Tôi nghĩ rằng mình cũng khá giỏi và thông minh trong việc đưa ra các quyết định, từ những điều đơn giản hàng ngày như ăn gì vào bữa trưa, mặc gì khi đi làm, đi đường nào để tránh việc tắc đường cho đến những hoạt động đòi hỏi sử dụng não nhiều như lập kế hoạch tuyển dụng, đưa ra chiến lược tương lai cho công việc hay lên kế hoạch cho những mục tiêu dài hạn.
Tuy nhiên, có những ngày tôi bận rộn với việc suy nghĩ quá nhiều và tôi bị mắc kẹt. Khả năng phân tích và tập trung của tôi bị tê liệt, cuối cùng thì công việc của tôi kém hiệu quả hẳn. Những suy nghĩ không mong muốn xuất hiện trong đầu tôi mà tôi không hề hay biết khiến tôi rời xa khỏi những việc mình đang làm. Những giọng nói nhỏ trong đầu tôi lặp đi lặp lại thành một vòng lặp làm tôi cạn kiệt năng lượng.
Ban đầu, tôi hoàn toàn không nhận thức được và thường tự hỏi thời gian đã trôi đi đâu mất rồi. Sau đó, khi tôi bắt đầu chú ý đến tâm trí của mình, tôi nhận ra rằng hầu hết những suy nghĩ này đều liên quan đến việc phân tích quá mức về hành động và quyết định trong quá khứ hoặc lo lắng quá nhiều về việc tương lai sẽ diễn ra như thế nào. Đó là những suy nghĩ kiểu như, tại sao tôi lại nói điều đó trong cuộc thảo luận, người khác sẽ nghĩ như thế nào về hành động của tôi, cuộc họp ngày mai liệu có diễn ra suôn sẻ hay không, nếu những quyết định của tôi không mang đến kết quả tôi mong đợi thì sao…
Tôi đã cố gắng dập tắt những suy nghĩ này và giả vờ như chúng không tồn tại. Nhưng không thể. Bằng cách này hay cách khác, những suy nghĩ này thường xuất hiện vào những thời điểm tôi dễ bị tổn thương nhất, nhiều cảm xúc nhất.
Loại bỏ 5 suy nghĩ độc hại để có cuộc sống tốt đẹp hơn
Theo thời gian, tôi nhận ra rằng mình không thể sửa chữa được quá khứ. Ám ảnh về quá khứ hoặc những điều lẽ ra tôi có thể làm khác đi sẽ không giúp ích được gì, nhưng tôi luôn có thể sử dụng những gì mình đã học được từ quá khứ để trải nghiệm hiện tại và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Mặc dù chúng ta không phải là những suy nghĩ của mình, nhưng chính những gì chúng ta suy nghĩ sẽ tạo nên cuộc sống của chúng ta. Sahi Bahcall, một nhà vật lý và doanh nhân công nghệ sinh học đã từng nói rằng: “Thay vì đấu tranh với những suy nghĩ của bạn, hãy hợp tác với chúng.”
Trước khi chúng ta có thể tìm ra được những cách hiệu quả trong việc kiểm soát suy nghĩ của mình, điều rất quan trọng là phải hiểu nguyên nhân gây ra việc suy nghĩ quá mức. Nếu không hiểu tại sao và làm thế nào mà những suy nghĩ này bắt đầu, chúng ta sẽ khó có thể kiểm soát được những suy nghĩ quá mức.
Điều gì khiến bạn suy nghĩ quá nhiều?
Tôi thấy có hai loại chính góp phần vào xu hướng suy nghĩ quá nhiều.
1. Môi trường
Hoàn cảnh nuôi dạy, điều kiện làm việc và những người xung quanh tạo nên một phần lớn cách chúng ta suy nghĩ.
Nếu chúng ta ở trong một môi trường mà sai sẽ bị trừng phạt, thành công được tôn vinh và thất bại bị coi là kém cỏi, thì chúng ta có xu hướng trở nên quá thận trọng và đề phòng mọi việc mình làm.
Điều này khiến chúng ta có xu hướng phân tích quá mức các quyết định mình đưa ra và kết quả có thể xảy ra, đồng thời chúng ta cũng sẽ nghiền ngẫm về các hành động trong quá khứ nhiều hơn.
Nếu lo lắng và căng thẳng là một phần bình thường trong cuộc sống hàng ngày, thì chúng ta dễ dàng áp dụng những kiểu suy nghĩ của những người độc hại hoặc có hành vi gây rối xung quanh chúng ta lên chính mình mà không hề nhận ra rằng chúng không phải là suy nghĩ của bạn và bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn.
Mặc dù môi trường xung quanh không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng chúng ta có thể chịu trách nhiệm về những suy nghĩ của mình bằng một số nỗ lực.
