Mary Barra được biết đến với vai trò là nữ CEO (giám đốc điều hành) đầu tiên của tập đoàn sản xuất ô tô lâu đời ở Mỹ, General Motors (GM). Nhờ phong cách lãnh đạo cứng rắn cũng những đối sách tài tình, Barra đã được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là một trong những vị CEO hoạt động hiệu quả nhất tại Mỹ trong thế kỷ 21.
Hành trình đi lên bằng chính năng lực của mình
Mary Barra nhận ra tình yêu của mình đối với ô tô vào năm 10 tuổi, khi bà lần đầu nhìn thấy chiếc Chevy Camaro mui trần màu đỏ, kiểu dáng cổ điển của người anh họ. Đến tận thời điểm hiện tại, mỗi khi nhắc đến chiếc xe ấy, đôi mắt nâu của bà vẫn mở to và sáng rực: "Đó là một chiếc xe đẹp, rất đẹp".
Barra sinh ra và lớn lên ở Waterford, một làng nhỏ thuộc quận Oakland, tiểu bang Michigan, nước Mỹ vào ngày 24/2/1961. Đây cũng là nơi mà cha bà đã dành 39 năm cuộc đời để làm việc tại General Motors với tư cách là nhà sản xuất khuôn.
Niềm đam mê với các loại xe ô tô đã đưa Barra đến với Học viện General Motors (sau đổi tên thành Đại học Kettering), một trường kỹ thuật hoạt động như cơ sở đào tạo kỹ sư cho GM. Tại đây, bà lấy được bằng kỹ sư điện và bắt đầu thực tập tại nhà máy sản xuất xe hơi Pontiac khi mới chỉ 18 tuổi.
Tình yêu mà Barra dành cho xe ô tô nói chung và cho General Motors nói riêng bắt đầu từ khi còn rất nhỏ
Thời điểm Barra bắt đầu làm việc cho GM cũng là lúc công ty này đang “chia sẻ" thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh đến từ Nhật Bản như Honda và Toyota - những hãng xe mà người tiêu dùng Mỹ cho là đáng tin cậy và có giá cả phải chăng hơn rất nhiều.
Đến năm 1988, học bổng của GM đã đưa Barra đến với Đại học Stanford và lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Sau khi đạt được tấm bằng danh giá, Barra lại quay về với GM. Bà dần có nhiều bước thăng tiến hơn trong sự nghiệp, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều bộ phận khác nhau.
Theo thời gian, bà được giao nhiều trách nhiệm mới và giữ nhiều vị trí khác nhau trong bộ phận kỹ thuật và quản lý, bao gồm cả vị trí giám đốc nhà máy lắp ráp Detroit.
Tháng 2/2008, Barra trở thành Phó Chủ tịch Kỹ thuật sản xuất toàn cầu của thương hiệu. Chỉ một năm sau đó, bà nhanh chóng thăng tiến lên chức Phó Giám đốc Nhân sự toàn cầu và giữ vị trí này trong 2 năm trước khi chuyển sang làm Phó Giám đốc Phát triển Sản phẩm toàn cầu.
Bản lĩnh của một "nữ tướng"
Chỉ vài ngày sau khi Mary Barra lên giữ chức CEO vào tháng 1/2014, bà đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp.
Cụ thể, vào đầu năm 2014, GM buộc phải thu hồi hơn 2,6 triệu mẫu xe nhỏ vì lỗi công tắc đánh lửa khiến xe tắt máy và túi khí không hoạt động ngay trong lúc đang lưu thông.
Vụ bê bối công tắc đánh lửa năm 2014 có lẽ là thử thách đầu tiên và cũng là lớn nhất trong sự nghiệp lãnh đạo của Barra
Vụ việc thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi hãng xe lớn của Mỹ bị phanh phui là có hành vi lừa dối khách hàng. Nhiều cuộc điều tra chỉ ra rằng GM đã biết về vấn đề này từ những năm 2001, nhưng hãng xe chỉ im lặng và đổ lỗi thay vì đưa ra phương hướng khắc phục hiệu quả. Kết quả là trong năm 2014, GM phải thu hồi gần 30 triệu mẫu xe, nộp khoản tiền phạt lên đến 900 triệu USD và nhận vô số chỉ trích vì liên quan đến các vụ tai nạn khiến 124 người chết và 275 người bị thương.
Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, Barra đã lèo lái và đưa GM “lật ngược thế cờ" một cách thần kỳ. Khi vừa lên nắm chức vụ, nữ CEO đã ngay lập tức thành lập một hội đồng giải quyết khủng hoảng, họ tổ chức cuộc họp mỗi ngày để tìm ra cách đưa công ty qua khỏi cơn bão lớn.
Cuối cùng, Barra quyết định rằng GM cần phải lên tiếng xin lỗi về những gì đã xảy ra, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra độc lập và công khai kết quả với bên ngoài. Sau khi xác định được nguyên nhân đến từ lỗi công tắc đánh lửa, bà đã mạnh tay sa thải 15 nhân viên cốt cán, trong đó có 8 giám đốc điều hành liên quan tới vụ việc. Chưa hết, Barra còn thành lập một quỹ bồi thường cho các nạn nhân và gia đình của họ với tổng số tiền lên đến 595 triệu USD.
