Tại hội thảo đo lường carbon rừng ngập mặn do Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức, sáng 9/11, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thị, Viện sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp), cho biết trung bình tăng trưởng toàn khu vực rừng ngập mặn mỗi năm là 6,77 tấn một ha, tương đương với 24.8 tấn CO2. Mức này tương đương với giá trị kinh tế có thể để lại là 124-248 USD.
"Tăng trưởng carbon" được hiểu là sự phát triển của các yếu tố nâng cao giá trị carbon quy đổi rừng ngập mặn về quy mô, diện tích, kích thước cây...
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thi nói về phương pháp đo đếm carbon rừng ngập mặn. Ảnh: Gia Chính
Trong đó, ông Thi cho biết, lượng tăng trưởng carbon bình quân của cây Mắm là cao nhất 8,06 tấn một ha, trong khi đó Bần là 6,93 tấn một ha và Đước là 5,32 tấn một ha.
Kết quả trên có được từ việc triển khai đo đếm tại ba xã của thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2022. Đây là hợp phần trong kế hoạch xác định sinh khối, trữ lượng rừng ngập mặn ở 28 tỉnh ven biển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Thị cho rằng, kết quả này giúp các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, về kinh tế xanh nắm bắt thêm được giá trị bảo vệ môi trường của rừng ngập mặn. Đồng thời, kết quả này đã được Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thẩm định và sử dụng để xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm carbon rừng ngập mặn.
"Đây là lần đầu tiên, một hướng dẫn chuyên ngành trong lĩnh vực này được ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc", ông Thị nói.
Cùng quan điểm này, GS. TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết giá trị quy đổi carbon của từng loại rừng là khác nhau, trong đó rừng ngập mặn thuộc nhóm có giá trị cao nhất. Carbon có thể được nhìn nhận như một loại tài sản mới của hệ sinh thái rừng và có giá trị tiềm năng vì tạo ra thị trường và nguồn thu mới từ việc giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ carbon của rừng.
Rừng ngập mặn Tiền Hải (Thái Bình). Ảnh: Ngọc Thành
"Kết quả của hoạt động này sẽ là cở sở để cộng đồng và các bên liên quan tại Vĩnh Châu thấy được giá trị đa dạng của rừng, trong đó giá trị kinh tế có thể thu được từ carbon rừng sẽ là động lực để cộng đồng trồng rừng, bảo vệ rừng", TS Điển nói thêm.
Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000 ha, thuộc địa bàn 28 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm đầu các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Trong đó, khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%.
Năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD một tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).