các cô gái.

Từ chỗ gần như vô danh, chỉ trong vài tháng, Tate đã trở thành một trong những người được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới. Vào tháng 7/2022, tên của Tate thậm chí còn được tìm kiếm trên Google nhiều hơn cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay “bà hoàng Instagram” Kim Kardashian.

tate-1-1671094959819835902406-1671277433507-16712774336472038149596.jpg

Sự nổi tiếng nhanh chóng của Tate không phải là ngẫu nhiên. Bằng chứng mà nhóm phóng viên điều tra của tờ Observer thu được cho thấy những người theo dõi Tate chọn những clip gây tranh cãi nhất để chia sẻ rộng rãi trên khắp mạng xã hội nhằm đạt được lượt xem và mức độ tương tác tối đa.

Có chút tiếng tăm, Tate mở hẳn một "học viện trực tuyến" mang tên Đại học Hustler, lôi kéo hàng nghìn học viên tham gia. Bên cạnh đó, hắn còn sở hữu một mạng lưới các tài khoản sao chép trên TikTok. Tất cả điều đó đã được các chuyên gia mô tả là một “nỗ lực trắng trợn nhằm thao túng thuật toán” và "tăng tương tác giả tạo".

Trong vòng chưa đầy 3 tháng, chiến lược này đã mang lại cho Tate một lượng lớn người theo dõi trực tuyến và giúp hắn đút hàng triệu bảng Anh vào túi.

Ước tính có khoảng 127.000 thành viên hiện đang trả 39 bảng Anh (1,1 triệu đồng) mỗi tháng để tham gia cộng đồng Đại học Hustler, nhiều người trong số họ là nam giới và nam sinh đến từ Vương quốc Anh và Mỹ.

Rất lâu trước khi nổi tiếng trên TikTok, quan điểm của Tate về phụ nữ đã bị cho là lệch lạc. Trên Facebook vào năm 2018, hắn ngang nhiên bình phẩm “sự suy tàn của nền văn minh phương Tây” sau khi nhìn thấy tấm áp phích ở sân bay Heathrow “khuyến khích phụ nữ đi du lịch thay vì trở thành bà mẹ ở nhà chăm con và người vợ chỉ biết gọi dạ bảo vâng”.

Tate cũng thảo luận cởi mở về việc bị buộc tội bạo hành một số phụ nữ. Nhưng sau cùng, người ta vẫn không hiểu nổi hắn có bị buộc tội gì ngoài sai phạm khi lái xe vào năm 2018 hay không.

Trong thời gian cảnh sát Vương quốc Anh điều tra các cáo buộc lạm dụng, Tate rời khỏi nơi cư trú đến Romania. Trong một video giải thích lý do chuyển đi, hắn tự thừa nhận cách đó sẽ dễ dàng trốn tránh tội hiếp dâm hơn. Đây "có lẽ là 40% lý do" khiến hắn chuyển đến Romania. Trong một video, hắn tự thanh minh: "Tôi không phải là kẻ hiếp dâm, nhưng tôi thích ý tưởng có thể làm những gì mình muốn. Tôi thích được tự do".

Ngang nhiên "cướp tiền" của thiên hạ

Vào tháng 1, tờ Daily Mirror đưa tin Tate và em trai Tristan đang “kiếm hàng triệu USD từ các trang web - nơi những người đàn ông mất trắng cả gia tài vì sập bẫy những câu chuyện thảm thương của các cô người mẫu. Các nạn nhân đều mô tả đó "hoàn toàn là trò lừa đảo”.

Theo The Guardian, các nhà điều tra đã phát hiện 75 tài khoản OnlyFan khác nhau có liên quan đến Andrew Tate. Hắn ta buộc những người tình của mình lên OnlyFan kể khổ bằng những câu chuyện đẫm lệ, hoàn cảnh éo le khác nhau để xin tiền ủng hộ. Tất nhiên, những người mủi lòng sẽ dốc tiền cho họ nhưng cuối cùng, tiền vẫn vào túi của Tate. Có thông tin cho biết anh em nhà Tate giàu có cũng nhờ cách kiếm tiền táng tận lương tâm này.

tate-4-1671094959633361705565-1671277435186-1671277435349215496378.jpg

Sau đó vào tháng 4, biệt thự của 2 anh em Tate bị cảnh sát đột kích sau khi có tin báo từ đại sứ quán Mỹ rằng một phụ nữ Mỹ 21 tuổi đang bị giam giữ trái với ý muốn của cô. Gia đình Tates đã bị thẩm vấn trước khi được trả tự do và phủ nhận hành vi sai trái.

