TS. Robert Anolik tại Học viện Da liễu Mỹ cho biết, nếu sử dụng cọ trang điểm không được làm sạch thường xuyên có thể khiến da dễ nổi mụn, phát ban, nhiễm trùng. Cọ trang điểm có thể trở thành dụng cụ truyền nhiễm vi khuẩn nếu vệ sinh không đúng cách. Đồng thời, cọ bẩn cũng là nguyên nhân của việc giảm tuổi thọ của mỹ phẩm.
Theo đó, thời gian lý tưởng để làm sạch cọ trang điểm là từ 7 đến 10 ngày. Còn với mút trang điểm, người dùng nên làm sạch nó sau mỗi lần trang điểm xong và để khô tự nhiên.
Cọ trang điểm nên được giặt thường xuyên để đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Fix
Ngoải ra, việc bảo quản cụ hay mút trang điểm ở những nơi ẩm ướt, không được tiếp xúc với ảnh sáng mặt trời như phòng tắm cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến vi khuẩn sinh sôi. Do đó, người dùng nên dành thời gian để vệ sinh cọ trang điểm đúng cách. Điều này không chỉ giúp tăng tuổi thọ của cọ trang điểm mà còn bảo vệ da khỏi vi khuẩn.
Dưới đây là các cách vệ sinh cọ trang điểm bạn có thể áp dụng. Đầu tiên, bạn cần lau sạch lớp trang điểm thừ trước khi vệ sinh cọ. Đây là bước quan trọng đầu tiên trong hướng dẫn vệ sinh cọ trang điểm nhưng nhiều người thường hay bỏ qua. Bạn có thể thử xoáy đầu cọ lên khăn giấy vài lần để loại bỏ hết lớp cặn trang điểm thừa.
Tiếp đến, người dùng có thể vệ sinh đầu cọ bằng dung dịch nước có thành phần tẩy rửa nhẹ để tránh gây kích ứng da mặt. Ưu điểm lớn nhất của những loại nước tẩy rửa chuyên dụng này là ngăn ngừa chất nhờn bám trên cọ hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dầu gội trẻ em, sữa rửa mặt để làm sạch cọ trang điểm.
Lưu ý, khi phơi cọ, bạn không nên đặt đứng đầu cọ như khi cọ khô. Điều này có thể gây ra rỉ sét hoặc mục cán cọ, đồng thời, khiến lớp keo dán đầu cọ bị bong tróc.
Người dùng cũng không nên sử dụng máy sấy bởi sức nóng sẽ khiến sợi lông trên cọ bị hỏng, kể cả khi đó là sợi lông tự nhiên như lông chồn hay lông lạc đà. Thông thường, lông cọ trang điểm thường yếu hơn tóc của bạn, do đó, hãy sử dụng những biện pháp nhẹ nhàng khi làm khô cọ.
Hồng Thảo (theo Cnet)