Thông tin được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố dựa trên số liệu từ hải quan. Theo đó, tháng 3, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 433 triệu USD, tăng 33% với tháng trước.

Lũy kế quý từ đầu năm, mặt hàng này đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD. Sầu riêng, thanh long, nhãn tiếp tục là các mặt hàng đóng góp lớn trong xuất khẩu nông sản, trái cây.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập nhiều rau quả Việt, với sản lượng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, Thái Lan, Đức ghi nhận lượng nhập khẩu tăng đột biến, trên 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, người tiêu dùng Thái gần đây chuyển từ ưa thích trái cây vị ngọt đậm sang loại ít ngọt, tốt cho sức khỏe, nên trái cây Việt có lợi thế.

sr-jpeg-1711005284-1791-1711005442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5DVTUlENSh6lxgbLqqiBDw

Vườn sầu riêng tại Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay xuất khẩu nông sản khởi sắc từ tháng 3, khi nhu cầu các nước tăng trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ông dự báo, quý II - thời điểm nhiều loại trái cây nhiệt đới vào vụ, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng cao.

Hiện, chi phí, thời gian vận chuyển lâu làm giảm cạnh tranh của trái cây từ Mỹ, EU xuất sang Trung Quốc và ASEAN. Vì thế, nhà nhập khẩu tại đây sẽ ưu tiên mua từ các thị trường gần, như Việt Nam. Ông Nguyên cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tăng thị phần, đặc biệt với những mặt hàng chiến lược như sầu riêng, mít, chuối, xoài.

Năm nay, xuất khẩu rau quả kỳ vọng đạt 6-6,5 tỷ USD, khi nhu cầu nhập từ các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Nhật Bản ở mức cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quy mô thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới lớn, dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Với thuận lợi là quốc gia có nguồn cung dồi dào, Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị bền vững.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022