Thay vì để vụ việc chìm dần vào quên lãng như những gì mà công ty vẫn thường làm trước đó, Barra tuyên bố: “Tôi không bao giờ muốn quên đi sự việc lần này. Tôi muốn ghi nhớ vĩnh viễn trải nghiệm đau đớn này trong ký ức của tất cả chúng ta". Phát biểu của nữ CEO tại cuộc họp ở tòa thị chính đã khiến nhiều người có mặt phải sửng sốt, vì điều đó đơn giản là “không giống như bất cứ điều gì mà các đời CEO trước của GM từng nói".
Ngay cả Công tố viên Preet Bharara, người tham dự vào vụ án của GM, cũng thừa nhận rằng thái độ hợp tác từ các giám đốc điều hành của GM là “khá phi thường". Bước đi này của Barra đã giúp vụ việc kết thúc chỉ sau thời gian 18 tháng, thu về cái nhìn thiện cảm từ phía công chúng, đồng thời đưa GM ra khỏi nguy cơ bị sụp đổ.
Kỳ tích trong ngành sản xuất ô tô
Trên thực tế, khủng hoảng lần này của công ty không chỉ cho thấy sai sót của bộ máy điều hành, mà còn phản ánh vấn đề cốt lõi, đó chính là văn hóa làm việc cố hữu từ trước đến nay của công ty. Barra thẳng thắn thừa nhận rằng sai lầm của GM đến từ việc giữ im lặng và quan điểm thứ bậc.
Hầu như tất cả mọi nhân viên đều không lên tiếng khi có vấn đề gì đó xảy ra, vì họ sợ điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của công ty. Đồng thời, họ cũng không có đủ can đảm để phản bác lại ý kiến hay những chỉ đạo sai lầm đến từ các cấp lãnh đạo.
Rõ ràng, để đánh bại được một nền văn hóa lâu đời tại một doanh nghiệp khổng lồ không phải là một việc dễ dàng. Hầu hết mọi CEO của GM trong suốt 30 đều đã thử qua và gặp thất bại. Thế nhưng Mary Barra đã làm được điều đó.
Nhờ những chính sách mới của Barra, văn hóa làm việc cố thủ tại GM đã được loại bỏ hoàn toàn
Trong 5 năm tiếp theo, Barra đã dành tâm huyết để thúc đẩy công ty chuyển đổi, đón nhận sự đổi mới trong cách thức làm việc, quy trình vận hành và cả chiến lược tương lai. Cô thành lập một đường dây nóng mang tên “Lên tiếng vì sự an toàn" để tất cả các nhân viên dù ở cấp bậc thấp nhất đều có thể báo cáo những lo ngại của họ về sản phẩm công ty một cách dễ dàng.
“Văn hóa của một công ty là sự trao quyền và truyền cảm hứng cho mọi người, để họ không ngừng theo đuổi tầm nhìn và luôn giữ sự chính trực… Tầm nhìn của chúng tôi tại GM là một thế giới không có sự cố, không có khí thải và không có tắc nghẽn. Đồng thời tất cả mọi nhân viên đều biết rằng chúng tôi đặt khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động của mình", Barra cho hay.
Sáng kiến này của bà đã đem lại hiệu quả vô cùng rõ rệt, điển hình là trường hợp tại nhà máy GM ở Brazil. Cụ thể, một nhân viên bảo vệ tình cờ đã nhìn thấy chiếc xe thuộc dòng Chevrolet Spin bốc cháy khi đang đậu trong bãi, vì thế anh đã nhanh chóng báo cáo lên trên và chiếc xe cũng được bàn giao cho đội ngũ kỹ thuật. Sau thông báo này, GM đã tìm ra nguyên nhân và thu hồi một loạt xe. Người bảo vệ đó cũng được công nhận là Anh hùng An toàn năm 2018.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách an toàn xe toàn cầu của GM, mỗi tháng họ nhận được hàng trăm cảnh báo về an toàn từ nhân viên ở mọi vị trí, và 90% trong số đó công khai danh tính của mình. “Điều này có nghĩa là họ không ngại ghi tên của mình, họ sẽ cảm thấy tự hào khi có thể góp phần vào việc đảm bảo an toàn", Maryann Combs cho biết.
Tham vọng chưa kết thúc
Không dừng lại ở việc cải cách và vực dậy GM, Mary Barra còn có một mục tiêu táo bạo hơn cả thế: đưa công ty trở thành doanh nghiệp bán ra nhiều xe điện ở Mỹ hơn cả Tesla - công ty chuyên về xe điện của Elon Musk.
"Bà đầm thép" còn có tham vọng đánh bại Elon Musk trong cuộc chiến xe điện
Để hoàn thành tham vọng lớn này trong vòng 2 năm rưỡi, nữ CEO phải đối mặt với một số khó khăn lâu dài như lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng cao, chi phí nguyên liệu bị đội giá lên gấp nhiều lần cùng tình trạng thiếu chip máy tính trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, Barra vẫn không bị khuất phục trước những khó khăn. Trong buổi hỏi đáp với các nhà đầu tư vào năm 2022, bà khẳng định rằng thị trường vẫn chưa hiểu hết về chiến lược mà bà đang thực hiện. Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy những bước tiến xa hơn trong tương lai của người phụ nữ đã chinh phục lĩnh vực “vốn thuộc về nam giới" này.
Nguồn: The Washington Times, Insider, CNN