01
"- Anh nghĩ gì mà lại bỏ ra ngần ấy tiền để mua chiếc xe máy, nhà mình giàu lắm sao. Tôi cực nhọc vất vả, anh thì đang làm gì đây này?
- Cô đừng to tiếng, cô nghĩ mấy đồng tiền mình làm ra được mà đã đủ để ngồi lên đầu chồng hay gì.
- Tại sao anh không biết suy nghĩ như thế, tôi đã quá khổ rồi…".
Mâm cơm ăn dở vẫn tanh bành ở bàn, hai đứa trẻ co rúm người sợ hãi và một đôi vợ chồng vẫn “đấu võ mồm” không biết bao giờ dừng lại…
***
Đã quá nhiều lần, Thanh cảm thấy đau khổ khi mình cưới Hải. Để mà suy rộng ra thì Hải không có nhiều thói hư tật xấu. Anh không bài bạc, không rượu chè, không đánh vợ đập con hay cắm sừng ngoại tình gì cả.
Thế nhưng, tính cách của người chồng này vẫn khiến Thanh cảm thấy cuộc hôn nhân quá mức mệt mỏi.
Thanh là một người có tham vọng, có mục tiêu cho tương lai. Cô muốn con mình phải đi học trường tốt, xa xôi hơn sẽ được đi du học. Cô hiểu rõ, muốn con cái sống được ở vạch đích thì bố mẹ phải xuất phát. Bởi vậy, lúc nào cô cũng nỗ lực. Mục tiêu cuộc đời được cô vạch ra rõ ràng và làm theo rất dứt khoát. Cô cố gắng, đôi lúc là cả làm việc “bán mạng” để có kinh tế lo toan cho con cái, gia đình.
Trái lại, Hải là mẫu đàn ông bình chân như vại. Khi còn yêu, anh cũng vẽ ra tương lai, đưa ra mục tiêu cuộc đời. Tuy vậy sau khi cưới về, Thanh mới hiểu rằng chồng mình “Nói như rồng leo làm như mèo mửa”. Anh không bao giờ cố gắng phấn đấu. Anh hài lòng với cuộc sống hiện tại, cho rằng ở nhà thuê cũng không sao, chỉ cần vui là được.
Nhưng rõ ràng, trong hoàn cảnh tiền nong túng thiếu, con cái cần chi tiêu nhiều thì cũng chỉ có mỗi Hải vui mà thôi. Hải chỉ cần biết mỗi tháng nộp nửa lương cho vợ chi tiêu còn với khoản tiền ít ỏi đó, vợ lo cho 2 con học thế nào, bỉm sữa đồ ăn ra sao anh chẳng thèm nghĩ đến.
Không chỉ thế, Hải còn có những niềm vui khác khiến Thanh nhiều lúc uất ức. Có lần, cô phát hiện anh bỏ ra 3 triệu để mua trang bị trong game. Thời điểm đó, 3 triệu là nửa tháng lương của chồng. Hai người đã cãi vã ầm ĩ cho đến khi Thanh quá chán, không muốn nói nữa. Chồng ham chơi, không có chí tiến thủ, không có mục tiêu khiến Thanh rất bất lực.
02
Người ta nói rằng, nếu như vợ chồng không có chung mục tiêu chung tiếng nói thì rất khó hòa hợp. Thanh cảm thấy cuộc sống của mình đang đi đúng trên “lối mòn” ấy.
Vài năm sau, Thanh không trông chờ nhiều vào sự thay đổi của chồng nữa, cô cố gắng tìm ra cách kinh doanh, kiếm tiền nuôi con. Sau bao phấn đấu, cô cũng đủ 2/3 số tiền mua một căn nhà, số còn lại trả góp.
Hai vợ chồng Thanh có con gái đang lớn dần, bởi vậy cô luôn mong muốn có nhà riêng để con có phòng riêng, phòng tắm riêng. Niềm ước ao của cô thành hiện thực. Cô cũng nói với chồng từ bây giờ gia đình sẽ tiết kiệm hơn, dồn tiền trả nợ nhà cho thoải mái. Hải nghe rồi cũng gật đầu qua loa.
Cho đến một hôm, Hải nói rằng sẽ có bất ngờ cho vợ. Cô cho rằng, chồng sẽ tặng quà hoặc bất ngờ thông báo được tăng lương. Thanh cũng hi vọng đó sẽ là niềm vui thực sự.
Ai ngờ hôm đó khi ba mẹ con Thanh đang ăn cơm, Hải mang về chiếc xe máy đắt đỏ, có giá trị hơn 150 triệu đồng khiến Thanh sững sờ. Hỏi ra mới biết, bố mẹ chồng bán được mảnh đất nhỏ, nhà chồng đông anh em nên chia cho mỗi con một số tiền nho nhỏ. Chuyện này mẹ chồng đã nói với Thanh từ trước song cô không thể ngờ nổi, trong lúc gia đình đang khốn khó trả nợ, giật gấu vá vai chồng lại mang toàn bộ số tiền đó đi mua một chiếc xe máy đắt đỏ.
Nếu nói để Thanh đi thì chẳng phải, cô chống chân không tới. Hơn nữa, mua một tài sản lớn mà chồng chẳng thèm nói một câu. Khi hỏi lí do, Hải bảo rằng có mấy đồng nghiệp đi xe này rất ngầu, anh cũng muốn.
Thanh nổi điên và cuộc hội thoại lên án như đầu bài đã xảy đến. Cả hai bên đều bất mãn với nhau, Thanh tức đến ứa nước mắt, cảm thấy chồng vô trách nhiệm đến tột cùng. Trong đầu cô đã nhen nhóm ý nghĩ sẽ ly hôn.
03
Trên đời, có những mâu thuẫn hôn nhân đến theo cách thức khó lòng tưởng tượng. Thanh và Hải ngay từ đầu đã có những tư tưởng khác nhau trong cuộc sống. Thanh có những uất ức, dồn nén và có lẽ, chiếc xe máy đắt giá chính là một “giọt nước làm tràn ly”.
Có những người đàn ông họ vô tư đến nỗi người ta tưởng chừng như họ vô trách nhiệm, vô tâm với cuộc hôn nhân. Họ mải mê theo đuổi niềm vui, bất chấp hoàn cảnh gia đình và trao luôn trách nhiệm giữ vững nhà cửa cho vợ. Dần dần, các bà vợ cũng trở nên buông xuôi, tự mình gánh vác cuộc sống bởi dù có nói như thế nào thì cũng chẳng thể thay đổi được một người.
Tình trạng đó xảy đến trong không ít gia đình. Một người vợ có tham vọng, một người chồng an phận. Nó tạo nên sự lệch pha và những suy nghĩ khác biệt đến nỗi mâu thuẫn lúc nào cũng chờ chực nảy sinh. Những cuộc hôn nhân kiểu như thế lúc nào cũng tiềm tàng nguy cơ đổ vỡ. Chồng không có ý chí, vợ thất vọng, điều đó gây nên sự dồn nén và chỉ cần một “mồi lửa” xúc tác sẽ “bùm”, tất cả không thể cứu vãn.
Vậy mới nói, sự hòa hợp trong tư tưởng là điều rất quan trọng đối với vợ chồng. Khi còn đang tìm hiểu, hai bên cần nói chuyện với nhau kỹ càng về vấn đề này, đừng để sau khi kết hôn lại ồ à, vỡ lẽ và rồi thất vọng tràn trề, mâu thuẫn liên miên.
Đừng bao giờ coi thường vấn đề này, nó là cốt lõi trong suy nghĩ của mỗi người và rất khó để tự thay đổi trong quá trình chung sống.