Có lẽ đây là giai đoạn khá cực nhọc với các bà mẹ có con sinh vào năm Ngựa Vàng - 2014, là giai đoạn các bạn nhỏ bước chân vào ôm sách bút cặm cụi với những con chữ đầu tiên trong cuộc đời.
Tuy nhiên, không chỉ mình các bạn nhỏ làm quen với sách vở mà các bậc phụ huynh dường như cũng phải học lại lớp 1 mới có thể theo được chương trình để dạy con. Cũng từ đó mà trăm nghìn câu chuyện dở khóc dở cười bắt đầu tìm đến và là 1 trải nghiệm khó quên trong sự nghiệp làm cha mẹ như tôi.
Ngày nào cũng hồi hộp chờ tin nhắn
Do tác động của dịch Covid-19 nên việc tìm kiếm lớp tiền tiểu học không hề đơn giản, thêm vào đó với quan điểm "con nhà lính thì tính không thể nhà quan" nên vợ chồng tôi quyết định cho con trai cứ thế mà "so-lo" vào lớp 1.
Con tôi được đánh giá là rất dễ thích nghi với hoàn cảnh, thường thì bạn ấy chẳng mất quá nhiều thời gian để làm quen với bất kỳ môi trường nào mới. Có lẽ vì vậy mà 2 vợ chồng khá yên tâm với việc để con học bán trú tại trường.
Thế nhưng, ngay từ những buổi học đầu tiên, tôi liên tục nhận được tin nhắn từ cô giáo chủ nhiệm con không hoàn thành bài vở. Quả thật lúc này tôi phải nghi ngờ rằng liệu bản thân có sai hay không khi không cho con "chạy trước chương trình".
Những buổi học đâu, tôi không khỏi giật mình khi nhận được bài tập "viết tên em" của con.
Tối nào 2 mẹ con cũng như bước chân vào cuộc chiến không cân sức, bài vở của con nhiều đến nỗi chính tôi còn không biết phải bắt đầu từ đâu. Hầu như ngày nào cũng có 3 dạng bài tập con phải làm mà mỗi dạng thì có khi dài đến 4, 5 trang vở.
Ngày thứ 4 khi con mang về quyển vở luyện chữ với bài tập con viết lại tên mình, dù là có theo mẫu thì tôi cũng thấy thật sự giật mình.
Kể từ đó, hầu như buổi chiều nào tôi cũng dở khóc dở cười đọc tin nhắn từ cô giáo với nội dung đa phần là nhận xét con còn nhiều cái cần cố gắng hơn.
Nhận được những tin nhắn "phê bình" từ cô giáo chủ nhiệm nhưng tôi lại có cảm giác yên tâm nhiều hơn.
Chẳng biết vì sao nhưng tôi luôn mong chờ những "lời phê bình" của cô giáo, dù có rất nhiều học sinh nhưng cô vẫn cẩn thận nhắn cho từng phụ huynh về tình trạng của con khi ở lớp như thế. Đây là điều khiến tôi thở phào nhẹ nhõm với quyết định cho con theo học trường công.
Sách vở lớp 1 nhiều hơn cả sách vở lớp 12
Đây đúng là sự thật! Khi mà bộ SGK của các anh chị lớp 12 trọn bộ chỉ có 12 quyển thì các bạn nhỏ "đại học chữ to" lại có đến 14 quyển chưa kể những quyển phải bổ sung thêm sau đó.
Tôi không biết phải phản ứng ra sao khi nhìn cậu con nhà mình bé như que kẹo khệ nệ đeo cái ba-lô vào lớp. Cũng may sách vở được yêu cầu để lại trường nhưng mỗi lần nhìn con lắc lư đi vào trong lớp tôi có chút... "không đành lòng".
Thương con là thiên tính của người mẹ, chính vì vậy mỗi buổi tối với 3 tiếng đồng hồ vẫn không thể hoàn thành hết bài tập về nhà thì người mẹ nào cũng chẳng thể không canh cánh trong lòng cho được.
Nếu không phải vì sách vở sẽ được để trên lớp thì chiếc ba-lô to nặng chẳng mẹ nào nỡ để con nhỏ khệ nệ đeo trên vai.
Có những buổi tối, mẹ vừa làm việc vừa dạy con học mà sao thấy mọi thứ căng như dây đàn. Có 1 lần, sau khi hoàn thiện công việc, tôi thấy chồng đang dạy con học, con vốn dĩ rất sợ ba nên viết bài đến mỏi nhừ tay, cái bút chì run lên bần bật mà cũng chẳng dám xin cho con nghỉ 1 chút.
Tôi khá nghiêm khắc nên thời điểm dạy học sẽ không tạo cơ hội cho bạn nhỏ mè nheo. Cậu chàng cũng khá quen với việc này nên gần như chẳng bao giờ khóc lóc ăn vạ, ấy vậy mà trong 1 buổi học, mẹ chỉ mới nói rằng con tập trung vào đi thì cậu ấy bỗng òa lên khóc, khóc nức nở luôn.
Sau 1 hồi khóc mếu, bạn nhỏ nói rằng "mẹ không yêu con" thì mình mới giật mình, hóa ra các bạn ý dù có thích nghi tốt đến đâu thì vẫn có chút khủng hoảng thành ra cũng "mong manh, nhạy cảm".
Vẫn biết vạn sự khởi đầu nan, thế nhưng vấn đề dạy con học như thế nào thì quả thật ra gian nan đến nỗi bậc làm cha mẹ như chúng tôi cũng có chút hơi nản lòng.
Chẳng biết rằng các mẹ đang chiến đấu với con chữ cùng các bạn nhỏ như thế nào, nhưng chắc hẳn tôi cũng không mấy lạc loài trong công cuộc "con học - cả nhà học theo" này thì phải.