Tết đến có lẽ chỉ có hội chị em phụ nữ là đủ mọi gánh lo. Nhất là những người đang làm vợ, làm mẹ, làm con dâu. Lo trước Tết chưa hết đã phải lo ăn Tết, lo sau Tết, chả có mấy thời gian được nghỉ ngơi cho mình. Có một vấn đề năm nào cũng diễn ra mỗi dịp Tết nhưng hội chị em vẫn canh cánh bởi mỗi năm lại có những thay đổi khác nhau. Đó là việc góp bao nhiêu tiền để ăn Tết với nhà chồng.
Mới đây, 1 cô vợ đã kể câu chuyện của mình trên mạng xã hội như sau:
"Em bực quá các chị ạ. Hôm rằm em về nhà mẹ chồng mua ít đồ với đưa cho bà tiền sắm Tết. Vợ chồng em đi làm trên Hà Nội, mới cưới được 2 năm, đi ở trọ thôi nên cũng nhiều cái khó khăn. Nhưng với bên nội bên ngoại lúc nào em cũng cố gắng chu đáo. Năm ngoái chồng em còn ở nhà nên không đưa tiền cho bà mà bọn em đi sắm hết. Đợt đấy bà mới ngã, chân đi tập tễnh và nói là giao hết việc cho em.
Năm ngoái mua cây cối, giò chả, gà, bia, sửa sang nhà cửa các thứ hết chả dưới 15 triệu. Nhưng mà thôi ai lại đi kể lể ra mấy cái ấy, cuối cùng thì mẹ chồng em chả biết giá trị đâu các chị ạ. Năm nay em bận quá, 29 mới được nghỉ Tết nên em về sớm ngay từ giữa tháng đưa tiền cho bà phấn khởi.
Bài đăng trên hội nhóm
Em đưa mẹ chồng 10 triệu - Em nghĩ đấy là một con số không nhỏ nhưng bà lại nhất quyết từ chối. Bà bảo mua bán hết rồi mà lúc ấy mới có 16 tháng Chạp. Em nài nỉ mãi thì bà phải cầm nhưng đến lúc lên trên này bà mới gọi bảo bỏ tiền lại vào hộp trứng đưa em xách lên rồi. Thật sự câu bà nói làm em xúc động lắm: 'Hai đứa đang không có cứ giữ lấy mà chăm con, gà nhà nuôi, rau nhà trồng được, có phải sắm gì đâu, bố mẹ lo được'.
Thế mà bẵng đi vài ngày, bà chị hàng xóm nhắn tin trên face cho em bảo là: 'Mày không đưa tiền cho mẹ chồng sắm Tết à hay đưa ít quá? Hôm qua thấy sang tâm sự với mẹ chị có vẻ thất vọng với con dâu lắm?'.
Em thật sự sốc luôn. Em phải bốc máy gọi ngay cho chị ấy hỏi rõ ngọn ngành thì chị ấy kể mẹ chồng em nói là: 'Cả năm mấy lần con nó ốm đau lên chăm con cho nó, lần nào cũng tay xách nách mang từ quả cà muối mà có mỗi cái Tết nó còn tiếc bố mẹ, đưa được mấy đồng. Cũng chả hỏi han nhà cửa, bố mẹ ra sao. Tôi thương con Chip nó ốm nên không lấy bà ạ, thôi thì vì con vì cháu...'.
Riêng bà chị này thì em tin bà ấy không nói điêu còn mẹ chồng, em chứng kiến mấy lần rồi, cứ có ít xít lên nhiều. Mà em không hiểu nói thế để làm gì luôn ấy. Cháu ốm cả năm nhờ bà lên được 3 lần. Bà có hay đưa trứng, rau, gà sạch nhà nuôi nhưng em không nghĩ số tiền em đưa là 'mấy đồng'. Mà bà không ưng cũng không nói thẳng với em lại để em mang tiếng xấu với hàng xóm.
Cuối cùng thì em quyết định kể với chồng, chồng em bực lắm, có lẽ hiểu tính mẹ rồi nên anh ấy phi xe về luôn chiều qua. Em thấy bảo sáng nay sang vườn mua cây quất 2 triệu với đưa 10 triệu trước mặt ông bà, anh trai, chị dâu để bà không nói được gì nữa. Nghĩ mà chán không cơ chứ! Chị em rút kinh nghiệm, đừng có 'áo gấm đi đêm' như em".
Ảnh minh họa
Bài đăng thu hút rất nhiều bình luận của chị em phụ nữ. Quả thật là vấn đề đau đầu. Có người chia sẻ: "Chả bù mẹ chồng mình, biết 2 đứa nghèo Tết năm nào cũng đưa thêm 5 triệu bảo con cho bố mẹ ăn Tết luôn". Nhưng cũng có chị còn éo le hơn: "Thế đã là gì, mẹ chồng mình còn nói thẳng mặt ấy, chê ít rồi so sánh với vợ chồng thằng em trai, nó ở riêng mà nó còn đưa gấp đôi nọ kia, mệt lắm!".
Đa phần các bà vợ đều cho rằng đây là dịp trả nợ, ví dụ con số kia sẽ phụ thuộc vào việc trong năm ông bà cho cháu bao nhiêu, giúp đỡ con cái những gì. Nhưng nó cũng chỉ mang tính tương đối, còn tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh và tính nết bố mẹ ra sao. Có người lại không thích đưa tiền, cũng có người muốn 1 tay lo hết theo đúng ý mình. Thế nên nàng dâu cứ phải hỏi thẳng xem mẹ chồng mình muốn thế nào, mất lòng trước được lòng sau.
Có lẽ, thiếu sót của nàng dâu trên là vì bận rộn quá mà vội vàng đưa tiền cho mẹ chồng như kiểu trách nhiệm, không hỏi han hay quan tâm gì đến việc nhà. Còn bà mẹ chồng ấy lại trái tính quá, có lẽ vì muốn thể hiện 1 chút nên thành ra gây ấn tượng xấu với con dâu. Thế người ta mới nói, chẳng gì bằng sống thật tâm, thật lòng, có sai sót cũng sẽ được bỏ qua.
Về phía nàng dâu, các chị em hãy thoải mái với khoản này, có nhiều thì góp nhiều, có ít góp ít, nói thêm để mẹ chồng hiểu. Hãy nhớ tiền sắm Tết không phải tiền báo hiếu hay là tiền ăn góp vào mấy ngày Tết để cân đong đo đếm. Làm cái gì cũng nên từ cái tâm mà ra. Còn vui hơn nữa là khi con dâu đề nghị mẹ chồng 2 mẹ con cùng đi sắm Tết, cùng làm những công việc trong nhà, cùng trò chuyện để tăng thêm tình cảm.