Gặp bế tắc trong công việc, Thúy Trinh, 30 tuổi, ở Kon Tum, tìm đến một tour "tắm rừng" ở địa phương, với giá 400.000 đồng, mong có thời gian tĩnh lặng để ngẫm hiểu về bản thân.

Đúng 6h sáng, mọi người trong đoàn tụ họp tại khu vực tập trung và cùng nhau ăn uống. Sau đó, hướng dẫn viên yêu cầu cởi bỏ giày dép, các thiết bị điện tử và cả những suy nghĩ rối ren trong đầu, để bước vào cuộc hành trình chữa lành.

Bước từng bước theo đoàn, Trinh cảm nhận từng mạch máu dưới chân như được massage, thư giãn. Đôi tai cô lắng nghe tiếng lá rừng xào xạc, tiếng suối róc rách và tiếng chim hót líu lo. Mũi hít đầy không khí trong lành và đôi mắt được làm dịu bởi những mảng xanh ngát của rừng.

Trinh cảm nhận được sự kết nối với thiên nhiên ùa về, năng lượng tích cực chảy trong từng mạch máu theo từng cái chạm của bàn chân. "Năn lượng này đã dẫn lối đến trái tim đang tổn thương để xoa dịu những đớn đau phiền muộn trong tôi", Trinh kể.

Vài giờ sau, chuyến đi kết thúc, mọi người ngồi lại cùng nhau chuyện trò, Trinh cũng mở lòng với những người bạn mới. Lúc này, Trinh nhận ra để chữa lành tinh thần, cô phải buông bỏ suy nghĩ và gác lại phiền muộn. Trở lại cuộc sống thường ngày với tinh thần thoải mái hơn, cô chia sẻ đã có thể tự trò chuyện với bản thân và không bị cảm xúc tiêu cực chi phối.

Tương tự, Hoàng Nam, 35 tuổi, ở TP HCM bị rối loạn lo âu và stress mãn tính khi phải đối mặt với gánh nặng mưu sinh. Để giải quyết căng thẳng, anh làm theo lời khuyên của một người bạn, áp dụng phương pháp trị liệu tắm rừng.

Sau khi dành mỗi buổi một tuần đắm mình trong không gian của cây xanh, hồ nước, lắng nghe tiếng chim hót và tiếng gió xào xạc ở công viên gần nhà, Nam giảm dần chứng lo âu mãn tính, tinh thần cũng như thể chất mạnh mẽ, dẻo dai hơn.

ta-m-ru-ng-1-9697-1724886650.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HXUHldPRqu5934ZqkkwKgA

Thúy Trinh thoát căng thẳng nhờ cái ôm của thiên nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tắm rừng, còn gọi là Shinrin-Yoku, xuất hiện vào những năm 1980. Liệu pháp tắm rừng khá đơn giản, chỉ cần ở giữa những hàng cây và không cần đi bộ đường dài. Mục đích của tắm rừng là giúp tâm trí con người thư giãn nên không cần đặt ra mục tiêu vận động. Thực hành tắm rừng có thể mở ra 5 giác quan của con người với thế giới tự nhiên, làm dịu hệ thống thần kinh và nội tiết.

Theo các nghiên cứu tại Nhật Bản, thực vật và cây cối tiết ra hợp chất thơm phytoncides. Yoshifumi Miyazaki, một chuyên gia về liệu pháp rừng cây tại Đại học Chiba, Nhật Bản, phát hiện những người dành 40 phút đi bộ trong một khu rừng tuyết tùng có nồng độ hormone gây stress cortisol thấp hơn khi họ đi bộ 40 phút trong phòng thí nghiệm.

Khi được hít vào, hợp chất này có thể thúc đẩy các thay đổi về sinh học và sức khỏe tương tự liệu pháp mùi hương (aromatherapy), có khả năng tăng cường chức năng hệ miễn dịch. Hơn nữa, hít thở phytoncides, hoặc các hợp chất hữu cơ được giải phóng từ thực vật giúp kháng khuẩn, kích thích tế bào bạch cầu chống bệnh tật. Việc này cũng giúp giảm huyết áp, chứng trầm cảm và nâng cao sức khỏe tâm thần.

