01

Thanh lấy Hùng sau chỉ khoảng nửa năm tìm hiểu. Lúc kết hôn, cô 28 tuổi, quá mệt mỏi với những lời thúc giục của bố mẹ nên quyết định cưới luôn một anh chàng "trông được" trong những người theo đuổi mình.

Hùng ngoài 30, vẻ bề ngoài khá ổn, công việc cũng ổn định. Thanh nghĩ rằng, cưới anh là để bắt đầu một cuộc sống hôn nhân yên ổn, bình thường.

Thế nhưng sau khi kết hôn, cô mới biết Hùng không như những gì mình tưởng tượng. Mọi vấn đề của anh vẫn ổn riêng có chuyện bừa bộn, không thích làm việc nhà là quá sức chịu đựng của Thanh.

Hai vợ chồng từng xảy ra đến vài "cuộc chiến nội trợ" chỉ vì chuyện này. Hùng rất cẩu thả, chỉ thích bày mà chẳng thích dọn. Nếu như Thanh có việc đi vắng vài ngày thì vài ngày sau cô về, thùng rác vẫn chưa được đổ, bát đĩa không được rửa và quần áo kiểu gì cũng tứ tung trên giường, trên sofa.

garance-illustration-yukiko-noritake-projet-perso51portraitweb-1669804451754243711422-1669815062463-1669815062798936882191.jpg

Hùng chưa bao giờ có ý thức trong việc dọn dẹp nhà cửa vì ở nhà anh, mẹ chẳng bao giờ để con trai đụng vào việc nhà.

Thanh là người ưa sạch sẽ, lúc nào cô cũng phải lao đến dọn dẹp nhà cửa dù đi làm về có mệt mỏi ra sao. Những lúc như thế, Thanh đều phải lên tiếng để trách móc chồng, hai bên lại "chiến tranh". Tất cả chỉ vì những công việc nhà mà trong mắt Hùng, chúng nhỏ bé, không đáng để phải cãi vã như thế.

02

Một ngày nọ, Thanh về nhà khi đã hơn 8h tối vì phải tăng ca. Căn hộ tối om bởi vì biết vợ không thể về nấu cơm, Hùng đã nhanh chóng nhắn tin thông báo việc sẽ sang nhà bố mẹ đẻ ăn tối.

Không phải là ở nhà nấu nướng để vợ về ăn mà Hùng - chồng Thanh chọn phương án ít mệt mỏi hơn, chạy về nhà bố mẹ đẻ ăn còn vợ như thế nào thì mặc kệ.

Lê bước chân mệt mỏi ngồi vào sofa, Thanh thấy ngay bên cạnh mình là đôi tất bẩn của chồng.

Ngày nào cũng thế, Hùng khi về nhà đều vứt tất khắp nơi, quần áo thay xong cũng chẳng chịu cho vào túi để giặt. Tất cả mọi thứ anh luôn làm cho văng tứ phía, không có gì được sắp xếp. Căn nhà bừa bộn thêm phần nhiều cũng do sự cẩu thả từ Hùng.

Hôm nay, có lẽ Hùng về nhà, tắm táp xong xuôi rồi mới tới nhà bố mẹ. Quần áo hay tất bẩn vẫn như mọi khi, vứt khắp nơi trên sàn.

Bình thường, cô vẫn là một cô vợ ngày quần quật ở công sở, tối về nấu nướng, dọn nhà, ôm đồ bẩn của chồng ở khắp các ngóc ngách mà anh có thể nhét được để đi giặt.

Thế nhưng hôm nay, trong một ngày vừa đói vừa mệt, vừa thất vọng với chồng lại thấy đôi tất bẩn trên sofa, Thanh chẳng kìm nổi cảm xúc.

Cô tự cảm thấy bản thân mình thật thảm hại. Tăng ca về muộn, ngôi nhà hỗn loạn bừa bộn, chồng bỏ về nhà bố mẹ ăn tối mặc kệ vợ một mình.