Hồi tháng 8, các nhà chức trách Romania cho biết cuộc điều tra, sau đó được mở rộng để điều tra các cáo buộc buôn người và hiếp dâm, đang diễn ra.

Mạng xã hội dung túng cho nội dung độc hại

Kể từ tháng 1 đầu năm nay, các video được đăng tải lại từ các cuộc phỏng vấn với Tate trong nhiều năm trước đã thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok. Nhưng trong vòng tháng 7, con số ngày càng tăng chóng mặt. Chỉ tính riêng tuần đầu tháng 8, các clip được gắn tên Tate đã được xem hơn một tỷ lần.

Các bài đăng không đến trực tiếp từ Tate mà là hàng trăm tài khoản, thường sử dụng tên và ảnh của hắn, do học viên của Đại học Hustler quản lý.

Các thành viên, bao gồm cả những bé trai 13 tuổi, cho biết họ có thể kiếm tới 10.000 bảng Anh/tháng thông qua bài học về đầu tư tiền điện tử, giảm phí vận chuyển và hưởng 48% hoa hồng với mỗi lần lôi kéo thành công người khác tham gia.

Trong một hướng dẫn, các “sinh viên” của Đại học Hustler được cho biết rằng thu hút sự chú ý của mọi người bằng các “bình luận gây tranh cãi” là chìa khóa dẫn đến thành công: “Điều lý tưởng mà bạn có thể làm là sự kết hợp giữa 60-70% người hâm mộ bạn và 40-30% người ghét bạn. Hãy tranh luận và khơi mào cuộc chiến".

Nhiều video Tate thoạt nhìn có vẻ vô hại, thậm chí là hài hước. Với phong cách nói chuyện thẳng thắn đặc trưng, hắn chê bai những người đàn ông uống nước lọc thay vì đồ uống có gas hay nuôi mèo. “Đàn ông đích thực nuôi chó”, Tate nói.

Nhưng phần lớn trong các nội dung về Tate đều vi phạm nguyên tắc cộng đồng của TikTok. Nền tảng này nêu rõ rằng TikTok cấm nội dung “ca ngợi, quảng bá, tôn vinh hoặc ủng hộ bất kỳ hệ tư tưởng thù địch nào”, bao gồm cả hành vi sai trái. 

Các điều khoản của TikTok cũng nói rõ ràng rằng họ cấm các tài khoản “mạo danh” người khác bằng cách sử dụng tên hoặc hình ảnh của họ theo cách “gây hiểu lầm”.

Tuy nhiên, khi vô tình xem được nội dung về Tate, người dùng vẫn được đề xuất nhiều video hơn về hắn từ nhiều tài khoản khác nhau.

Trong một video, được đăng từ một tài khoản có tên và khuôn mặt của Tate, hắn mô tả thực tế vấn đề mong đợi bạn gái của mình cư xử như thế nào: “Tôi mong đợi sự trung thành tuyệt đối từ người phụ nữ của mình. Tôi không muốn con gái mình nói chuyện với những gã khác, thích những gã khác. Những đứa con bé bỏng của tôi không được phép đến câu lạc bộ mà không có tôi, chúng phải ở nhà”.

Đối với những người hâm mộ Tate, những điều đó chẳng gây sốc gì. Thậm chí, câu chuyện về hắn còn được thảo luận cởi mở trên podcast và những người ủng hộ nói rằng phong cách nói chuyện thẳng thắn của Tate là "liều thuốc giải độc" cho cái gọi là văn hóa hủy bỏ.

