Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố cho biết nợ nần, rào cản thương mại và những bất ổn về chính sách đang làm suy yếu sự năng động kinh tế của châu Á. Từ mức 5,1% vào 2023, tăng trưởng khu vực này năm nay dự báo giảm còn 4,5%, chậm hơn so với trước đại dịch nhưng vẫn nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới.

"Khu vực này đang hoạt động tốt hơn phần lớn còn lại của thế giới, nhưng lại chưa phát huy hết tiềm năng của chính mình", Aaditya Mattoo, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết.

Thương mại toàn cầu phục hồi và triển vọng các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất sẽ giúp bù đắp cho mức tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc. Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, thấp hơn tốc độ 5,2% của năm ngoái. Tuy nhiên, World Bank dự báo GDP nước này sẽ tăng 4,5%.

2022-08-31T025030Z-1221121769-2832-1450-1711957243.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ql9TE9hKndgC3ZxsXh5TLw

Nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất xe điện Nio tại nhà máy ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 28/8/2022. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang chuyển sang con đường tăng trưởng cân bằng hơn nhưng việc kích thích các động lực mới không dễ dàng. "Thách thức với Trung Quốc là lựa chọn các chính sách hiệu quả", ông Aaditya Mattoo nói.

Theo ông, để giảm phụ thuộc vào xây dựng - bất động sản và thúc đẩy hoạt động kinh doanh - tiêu dùng thì kích thích tài chính là không đủ. "Điều cần thiết là phúc lợi xã hội mạnh hơn, các chương trình giúp các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu và từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư", chuyên gia nói.

Trên toàn khu vực, World Bank cảnh báo xuất khẩu của các nước đang phát triển ở châu Á có thể phải hứng chịu các rào cản thương mại ở những thị trường tiêu thụ quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Gần 3.000 chính sách có tác dụng bảo hộ đã có hiệu lực từ 2023, gấp ba lần so với năm 2019.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ giảm nửa điểm phần trăm nếu lạm phát Mỹ tăng bất ngờ và lãi suất bị duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Cùng với đó, khách du lịch Trung Quốc đến các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch ở châu Á vẫn dưới mức trước đại dịch.

Tỷ trọng đầu tư tư nhân trong GDP các nước khu vực cũng thấp hơn mức trước đại dịch. Tình trạng này gần đây được khắc phục nhờ đầu tư công tăng hai năm qua ở Việt Nam và Philippines nhưng giảm ở Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan.

Với việc đầu tư tư nhân suy yếu, tăng trưởng sẽ phải được thúc đẩy bởi năng suất. Nhưng World Bank nhận thấy sự cạnh tranh và đổi mới của các công ty tư nhân bị cản trở bởi sự bảo vệ và kỹ năng không đầy đủ. Tổ chức này khuyến nghị các nước loại bỏ các rào cản cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách giáo dục để thu hẹp khoảng cách năng suất ngày càng lớn giữa các doanh nghiệp tư nhân ở châu Á và các đối thủ ngoài khu vực.

Phiên An (theo AP, Nikkei)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022