Sau khi nghiên cứu, chị Huyền Trân (Luật sư và là mẹ của em bé Chiêu Dương tại TP HCM) đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong thời gian mang thai, rất có ích cho các mẹ đã, đang và mong muốn có em bé. Có các loại bảo hiểm thai sản sau, các mẹ tham khảo nhé.
1/ BẢO HIỂM XÃ HỘI (BHXH)
Bảo hiểm này dành cho các bạn đi làm hưởng lương hằng tháng.
Về nguyên tắc thì các bạn có Hợp đồng lao động thời hạn trên 1 tháng đều sẽ được đóng bảo hiểm này.
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản của BHXH là bạn phải đóng đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, nếu có thai 1-2 tháng mới đóng BHXH thì tới ngày sinh vẫn có thể đủ thời hạn tối thiểu 6 tháng này.
Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Tốt nhất bạn nên đóng BHXH ít nhất 8 tháng trước khi sinh.
Đáp ứng đủ điều kiện này thì trong 6 tháng nghỉ thai sản, bạn sẽ được hưởng nguyên lương theo mức đóng BHXH.
Ví dụ lương thực tế của bạn là 15 triệu, đóng BHXH đúng thực tế 15 triệu thì hưởng thai sản được 6 x 15 triệu = 80 triệu.
Số tiền này cũng kha khá. Nên đã đi làm, đóng BHXH thì nên lưu ý để không bị mất quyền lợi nha các mẹ bỉm ơi.
Lưu ý, chế độ thai sản chỉ áp dụng đối với người tham gia BHXH bắt buộc (người lao động làm việc tại các công ty, cơ quan,…). Những người đóng BHXH tự nguyện không được hưởng.
2/ BẢO HIỂM Y TẾ (BHYT)
BHYT có 2 dạng:
- Tự mua theo hộ gia đình, phí bảo hiểm khoảng 800.000 đồng/năm.
- Người lao động có đóng BHXH thì trong đó đã bao gồm BHYT nên không phải mua riêng nữa.
Quyền lợi khi có BHYT là sẽ được chi trả một phần chi phí khám chữa bệnh, bao gồm chi phí sinh con tại các bệnh viện công lập.
Nếu đi đúng tuyến thì được chi trả 100% chi phí, còn trái tuyến thì chi trả thấp hơn.
BHYT là loại bảo hiểm cơ bản nhất mà hầu như ai cũng có thể tiếp cận được với chi phí rất thấp.
Do đó, dĩ nhiên là không thể đòi hỏi phải chi trả hết các dịch vụ tiện nghi theo yêu cầu.
Ví dụ: gói sinh gia đình, phòng đơn 1 người khi lưu viện, dịch vụ gội đầu sau sinh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng,…
Nếu chưa có bất kỳ bảo hiểm nào, khi mang thai hãy nhớ mua cho mình 1 thẻ BHYT nhé. BHYT không có điều kiện ràng buộc gì cả, cứ mang theo thẻ bên người là được.
3/ BẢO HIỂM SỨC KHOẺ (BHSK)
Bảo hiểm này hiện nay có rất nhiều công ty bảo hiểm bán, với nhiều gói dịch vụ tương ứng với hạn mức chi trả khác nhau.
Loại bảo hiểm này giống như BHYT, tuy nhiên không cần phải đi theo tuyến như BHYT mà chỉ cần khám chữa bệnh tại các Bệnh viện, Phòng khám có liên kết với công ty bảo hiểm đó là được.
Hằng năm, bạn sẽ đóng một khoản phí. Ví dụ bạn mua gói bảo hiểm A là 5 triệu/năm - tương ứng với hạn mức chi trả:
- Tai nạn: 500.000.000 đồng/năm.
- Ốm đau nằm viện: 200.000.000 đồng/năm.
- Thai sản: 20.000.000 đồng/năm.
Trong đó cũng có những khoản giới hạn hoặc loại trừ. Ví dụ giới hạn tiền giường là 800.000 đồng/ngày chẳng hạn.
Nếu năm đó bạn khoẻ mạnh, không có vấn đề gì thì 5 triệu đã đóng sẽ không hoàn trả lại. Coi như bạn mua lá bùa bình an.