Các nhà phê bình cho rằng sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của Tate làm dấy lên mối lo ngại về sự kỳ thị phụ nữ trên mạng và khả năng cực đoan hóa, khi một nữ cư dân mạng gọi hắn là "người đàn ông đáng sợ nhất trên Internet". Một người khác, người tìm kiếm lời khuyên trong một diễn đàn, mô tả "thái độ và quan điểm" của bạn trai cô đã thay đổi "đáng kể" như thế nào sau khi xem video của Tate.

tate-5-16710949596121070314676-1671277437126-1671277437300999829105.jpg

Andrea Simon, giám đốc của liên minh Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, cho biết nhiều video của Tate dường như "vi phạm rõ ràng" các điều khoản của TikTok.

Hannah Ruschen, một nhân viên chính sách của NSPCC, nói thêm: "Xem những tài liệu như vậy khi còn nhỏ có thể hình thành trải nghiệm và thái độ của trẻ, dẫn đến tổn hại thêm cho phụ nữ và trẻ em gái trong và ngoài trường học, cũng như trên mạng".

Callum Hood, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Trung tâm chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (Center for Countering Digital Hate), cho biết: "Việc đề phòng nội dung có hại và thao túng nền tảng là do TikTok tự quản lý. Nó đặt ra câu hỏi: Tại sao họ không nhận thấy điều này? Và tại sao họ không hành động?".

Trong một bình luận, TikTok cho biết họ chú ý đến hành vi sai trái và đang tích cực điều tra xem liệu các tài khoản đăng nội dung của Tate có vi phạm quy tắc hay không.

Người phát ngôn cho biết: "Không dung thứ cho hành vi và tư tưởng ghét bỏ phụ nữ cũng như các tư tưởng và hành vi thù địch khác trên TikTok và chúng tôi đang nỗ lực xem xét nội dung này cũng như có hành động chống lại các hành vi vi phạm nguyên tắc của chúng tôi. Chúng tôi liên tục tìm cách củng cố các chính sách và chiến lược của mình".

Thực tế, Tate chỉ là một trong rất nhiều những gã "giang hồ" đang làm vấy bẩn môi trường mạng xã hội. Những kẻ mang danh truyền bá kiến thức, kỹ năng nhưng thực chất lại nhồi nhét vào đầu người trẻ tư tưởng lệch lạc.

Không chỉ trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam, có rất nhiều tài khoản mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Con số người theo dõi "khủng" là minh chứng cho việc nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn ngây thơ tin vào các "thầy mạng" này mà mù quáng đi theo sự dẫn dắt của họ. Hoặc không thì cũng bị ảnh hưởng từ những quan điểm không đúng đắn.

base64-16712685477911323781100-1671277439292-1671277439430274104398.png

Ví dụ của một tài khoản mạng xã hội chuyên đăng tải nội dung lệch lạc nhưng lại có rất nhiều người theo dõi. Tài khoản này thường xuyên đăng tải các hình ảnh "chế" và chú thích tỏ ý chê bai, mỉa mai phụ nữ.

base64-16711802941061942400571-1671277441113-1671277441280165077328.png

Một tài khoản TikTok người Việt, sở hữu tới hơn 120.000 lượt theo dõi, 4,3 triệu lượt thích, chuyên đăng tải những quan điểm tư vấn tình cảm.

Máy tính, mạng Internet, công nghệ phát triển khiến người với người trở nên "xa cách". Khi những đứa trẻ mới lớn, có quá nhiều điều về kỹ năng sống, các mối quan hệ bạn bè, yêu đương mà chúng chưa biết cách hoặc chưa thể tìm hướng giải quyết. Nếu cha mẹ không là người chỉ đường dẫn lối thì rõ ràng những ông "thầy mạng" như Tate sẽ có đường len lỏi vào cuộc sống của chúng, thậm chí thao túng cả tâm hồn. Bởi một điều tất lẽ dĩ ngẫu, có cầu ắt sẽ có cung. 

Những cô cậu thanh niên mới lớn, hay thậm chí là lớn rồi thì vẫn luôn cần sự sẻ chia, thấu hiểu và tư vấn từ những người thương yêu. Vậy nên, cách duy nhất và nhanh nhất là mỗi bậc phụ huynh phải gần gũi và theo sát con em mình. Hãy hướng con theo những hình mẫu lý tưởng chuẩn mực, có như vậy mới thoát khỏi "bóng đen ma quái" của những cám dỗ, ngông cuồng ngoài kia...

Nguồn: The Guardian

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022