Tết Nguyên Đán là dịp gia đình đoàn viên, người người cùng về nhà quây quần rồi kể những câu chuyện vui vẻ sau một năm xa cách. Tết có những đặc trưng như cây đào, cành mai, bánh mứt, hương trầm… Nhưng không ở Việt Nam, đâu dễ gì để kiếm được những vật thực đó phục vụ cho Tết. Bởi vậy, câu chuyện về những người Việt sinh sống ở nước ngoài đón Tết vẫn luôn nhận được sự chú ý.

Mẹ bầu 2 tháng được “trai tân” mê đắm

Hương Phạm là người Việt Nam đang sinh sống tại Đức. Cô lấy chồng rồi theo về nước được 3 năm nay. Ngày xưa, Hương quen Andrea - chồng cô bây giờ khi đang mang bầu 2 tháng. Hồi ấy, bạn trai tên Jo của Hương còn ít tuổi nên chưa sẵn sàng làm bố. Vốn là người tự lập và mạnh mẽ, Hương quyết làm mẹ đơn thân bởi cô cũng chẳng chấp nhận chuyện vì mang thai mà tiến hành đám cưới với ai đó.

Andrea thích Hương ngay từ cái nhìn đầu tiên và muốn mời cô đi uống cà phê. Do đang có chuyện buồn trong tình cảm, Hương từ chối.

“Một hôm, Andrea nhắn tin bảo rằng 2 ngày nữa sẽ rời Hà Nội và muốn gặp mình. Mình thấy thế nên hẹn anh đến nhà nấu bữa trưa cho. Anh đã đến đúng giờ với một bộ đồ đẹp, hoa tươi và xịt nước hoa thơm phức. Mình lúc đó vẫn pijama. Dù hơi ngượng nhưng vì đã lỡ như thế, mình không thay đồ nữa mà nói chuyện luôn”, Hương kể.

Sau đó, cô thẳng thắn nói về việc đang mang bầu cho Andrea nghe. Cô không muốn có một chút hiểu nhầm nào xảy ra hết. Dù hơi bất ngờ nhưng anh không tỏ thái độ gì, trái lại Andrea còn đề nghị được giúp đỡ nếu như Hương cần.

Hai ngày sau, Andrea tiếp tục hành trình du lịch của mình và khi quay lại Việt Nam, anh tỏ tình với Hương. Nhưng Hương không vội vàng đồng ý. Cô lịch sự trả lời rằng hãy để xem duyên phận sắp xếp thế nào. Cả hai cứ nói chuyện với nhau thôi và nếu tình cảm đủ lớn, chuyện gì cũng giải quyết được cả. Andrea lên máy bay về Đức để đón năm mới cùng gia đình.

Hương kể: “3 tháng sau đó, anh quay lại Việt Nam và chúng mình đã có chuyến du lịch đầu tiên với nhau. Tháng 6, mình sinh em bé, anh ấy đã sắp xếp công việc và bay sang để chăm sóc. Sự tận tình, tỉ mỉ và chu đáo của anh khiến gia đình mình cũng phải cảm động. Còn mình cũng đã có quyết định cho mối quan hệ này".

Điều đặc biệt chính là gia đình bố của con Hương cũng xin phép được đi lại. Họ đã bay từ Pháp qua để thăm bé vào ngày con được 1 tháng và xin phép được cho bé được mang họ của bố ruột. Hương đồng ý vì chẳng muốn ích kỷ hay làm khó.

Noel năm đó, cô sang Pháp đón Giáng sinh cùng gia đình bố của con rồi sau đó qua Đức gặp bạn trai và gia đình. Đúng ngày 31/12, cô nhận lời cầu hôn của Andrea ở hồ đóng băng. Đám cưới của cả hai được tổ chức gần 1 năm sau đó.

photo-1580209956751-1580209956755652001461.pngphoto-1580209949757-158020994976058090549.png

Bây giờ, Hương đã có một tổ ấm tuyệt vời với 2 con ngoan ngoãn, chồng yêu thương. Mối quan hệ của vợ chồng cô với gia đình bạn trai cũ cũng hòa hợp. Vào ngày 25/12 hằng năm, Hương cùng Andrea lại sang Pháp ăn Noel với gia đình bên đó.

Noel như thế, Tết cổ truyền của Việt Nam gia đình cô cũng rất rộn ràng. Có một ông chồng tuyệt vời như vậy nên chuyện đón Tết Nguyên Đán ở trời Tây của cô cũng được chồng nhiệt tình ủng hộ.

Gia đình chồng tuyệt vời tạo nên Tết Việt ý nghĩa

Năm nay là năm thứ 3 Hương định cư ở Đức và cũng là cái Tết thứ 2 cô không ở Hà Nội. Dù xa Việt Nam nhưng Hương vẫn cố gắng tìm kiếm đủ mọi thứ mang âm hưởng Tết Việt mang về nhà.

Hương kể: “May mắn cho mình là gia đình và chồng luôn tạo mọi điều kiện cho vợ. Chồng đưa mình đi chợ châu Á quanh thành phố để lựa chọn đủ đồ như ở Việt Nam. Mình ở khu không có nhiều người Việt nên muốn vật thực Tết đủ đầy thì phải đi nhiều, đi xa. Ngày nào, mình cũng video call về nhà, nói chuyện Tết cùng mọi người nên không khí cũng đỡ buồn bã hơn”.