2. Bí ẩn của tâm trí
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, thất bại đeo bám chúng ta lâu dài hơn là thành công. Thành công có thể mang lại hạnh phúc nhưng chỉ ở một khoảnh khắc ngắn và nhất thời, còn những thất bại lại có thể sống mãi theo thời gian.
Một khi tâm trí của chúng ta bị mắc kẹt trong những điều tiêu cực, đó là tất cả những gì mà nó thấy. Mọi hành động và quyết định có thể trở thành một trận chiến trong tâm trí chúng ta vì tâm trí có xu hướng chỉ bộc lộ một dạng suy nghĩ mà không có khả năng thay đổi.
Một lý do kỳ lạ khác dẫn đến việc suy nghĩ quá nhiều là mong muốn được kiểm soát. Là con người, chúng ta đều khao khát một thế giới có trật tự hoàn hảo. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều với mong muốn định hình tương lai và điều chỉnh kết quả theo cách của mình mà không nhận ra rằng cuộc sống này hoàn toàn là những điều bất ngờ.
Thứ gần đây nhất làm cho toàn bộ những điều này trở nên tồi tệ hơn chính là những nội dung quá mức và chứng nghiện mạng xã hội. Mọi người phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội khi chúng ta tạo danh tính giả và bận tâm đến cách người khác nhìn nhận mình thay vì nhận ra giá trị của bản thân.
Khi bản sắc bên ngoài trở thành quy chuẩn để nhìn nhận bản thân, chúng ta thường dành quá nhiều thời gian suy nghĩ và có thể đưa ra những định hướng sai lầm.
Tác hại của việc suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ là một phần của con người. Nhưng ranh giới giữa suy nghĩ và suy nghĩ quá nhiều là gì?
Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn xác định xem bạn có xu hướng suy nghĩ quá nhiều hay không:
- Bạn liên tục ám ảnh về vấn đề thay vì tìm ra giải pháp
- Bạn cảm thấy mệt mỏi khi quyết định mặc dù bạn thực sự không đưa ra quá nhiều quyết định
- Bạn bế tắc trong việc phân tích với mong muốn tìm ra câu trả lời hoàn hảo
- Bạn có xu hướng giải quyết vấn đề trong đầu thay vì hành động
Cuộc trò chuyện liên tục trong tâm trí của chúng ta là một vòng xoáy đi xuống, chúng ta càng cho nhiều, nó càng đòi hỏi nhiều hơn. Và vì chúng ta có tâm trí, biết suy nghĩ nên con người chúng ta trở nên độc nhất trong các loài, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta bối rối hơn. Các loài khác có cuộc sống đơn giản và dễ hiểu hơn nhiều, trong khi đó con người chúng ta luôn đấu tranh để dung hòa cảm xúc và bản năng với lý trí của mình. Cuộc đấu tranh này khiến chúng ta nhầm lẫn giữa những gì mình muốn với những gì thực sự đúng đắn.
Việc suy nghĩ quá nhiều chiếm giữ tâm trí của chúng ta, khiến chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng, mất tập trung và tiêu tốn năng lượng tinh thần, điều này dẫn đến việc bạn sẽ có ít thời gian và năng lượng thể chất để thực hiện công việc thực sự. Nó đặt một gánh nặng nhận thức lên tâm trí của chúng ta, khiến chúng ta không thể tiến bộ thực sự.
5 cách để ngừng suy nghĩ quá nhiều
Để suy nghĩ ngừng chạy đua và ngăn tâm trí tiêu tốn tư duy, thời gian và năng lượng của bạn, hãy áp dụng 5 cách sau:
1. Nhắc nhở bản thân rằng mọi người thực sự không quan tâm đến bạn
Nếu bạn quan sát các kiểu suy nghĩ quá mức của mình, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết suy nghĩ của bạn đều dồn về người khác như họ sẽ nghĩ gì về bạn, họ sẽ phản ứng như thế nào với hành động của bạn, họ có thấy ý tưởng của bạn hay ho không, nếu họ không thích bạn thì sao.
Chúng ta quá phụ thuộc vào người khác để khẳng định giá trị bản thân đến mức sẵn sàng dành toàn bộ thời gian để nghĩ cách khiến người khác chấp nhận mình. Bản chất của chúng ta không còn phản ánh qua nỗ lực và sự chăm chỉ của chính mình mà còn cả qua cách nhìn của người khác.
Tôi đã rất khó khăn để nhận ra rằng mọi người thực sự không quan tâm đến chúng ta. Chúng ta bị ám ảnh một cách không cần thiết về những thứ thậm chí không thu hút sự chú ý của mọi người. Tất cả mối quan tâm đó là sự sáng tạo đến từ tâm trí của chúng ta và có thể chẳng liên quan gì đến thực tế.
