Xem những bức ảnh chụp phụ nữ vào thời Nữ hoàng Victoria (Anh), người ta có thể dễ dàng nhận ra kiểu trang phục phổ biến của chị em thời đó là những chiếc váy thắt gọn ở phần eo, bồng bềnh ở phần hông và xòe dần xuống chân. Thực chất, để tạo được độ bồng bềnh cho những chiếc váy đó, người ta phải dùng đến một thứ phụ kiện hỗ trợ được gọi là crinoline.
Ban đầu, loại váy lót này được làm chủ yếu từ lông ngựa và vải lanh, khiến nó có tên là crinoline ('crin' là tiếng Pháp và có nghĩa là lông ngựa và 'lin' là sợi lanh mà được dệt bằng vải lanh).
Sự phát triển của máy may vào đầu những năm 1850 là một trong những phát kiến quan trọng nhất của thế kỷ 19 vì nó dẫn đến việc sản xuất hàng loạt quần áo bao gồm cả đồ lót. Vào thời gian này, người ta có xu hướng thích những chiếc váy càng rộng, càng bồng bềnh càng tốt. Tuy nhiên, không có đủ lông ngựa để làm crinoline và đến tháng 6 năm 1856, người ta đã sáng tạo ra những chiếc crinoline làm từ thép định hình siêu nhẹ. Đây được xem là một phát minh đột phá của ngành thời trang lúc bấy giờ.
Bức ảnh khiến nhiều người hiểu lầm cô gái bị bạo hành nhưng sự thật là cô ấy đang thực hiện một công đoạn mặc váy vô cùng phức tạp.
Thiết kế này đủ chắc chắn để nâng đỡ váy và tạo khuôn hình chuông như mong muốn của chị em. Và rồi kiểu thời trang này nổi tiếng đến mức tạp chí Punch đặt biệt danh cho cơn sốt crinoline là 'Crinolinemania'.
Loại lồng này được dựa trên khung thép có đường kính trong rộng từ 1 - 4,5 mét. Giống như các loại thời trang khác, váy Crinoline ban đầu được giới thượng lưu dùng, sau đó đến thường dân và ngày càng được cải tiến để giảm sự bất tiện.
Mỗi khung thép có đường kính trong rộng từ 1 - 4,5 mét để chiếc váy của các quý cô càng xòe rộng càng tốt.
Đẹp đi đôi với phiền
Vì được thiết kế theo kiểu lò xo nên các quý bà thời đó cảm thấy thoải mái vì giảm được vài cân vải trên người, tránh bị bí bách, nóng bức mà vẫn "đẹp trong mắt mọi người". Và đặc biệt là việc đi vệ sinh của họ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhiều phụ nữ còn cho rằng nó cũng vô cùng tiện lợi khi bên trong luôn mát mẻ và họ có thể cất giữ nhiều món đồ lặt vặt bên dưới váy mình.
Tờ báo "Lady's Newspaper" năm 1863 từng ca ngợi loạt ưu điểm đáng khen của những chiếc lồng váy rằng: "Những dải sóng giống như làn sóng hoàn hảo đến mức một quý cô có thể leo lên cầu thang dốc, tựa vào bàn, ngả mình vào chiếc ghế bành, và ngồi trong xe ngựa mà không gây bất tiện cho bản thân hoặc những người khác. Bên cạnh đó, họ không trở thành mục tiêu của những nhận xét thô lỗ từ những người xung quanh".
Tạp chí trực tuyến Fiveminutehistory (FHC) của Anh cho rằng váy Crinoline nhẹ và tinh tế. Nó từng được công xưởng Hoop Skirt của hãng Douglas & Sherwood ở New York (Mỹ) sản xuất hàng loạt. Có thời, Hoop Skirt phải thuê tới 800 phụ nữ để sản xuất khoảng 8.000 váy Crinoline mỗi ngày.
Tuy nhiên, đi cùng với những ưu điểm là hàng tá nhược điểm gây tranh cãi. Vào thời điểm đó, những nguy hiểm và bất tiện của việc đeo những chiếc lồng váy này đã được công bố rộng rãi, bao gồm cả việc chị em mặc lồng váy là không thể bước vào toa tàu hoặc thậm chí là bị gió thổi bay dẫn đến "lộ hàng" vì "bồng bềnh quá mức".
Một người phụ nữ bị mắc lồng váy vào thanh gỗ và ngã.
Sự sang trọng của vẻ ngoài đi kèm với cái giá là luôn khó chịu. Chị em phụ nữ phải cực kỳ cẩn thận khi ngồi xuống vì cái lồng cứng sẽ bật ra nếu có chuyển động phức tạp nào và xé toạc chiếc váy. Độ phồng của chiếc váy cũng gây khó khăn khi đi qua những ô cửa hẹp và những căn phòng kiểu Victoria phổ biến thời đó.
Tranh vẽ minh họa nỗi khổ của phụ nữ thời đó khi mặc váy.
Trên thực tế, chiếc váy thời trang và phong cách này đã mang lại nhiều nguy hiểm cho người mặc. Số liệu trên tờ The Vintage News cho biết đã có tới hơn 3.000 phụ nữ châu Âu tử vong vì trang phục này.
Tờ The Vintage News thuật lại: "Vào năm 1858, một phụ nữ ở Boston đứng quá gần lò sưởi thì váy của cô ấy bốc cháy, và chỉ vài phút sau toàn bộ cơ thể cô ấy đã bị thiêu rụi. Vào tháng 2 năm 1863, Margaret Davey, một cô hầu gái 14 tuổi, đã bốc cháy khi với tay lên để lấy một bộ thìa và chiếc váy của cô bị bén lửa, sau đó cô gái trẻ đã tử vong do vết bỏng quá nặng".
Tại Anh, chỉ trong vòng vài tháng, 19 người được báo cáo đã chết với nguyên nhân bắt nguồn từ những chiếc váy phồng bị bắt lửa. Những người phụ nữ chứng kiến cũng không dám xông vào cứu vì lo ngại mình sẽ là nạn nhân tiếp theo. Tại Philadelphia, 9 nữ diễn viên ba lê đã chết cháy khi một người bị cây nến chẳng may đổ xuống váy tại nhà hát Continental.
Cận cảnh quá trình mặc váy của một quý cô thời Victoria.
Năm 1898, một công ty dệt may có tên Courtaulds đã yêu cầu công nhân nhà máy của họ phải mặc áo sơ mi trong lúc làm việc sau khi một tờ báo đưa tin về cái chết của Ann Rollinson. Chiếc váy của cô đã mắc vào máy móc tại nhà máy thuốc tẩy Firwood.
Cùng trong năm đó, thiếu nữ 16 tuổi Emma Musson đã bị thiêu sống khi một cục than chẳng may lăn ra khỏi bếp và rơi trúng váy của cô.
Những chiếc váy phồng đã "tuyệt chủng" vào cuối những năm 1800 sau khi gây ra cái chết cho hơn 3.000 phụ nữ.
(Nguồn: The Vintage News, WE)