Tự nhiên trong lòng Thanh lại có suy nghĩ muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này. Trước khi quyết định lên xe hoa, cô không bao giờ nghĩ rằng mình lại rơi vào tình cảnh hơi hỗn độn như vậy. Một người chồng không bao giờ đụng tay vào công việc nhà, không thích cảm thông, không muốn đỡ đần vợ. Thanh nghĩ rằng có vẻ mình đã quá vội vàng khi kết hôn mà chưa kịp tìm hiểu sâu sắc về đối phương.

03

Trong cuộc sống, có rất nhiều cuộc hôn nhân xích mích chỉ vì công việc nhà.

Nhiều phụ nữ luôn mang trong mình tâm lý muốn quán xuyến tất cả nên trong đời sống gia đình, thường thì phụ nữ lo toan điều này nhiều hơn. Đáng nói hơn là, phụ nữ bỏ công sức nhiều nhưng có những người đàn ông lại chẳng quan tâm đến điều đó. Trong mắt họ, việc nhà vốn là chuyện nhỏ, không có người này thì người kia làm. Nhưng bản thân họ không làm thì "người kia" chắc hẳn là rơi vào đầu vợ họ rồi.

Cái vòng luẩn quẩn của việc này khiến cho đôi lúc chiến tranh trong hôn nhân nổ ra.

cat-houseok-1024x678-16698045042101278420993-1669815065088-16698150652141296397584.jpg

Một tác giả người Nhật đã xuất bản cuốn "Danh sách việc nhà chồng không biết", liệt kê 162 "việc nhà vô hình" mà các ông chồng thường bỏ qua: Bổ sung giấy vệ sinh, lên thực đơn đồ ăn mỗi bữa, đặt túi rác mới, cất quần áo... Chúng đều là công việc nhà nhưng dường như đàn ông chẳng mấy để tâm.

Như vậy, làm sao để việc nhà không thành vấn đề trong quan hệ vợ chồng?

Nó thực sự là một chuyện khiến người ta phải suy nghĩ.

Thứ nhất, hãy làm rõ định nghĩa việc nhà của cả hai bên và lập danh sách việc nhà

Mỗi người đều có cách sống khác nhau học được từ gia đình ban đầu. Trước khi phân công việc nhà, chúng ta phải hiểu quan điểm của đối phương và đảm bảo rằng cả hai đều có chung định nghĩa.

Ví dụ, việc đặt túi rác mới hoặc gấp quần áo có phải là công việc nhà trong tư duy của cả hai bên? Các bạn hãy cố gắng trao đổi với bạn đời và liệt kê danh sách việc nhà mà cả hai đều đồng ý thực hiện.

Thứ hai, có thể cùng nhau làm việc nhà

Nhiều cặp vợ chồng thích sự đồng hành trong công việc. Ví dụ, hai bạn có thể cùng nhau rút quần áo và gấp đồ, vừa làm vừa chuyện trò. Đó là một cách giúp thắt chặt tình cảm và biến việc nhà đơn điệu thành thời gian chất lượng dành cho nhau.

Thứ ba, nếu đối phương không muốn làm, hãy mạnh dạn thuê người

Ngày nay, tỉ lệ các gia đình có cả vợ lẫn chồng đều đi làm khá cao. Họ bận rộn và không có thời gian cho công việc nhà. Bởi vậy, nếu kinh tế cho phép, bạn hãy giảm số lượng công việc nhà và thuê nhân viên dọn nhà theo ngày. Điều này không chỉ tránh được mâu thuẫn mà còn giúp hai vợ chồng được nghỉ ngơi.

Làm việc nhà không phải là bằng chứng của tình yêu. Không làm việc nhà cũng chẳng chứng tỏ đối phương không yêu bạn. Chúng ta nên đối mặt với những vấn đề nho nhỏ của chuyện gia đình và cùng chia sẻ việc nhà với bạn đời, để gánh nặng việc nhà không phải thuộc về phụ nữ như quan niệm của nhiều người.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022