Nếu bạn có vấn đề gì thì bảo hiểm sẽ chi trả lại một phần hoặc toàn bộ. Tuỳ theo gói bảo hiểm cao hay thấp mà hạn mức chi trả cũng tương đương.
Trong các quyền lợi sức khoẻ được chi trả, một số BHSK có chi trả Quyền lợi Thai sản.
Do đây không phải là bệnh, nên để được hưởng chi trả cho việc sinh nở thì bạn phải đáp ứng đủ thời gian chờ.
Hai mức chờ phổ biến là 270 ngày và 365 ngày.
Tức là thời điểm bạn mua BHSK đến thời điểm bạn sinh em bé ra phải tối thiểu 270 ngày hoặc 365 ngày.
Việc này giúp BHSK loại trừ việc bạn có thai rồi mới mua bảo hiểm.
Do đó, nếu muốn hưởng quyền lợi thai sản này, bạn phải lên kế hoạch trước, trừ hao sinh sớm nữa.
Và những bạn gặp các vấn đề khó thụ thai cũng không nên mua bảo hiểm dạng này.
Hợp đồng bảo hiểm có thời hạn 1 năm. Nếu thả lâu quá mới có em bé thì ngày sinh em bé, hợp đồng đã hết hạn, cũng không được hưởng quyền lợi.
Nếu muốn hưởng, phải đóng phí thêm 1 năm nữa, như vậy tính ra tiền được chi trả không chênh lệch bao nhiêu với tiền đóng BHSK. Không lợi nhiều.
Mình thấy mua Bảo hiểm dưới dạng BHSK này nếu sinh mổ thì có lợi hơn, đặc biệt là sinh mổ ở các Bệnh viện quốc tế.
Khác với BHYT, BHSK ít loại trừ những khoản chi phí dịch vụ. Thay vào đó, họ giới hạn hạn mức chi trả thôi.
Ví dụ gói bảo hiểm đó được chi trả tiền phòng lưu viện tối đa 3 triệu/ngày. Nếu mình nằm bệnh viện quốc tế 6 triệu/phòng/ngày thì cũng được chi trả 3 triệu.
Và, bảo hiểm thai sản này bản chất là bảo hiểm sức khoẻ, nên ngoài các quyền lợi khi sinh con, mình cũng được chi trả khi gặp các sự cố về sức khoẻ khác nữa.
4/ THẺ SỨC KHOẺ KÈM BẢO HIỂM NHÂN THỌ (BHNT)
Nhiều bạn không được tư vấn kỹ nên cảm thấy bị mất tiền oan khi mỗi năm mình đóng 50 triệu mà giá trị tích luỹ chỉ có 30 triệu. Đó là vì trong 50 triệu đó được thiết kế với 20 triệu tiền cho Thẻ sức khoẻ kèm theo.
Thẻ sức khoẻ này cũng giống như BHSK mình vừa nêu mục trên. Trong các quyền lợi về sức khoẻ sẽ được chi trả một phần chi phí sinh con theo hạng mức từng gói.
Tuy nhiên, chi trả bao nhiêu, giới hạn - loại trừ phần nào thì bạn phải tìm hiểu kỹ từng hãng bảo hiểm.
Ngoài ra do Thẻ sức khoẻ kèm theo Hợp đồng BHNT nên nếu chỉ mua để hưởng thai sản thì không có lợi.
Vì hưởng bảo hiểm xong, bạn vẫn phải tiếp tục đóng phí chứ nghỉ ngang không được.
Cho nên nếu chỉ mua để hưởng Bảo hiểm thai sản rồi xong, thì BHSK có lợi hơn (không buộc phải đóng tiếp).
Còn nếu bản thân bạn hoặc người thân trong gia đình (chồng/con/cha/mẹ/anh/chị/em) đang có 1 Hợp đồng BHNT thì mình có thể đăng ký mua thêm 1 Thẻ sức khoẻ để được hưởng quyền lợi sẽ tiết kiệm chi phí hơn.
Đằng nào thì chồng bạn cũng phải đóng BHNT định kỳ rồi, bạn chỉ cần trả thêm phí cho Thẻ sức khoẻ thôi. Nó ưu việt hơn mua BHSK rời ở chỗ là "cam kết tái tục".