Không chỉ vậy, việc gắn bó với thiên nhiên còn mang lại "sự quyến rũ mềm mại", một trạng thái thoải mái không cần sự chú ý gắng gượng, cho phép tâm trí được tự do mơ mộng và suy tư. Trong vòng tay của thiên nhiên, con người thường tìm thấy không gian để suy ngẫm về những vấn đề tâm linh và ý nghĩa của cuộc sống. Điều này cũng gắn liền với giả thuyết sinh học, cho rằng nhu cầu kết nối với thiên nhiên và sự sống khác là bản năng cố hữu, giúp giải thích vì sao thiên nhiên lại có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn cũng như thể chất con người

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Research đã phân tích ảnh hưởng của việc tiếp xúc với không gian xanh đối với việc giảm lo âu và trầm cảm ở lứa tuổi từ 14 đến 24 tuổi. Phát hiện bất ngờ là sự yên tĩnh và khả năng phục hồi của không gian xanh giúp tăng cường sự tập trung và hạn chế suy nghĩ tiêu cực, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát triển các rối loạn về lo âu và trầm cảm.

ta-m-ru-ng-2-4202-1724886651.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vTlWU-GJ-mOuQ8cPXvWScg

Thúy Trinh cùng mọi người trong đoàn "tắm rừng". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Việt Nam, những hoạt động chữa lành (healing) như tắm rừng ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ, phản ánh nhu cầu cần được xoa dịu về tâm lý, giảm bớt tổn thương và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, bất an.

Chưa có thống kê về số người tham gia các dịch vụ chữa lành, đặc biệt là tắm rừng, nhưng trên mạng xã hội TikTok, hashtag "chualanh" và "healing" liên tục nằm trong top những từ khóa được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất. Ví dụ, hashtag "chualanh" có hơn 500.000 bài viết, hashtag "healing" có gần 13 triệu bài viết với hàng chục tỷ lượt xem. Ngoài tắm rừng, không ít trào lưu chữa lành như thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, tham gia thể thao, workshop, nghe podcast, âm nhạc, phim ảnh, đọc sách được nhiều người hưởng ứng.

Trên Facebook, hàng trăm hội nhóm về chữa lành cũng được lập trong vài năm gần đây nhằm chia sẻ quan điểm sống và giới thiệu các dịch vụ chữa lành. Trong đó, nhiều tour tắm rừng được rao bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy địa điểm, loại hình dịch vụ.

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (Mỹ) cho rằng các thế hệ trước thường cảm thấy khó hiểu với trào lưu chữa lành của Gen Z bởi không cảm nhận được giới trẻ đang sống trong một thế giới PAID. Trong đó, P (pressure) là áp lực, A (always on) kết nối 24/7, I (information overloaded) bội thực thông tin và D (distracted) phân tâm.

Dưới góc độ y khoa, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết nhu cầu chữa lành của người trẻ đang phản ánh mức độ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng nâng cao. Ước tính gần 15 triệu người Việt đang mắc các bệnh rối loạn tâm thần. Trong đó, trầm cảm, áp lực phổ biến nhất, chiếm khoảng 5-6% dân số. Nguyên nhân của rối loạn tâm thần không được xác định cụ thể, thường do sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường.

Thực tế, trong bối cảnh các vấn đề bệnh mãn tính và tâm thần ngày càng trầm trọng, nhiều chuyên gia y tế trên thế giới đã kê một loại thuốc mới, không cần phải mua tại hiệu thuốc, miễn phí bằng cách để bệnh nhân kết nối với thiên nhiên.

Song, nhiều chuyên gia cho rằng việc đổ xô tham gia các dịch vụ chữa lành có thể gây tốn tiền, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc, học tập và quan trọng nhất là không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề. Do đó, mọi người có thể trải nghiệm các tour "tắm rừng" nhưng cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn dịch vụ uy tín, có mức giá hợp lý.

Hoặc muốn tắm rừng không nhất thiết phải đến những nơi có cây cối rậm rạp. Bạn có thể thực hiện một chuyến đi đến công viên gần nhà, đi bộ trên con đường thoáng mát, đến bãi biển hoặc bất kỳ không gian thiên nhiên nào, chỉ cần đảm bảo đã tắt điện thoại hoặc các thiết bị thông minh khác. Khi tắm rừng, sự tĩnh lặng xung quanh lan vào tâm trí giúp con người quên đi sự chuyển động không ngừng của cuộc sống. Sau khi nhắm mắt hít thở, cảm nhận thiên nhiên xung quanh, chúng ta sẽ kết thúc bằng việc thưởng thức trà đạo.

Ngoài ra, để tránh "tiền mất tật mang", bác sĩ Thu khuyên mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ khi gặp vấn đề về tâm lý cũng nên tìm đến các bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Mỗi cá nhân cần lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi và học cách đối phó với căng thẳng.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022