Suốt nhiều năm trời, nữ diễn viên Mỹ Lisa Rinna (nổi tiếng với một số vai truyền hình) luôn bị trêu chọc bởi thói quen có phần ám ảnh của cô khi sử dụng khách sạn.
Ngay khi ngôi sao này đặt bước chân đầu tiên vào một khách sạn nào đó, cô sẽ dùng hàng đống miếng lau khử trùng để chùi mọi bề mặt mà cô "xử lý" được. Mặc dù thói quen này của cô khiến nhiều người chế nhạo, nó không hề vô lý chút nào.
Theo Well+Good, trong một ca làm 8 tiếng, một nhân viên vệ sinh khách sạn phải dọn dẹp từ 15-20 phòng, tức là mỗi phòng có cùng lắm 20-30 phút dọn dẹp. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, họ vừa phải dọn phòng, vừa dọn giường, thay khăn, bổ sung đồ dùng, vứt rác,...
Cận cảnh bên trong khách sạn được mệnh danh 'tuyệt đỉnh sang chảnh’ của giới siêu giàu: Nơi Beyonce có buổi biểu diễn độc quyền cát-xê 500 tỷ đồng, phòng khách sạn 2,3 tỷ đồng/đêmĐọc ngay
Với chỉ chừng đó thời gian và khối lượng công việc khổng lồ, có thể tưởng tượng rằng một số phần của công việc phải được hy sinh để đảm bảo tiến độ. Nắm rõ điều này hơn ai hết, cựu nhân viên vệ sinh khách sạn Tara Richardson chia sẻ 5 vật dụng ít được làm sạch sâu nhất trong các phòng khách sạn.
Nếu định sử dụng những món đồ sau đây, hãy đảm bảo bạn có một quy trình vệ sinh thật chu đáo trước đó.
1. Máy pha cà phê
"Máy pha cà phê thường chỉ được làm sạch qua loa (một vài lần xịt và chùi), vì phần lớn các khách sạn quan tâm đến vẻ ngoài của món đồ và tốc độ công việc hơn là sự sạch sẽ hoàn hảo", Richardson cho biết.
"Chúng thường ít được làm sạch sâu, tức là có rất nhiều vi khuẩn và đôi khi cả nấm móc bên trong vì nước đọng và vệ sinh không đúng cách".
2. Xô đá
Nếu bạn nghĩ rằng việc sử dụng lót nilon là đủ an toàn với một xô đá trong khách sạn để đảm bảo vệ sinh, thì có lẽ bạn đã nhầm. Theo Richardson, không phải ai cũng có thói quen sạch sẽ với món đồ này.
"Tôi đã từng thấy xô đựng đá được dùng làm đĩa ăn cho chó, để nôn, vân vân... và thường thì chúng chỉ được làm sạch qua loa. Nước hoặc đá bị đổ đi, rồi người ta lau khô nó bằng giẻ và một vài lần xịt cái dung dịch đa năng nào đó mà khách sạn cung cấp cho nhân viên".
3. Chăn và duvet
Duvet là tên chỉ chung loại chăn có độ dày và ấm, bên trong được nhồi đầy lông vũ hoặc bông mềm, có phần vỏ và ruột dễ tách rời, được ưa thích sử dụng trong khách sạn.
Những vật dụng này gần như không thể không sử dụng, đặc biệt là vào mùa lạnh. Tuy nhiên, Richardson cảnh báo rằng tại phần lớn các khách sạn, chăn và duvet ít khi được làm sạch sâu hoặc thay thế. "Khi tôi làm việc, trừ phi có vết bẩn nhìn được, chăn và ga giường thường chỉ được mang đi giặt 1 lần/năm để làm sạch sâu". Đó cũng là tần suất thay thế vỏ chăn ga gối.
4. Khăn và áo choàng
Richardson chia sẻ: "Chúng tôi luôn được khuyên không nên thay chúng nếu chúng trông sạch sẽ để tránh bị giặt quá nhiều và đồ giặt không bị quá nhiều một lúc", Richardson chia sẻ. Biết được điều này, cô khuyên mọi người có thể đi xin khăn tắm và áo choàng mới từ nhân viên vệ sinh cùng tầng bởi khả năng cao là chúng vừa được giặt.
5. Đồ thủy tinh
Richardson nói: "Nơi tôi làm việc, cốc uống nước và cốc cà phê chỉ được rửa sạch và lau trong bồn rửa trong phòng tắm. Chúng tôi không được cung cấp xà phòng rửa bát cũng như đồ thủy tinh không được thu gom và mang đi rửa đúng cách trong máy rửa chén".
Dù là đi công tác hay du lịch, lần tới khi bạn ở trong khách sạn, Richardson khuyên bạn nên mang theo một vài sản phẩm tẩy rửa trong hành lý của mình. "Tôi luôn mang theo một ít khăn lau khử trùng và lau nhanh bất cứ thứ gì tôi sẽ sử dụng trong phòng - công tắc đèn, điều khiển từ xa, điện thoại, mặt bàn và đặc biệt là tay nắm cửa", cô nói.
Tất nhiên, khách sạn và tiêu chuẩn vệ sinh của họ cũng "thượng vàng hạ cám". Những lưu ý mà Richardson nêu ra không phải để "bóc phốt" hay khuyến khích mọi người không nên ở khách sạn, mà chỉ đơn thuần nhắc nhở chúng ta về thói quen vệ sinh, cẩn trọng hơn khi sử dụng các dịch vụ lưu trú.
Nguồn: Well+Good