Một khi bạn nhận ra được người khác thực sự không quan tâm đến mình, bạn có thể chuyển từ việc tìm kiếm sự chấp thuận của người khác sang tìm kiếm giá trị của bản thân. Hãy đặt câu hỏi về những gì bạn muốn, và tại sao những điều đó lại quan trọng với bạn, bạn muốn trở thành người như thế nào…
Nhận biết được điều này, bạn có thể thay đổi quan điểm của mình để tìm câu trả lời cho những câu hỏi sẽ đưa bạn tiến lên thay vì dậm chân tại chỗ.
2. Bước ra khỏi trò chơi đổ lỗi và chịu trách nhiệm
Thật dễ dàng để hành động như một nạn nhân và đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta có thể phó mặc cho những suy nghĩ của mình và trao cho chúng sức mạnh để tham gia vào các hoạt động suy nghĩ quá mức gây nên sự lãng phí thời gian, vắt kiệt tinh thần và làm chủ tâm trí của chúng ta.
Bằng cách tự nhận thức và chịu trách nhiệm về tâm trí của mình, chúng ta có thể cho phép bộ não của mình tìm ra các kiểu suy nghĩ quá mức và cam kết suy nghĩ khác đi.
3. Giải quyết những suy nghĩ của bạn và đừng chạy trốn
Bỏ qua những suy nghĩ của mình hoặc làm bản thân phân tâm bằng cách làm các việc khác chỉ là những chiến thuật ngắn hạn không thể giải quyết được nguồn gốc cơ bản của việc suy nghĩ quá nhiều.
Vì vậy, thay vì trốn tránh, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự lắng nghe những suy nghĩ quá mức này?
Việc bạn thừa nhận những lo lắng của mình là thái quá hoặc không thực tế sẽ không giúp ích gì cho bạn nếu bạn vẫn tiếp tục trốn tránh những suy nghĩ đó. Nếu bạn lảng tránh đối tượng khiến bạn sợ hãi, lo lắng, bạn sẽ càng sợ chúng hơn.
Vì vậy, khi những suy nghĩ quá mức này nảy sinh, điều đầu tiên là bạn chấp nhận lắng nghe những dòng suy nghĩ đó, nhưng chỉ ở trong một khoảng thời gian giới hạn.
Khi thời gian kết thúc, bạn có thể chưa ngừng lại được những suy nghĩ của mình, nhưng hợp đồng đã được thiết lập ngay từ đầu sẽ cho phép não bộ của bạn tiến về phía trước.
Điều này có thể không hiệu quả lúc đầu vì suy nghĩ thực sự rất mạnh mẽ và chúng có thể lẻn vào trở lại, nhưng thông qua việc luyện tập và củng cố liên tục, bạn sẽ có thể kiểm soát được tâm trí của mình, đồng thời hướng dẫn nó ngừng suy nghĩ quá mức.
4. Thách thức tư duy của bạn
Khi bạn đã dành thời gian lắng nghe suy nghĩ của mình, hãy tương tác với chúng bằng những câu hỏi:
- Tại sao tôi lại nghĩ theo cách này?
- Nếu suy nghĩ của tôi không đúng thì sao?
- Kết quả mà tôi đang hình dung chính xác như thế nào?
- Nó có thực sự quan trọng đến thế không?
- Có giải pháp nào mà tôi có thể thực hiện và xem điều gì sẽ xảy ra không?
- Những cách giải thích khác có thể có về tình huống này mà tôi chưa xem xét là gì?
Bằng cách chuyển từ việc bị mắc kẹt trong một dạng suy nghĩ sang khám phá các giải pháp thay thế, hình dung kết quả tiêu cực sang tìm kiếm sự tích cực, suy nghĩ về vấn đề để tìm ra giải pháp, chúng ta có thể ngừng phân tích và bắt đầu hành động.
5. Chuẩn bị cho não bộ của bạn hành động
Bộ não của chúng ta có khả năng thích nghi tốt. Nó có thể học hỏi, thích nghi với hoàn cảnh mới và cách làm việc mới rất nhanh.
Chính hành vi và hành động của chúng ta có thể hướng dẫn suy nghĩ của chúng ta. Khi bị mắc kẹt trong suy nghĩ quá mức hoặc đơn giản là không thể đưa ra quyết định, chúng ta có thể thực hiện từng bước nhỏ để tiến tới mục tiêu của mình. Bằng cách đạt được những tiến bộ nhỏ trong các nhiệm vụ, bạn có thể chuẩn bị cho não bộ của mình hành động.
Thay vì chờ đợi suy nghĩ thay đổi, chúng ta hãy thay đổi hành vi của mình trước. Lúc đó, suy nghĩ sẽ theo sau. Một khi đã bắt đầu hành động, tâm trí của chúng ta sẽ đi từ trạng thái tê liệt do thiếu quyết đoán sang tự do trong hành động.
Chúng ta có thể trao quyền cho tâm trí của mình và học cách tìm tự do trong suy nghĩ.
Tác giả: Vinita Bansal