Bác sĩ Neel Raithatha là bác sĩ chuyên khoa tai, sống và làm việc ở Oadby, hạt Leicestershire, Anh. Ông còn được biết đến với cái tên The Wax Whisperer với những clip lấy ráy tai thu hút hàng triệu view trên nền tảng Youtube.
Bác sĩ Neel Raithatha.
Trong suốt nhiều năm làm nghề, bác sĩ Neel đã gặp vô số trường hợp đặc biệt về những người mắc bệnh về tai, tuy nhiên mới đây, chính vị bác sĩ này cũng không khỏi "ớn lạnh" khi lấy ráy tai cho một bệnh nhân 16 năm "không thèm lấy ráy tai".
Hình ảnh nội soi bên trong tai của người đàn ông.
Theo Daily Mail, người đàn ông (giấu tên) đến gặp bác sĩ Neel và kêu đau đầu, đau tai dữ dội, kèm theo đó là hiện tượng hoa mắt chóng mặt, mất cân bằng. Tình trạng đó đã diễn ra trong nhiều tuần trước khi người này tìm đến gặp bác sĩ.
Bác sĩ Neel đã dùng phương pháp nội soi để kiểm tra bên trong tai bệnh nhân có gì. Hình ảnh nội soi cho thấy tai trong của bệnh nhân bị bao phủ bởi một lượng lớn chất nhờn và sáp đen, chúng đã nằm ở đó trong nhiều năm.
Khi phát hiện tai đầy ráy, bác sĩ người Anh đã dùng dụng cụ nhẹ nhàng lấy ráy tai cho người đàn ông và sau đó chính ông cũng không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy lượng ráy tai được lấy ra.
Quá trình làm sạch tai bệnh nhân mất tới gần tiếng rưỡi mặc dù thông thường chỉ mất khoảng năm hoặc mười phút. Bác sĩ Neel Raithatha cho biết: "Tôi bị sốc bởi lượng ráy tai và da chết mà tôi lấy ra từ một bên tai. Đó là một lượng ráy tai và da chết lớn nhất mà tôi từng thấy. Tôi phải thừa nhận rằng, tôi đã cảm thấy buồn nôn khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Tôi đã thành công trong quá trình lấy ráy tai cho bệnh nhân này nhưng phải khẳng định đây là một trường hợp rất khó và phức tạp".
Bác sĩ bị sốc bởi lượng ráy tai và da chết được lấy ra từ một bên tai.
Được biết, người đàn ông này trước đó đã được thực hiện phẫu thuật cắt xương chũm ở sau tai vì nó bị nhiễm trùng. Nhưng quy trình này đòi hỏi phải làm sạch tai thường xuyên. Vậy mà người đàn ông này đã không thèm vệ sinh tai mình trong suốt 16 năm qua.
Ráy tai bình thường có thể tự đẩy ra ngoài nhưng trong một số trường hợp, bao gồm trường hợp ống tai hẹp hoặc có nhiều lông, ráy tai có thể bịt kín lỗ tai và gây đau, chóng mặt và khó nghe.
(Nguồn: Daily Mail)