828446302679679735400578188367851034247168n-15802097894371495246926.jpg

Mâm ngũ quả Hương chuẩn bị ở nước ngoài.

Không chỉ chồng mà bố mẹ chồng Hương cũng rất tuyệt. Khi có con dâu Việt Nam, họ đã lên mạng tìm hiểu về văn hóa Việt, đất nước, con người ở đây.

Thi thoảng Hương cũng nấu đồ ăn Việt để mời ông bà, giới thiệu cho ông bà rõ hơn về Tết Việt Nam thế nào. Bởi vậy, trước khi đến Tết cả tháng trời, mẹ chồng đã hỏi luôn lịch trình của con dâu: "Ngày nào là Giao Thừa". Mục đích của bố mẹ chồng cô là sắp xếp thời gian qua cùng con dâu ăn Tết. Ông bà rất thích món bánh chưng rán ăn với củ kiệu.

“Năm ngoái, ông bà qua ăn Tết cùng mình và đã mắng chồng một trận vì chồng đi công tác ngày lễ, chẳng tâm lý già cả. Đúng Giao Thừa, mình bật Youtube xem chương trình cuối năm, xem pháo hoa khắp mọi miền rồi ông bà cũng gọi điện về chúc mừng năm mới bố mẹ mình. Ông bà hào hứng lắm và luôn ước được đón Giao Thừa tại chính Việt Nam vào một ngày không xa”, Hương kể.

Hương là người tự lập sớm, từng đi khắp nơi, quen biết làm việc với toàn người nước ngoài nhưng cô luôn ý thức và tự hào về Việt Nam, văn hóa Việt. Khi có dịp, cô lại giới thiệu về Tết Việt cho chồng cùng bạn bè. Tết là dịp đoàn viên nên Hương cũng hướng về gia đình trong những ngày này.

Hương tâm sự: “Nói thật, Tết là những ngày mình nhớ nhà, thương bố mẹ nhiều nhất. Bố mẹ càng lớn tuổi lại hay tủi thân vì nhìn gia đình người ta đoàn viên, trong khi con cháu lại không sắp xếp về được nên mình thấy rất buồn.

Mình xác định năm sau sẽ về ăn Tết cùng bố mẹ vì nếu không tranh thủ, khi các con lớn, đi học, bản thân bận rộn với cuộc sống thì thật khó có dịp để đưa con về ăn Tết”.

photo-1580209857166-15802098571721089056058.pngphoto-1580209851646-15802098516531696751811.png
photo-1580209845082-15802098450901290642103.pngphoto-1580209830844-158020983085177841442.png

Góc Tết Việt ở trời Tây.

Chưa về được Việt Nam, Hương biến không gian nhà mình trong những ngày Tết thành Việt Nam thu nhỏ. Ở mỗi góc nhà đều có những điều nho nhỏ thể hiện cho Tết cổ truyền đang hiện hữu.

Từ ngày 28 Tết Hương đã bắt đầu dọn nhà, mua hoa về trang trí để các con biết, háo hức như những đứa trẻ ở Việt Nam đón Tết.

“Bên mình những ngày qua lạnh, gia đình lại không sống gần khu người Việt nên dù đã đặt sẵn cành đào trước cả tuần nhưng vẫn không có được. Nguyên do bởi đào chưa cắt được khiến mình không có cành đào chơi Tết. Bù lại, mình mua rất nhiều hoa như thanh liễu, hoa ly về trang trí cho nhà cửa có sắc xuân”, Hương chia sẻ.

Không chỉ trang trí nhà cửa với hoa, Hương cũng mua những cây đèn lồng nhỏ về treo. Cô cố gắng mua nhiều đồ để làm mâm cỗ truyền thống. Cỗ Tết của cô dù ở nơi cách Việt Nam hàng nghìn km vẫn có mâm ngũ quả,nem rán, giò chả, bánh chưng và cả canh măng… Đó đều là những món ăn mà chỉ cần thấy thôi, cả bầu trời hương vị ngày Tết lại ùa về rồi.

Hương tâm sự: “Mình cũng đọc sách cho con về tục lệ ngày Tết và cả văn hóa lì xì nũa. Con gái thứ 2 của mình đã được 1,5 tuổi, bé bắt đầu tập nói bi bô, hiểu và quan sát mọi thứ nên mình cũng cùng các con cuốn nem, sắp xếp bàn tiệc, cùng nhau dọn nhà. Vừa làm, mình vừa giải thích cho con bằng tiếng Việt để khơi dậy tình yêu và sự háo hức về Việt Nam cho các con”.

8366785730174103349705857430662888051703808n-15802098988441057146279.jpg

Hương và gia đình chồng quây quần bên mâm cỗ Tết.

Đúng là một cái Tết ấm cúng, đủ đầy của cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc đầy may mắn. Dù đi xa đến đâu, người Việt cũng sẽ hướng về Tết Việt, về cội nguồn và ý nghĩa của sự đoàn viên, ấm cúng, hạnh phúc.

Hi vọng rằng những năm tiếp theo, Hương vẫn giữ gìn được bản sắc Tết Việt của gia đình mình trên đất Đức. Đó chắc chắn là một điều khiến trái tim người mẹ trẻ thêm phần ấm áp trong những năm tháng sống xa quê hương.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022