Những phút cuối cùng của ngày Tết Trung thu, biển người trên phố Hàng Mã đã thưa dần, các hộ kinh doanh cũng bắt đầu thu dọn số hàng hóa còn lại để ra về. Khi đó, con phố vốn sầm uất bậc nhất thủ đô mỗi dịp Trung thu lại “biến hình” thành một bãi rác khổng lồ. Phố Hàng Mã không quá dài, nhưng cách vài chục mét lại có 3-4 xe được chất đầy quá đỉnh đầu. Dưới mặt đường lênh láng nước, đâu đâu cũng có những hộp xốp, túi nilon, chai và vỏ hộp nước...
Những phút cuối cùng của ngày Tết Trung thu, biển người trên phố Hàng Mã đã thưa dần, các hộ kinh doanh cũng bắt đầu thu dọn số hàng hóa còn lại để ra về. Khi đó, con phố vốn sầm uất bậc nhất thủ đô mỗi dịp Trung thu lại “biến hình” thành một bãi rác khổng lồ. Phố Hàng Mã không quá dài, nhưng cách vài chục mét lại có 3-4 xe được chất đầy quá đỉnh đầu. Dưới mặt đường lênh láng nước, đâu đâu cũng có những hộp xốp, túi nilon, chai và vỏ hộp nước...
Cô Lữ Thị Nhung (quê ở Giao Thuỷ, Nam Định) là công nhận dọn rác ở phố Hàng Mã chia sẻ:”Những ngày Trung thu, nhiều người lên phố đi chơi, nhu cầu ăn uống, mua sắm cao lên việc vứt rác ra đường là điều không tránh khỏi”. Chính vì vậy, cô Nhung và những công nhân khác phải làm 200% công suất trong những ngày này.
Dừng tay để lau chút mồ hôi trên trán đang chảy, cô Nhung kể tiếp: “Tôi làm nghề này đã gần 14 năm nay rồi. Khổ lắm nhưng cũng chả biết làm sao, nghề chọn người mà. Ban ngày thì người ta đi làm còn mình ngủ, đêm lại ra đường”.
Khi những người công nhân đang miệt mài quét rác, vẫn còn những tốp thanh niên hoặc những cặp đôi tranh thủ đứng chụp lại những bức hình khi ngày Trung thu sắp đi qua. “Những bức hình họ chụp chỉ lấy nửa trên và cảnh lung linh đèn hoa, chứ đâu có thấy rác ngập dưới chân đâu, nên ai thấy cũng khen đẹp, nhưng thực tế thì...”, một nữ công nhân dọn vệ sinh môi trường chia sẻ trong lúc làm việc.
Số lượng rác nhiều, không có thời gian để quét hay dùng xẻng để xúc, có lúc chị đành dùng tay bốc cho nhanh để kịp giờ xe chạy. Chưa kể do trời có lúc mưa ẩm ướt, rác bám dính mặt đường khiến việc quét dọn càng trở nên vất vả hơn. "Từ chiều đến giờ chị dọn được 15 - 20 xe rác, mấy hôm nay ngày nào cũng quét dọn đến 3g sáng mới xong. Mấy loại kẹo kéo hay bã kẹo cao su dính dưới mặt đường rất khó để làm sạch", chị Nhung vừa luôn tay vừa làm vừa nói.
“Hàng ngày người ta chỉ làm đến 1,2 giờ sáng là về, còn tôi phải làm hơn 1 tiếng để có thêm tiền trả viện phí cho chồng”, cô Nhung tâm sự Chồng cô Nhung đang điều trị căn bệnh mắt ở quê, dù 2 người con đã lớn, đã đi làm ăn nhưng thu nhập của cô là nguồn tiền chính để chữa bệnh mắt cho chồng.
Hàng năm vào mỗi dịp Trung thu, số thanh niên đổ về đây rất đông, còn trẻ em đi chơi Trung thu lại cực ít, vì tâm lý bố mẹ ngại chen lấn, xô đẩy. “Dù có biển cảnh báo phạt tiền, nhắc nhở trực tiếp nhưng không ai nghe cả, có những người tay cầm cốc nước nhựa vừa đi vừa uống, uống xong vứt ngay xuống đấy, dù thùng rác ở cách đó có vài mét", cô chia sẻ trong lúc nghỉ ở vỉa hè.
Từng thùng rác to hơn cả người cô Nhung gấp vài lần. Trước khi vào phố Hàng Mã dọn dẹp, những người lao công này phải làm việc cật lực từ 5 giờ chiều ở các con phố lân cận. Đã có gần chục xe thu gom rác với trọng tải 8 tấn/1 xe được chuyển đi nơi khác. Có đến 95% số rác được thải ra trong đêm Trung thu là nhựa và xốp các loại, số còn lại là các loại cây que và giấy bìa các-tông.
Tổ tập kết rác nằm trên đường Phùng Hưng, khi dọn rác thì cô Nhung chia làm 2 phần, 1 phần rác thải cho lên xe và 1 phần phế liệu chở về đây, gom nhiều để bán. Phòng đồ của các cô nhân viên vệ sinh môi trường rất sơ sài, chủ yếu là chổi, vật dụng cá nhân ám toàn mùi rác.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, với cô Nhung, cô luôn làm việc hết sức dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Mỗi khi thấy đường phố sạch sẽ, nhìn thấy nụ cười của đồng nghiệp khi xong việc là vui rồi”. Từng chuyến xe rác lại tiếp tục hành trình còn dài suốt đêm để đường phố ngày hôm sau trở lại như chưa từng có một dịp lễ lớn.