Chiều 17/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 21, thảo luận và cho ý kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa uỷ quyền Thủ tướng, đọc tờ trình cho biết một trong đề xuất của Chính phủ khi sửa Luật Nhà ở là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo đó, niên hạn nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi kết luận cho hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng cần có quy định cụ thể việc Nhà nước có quyền quyết định, trách nhiệm di dời, phá dỡ, cải tạo chung cư không an toàn.

Sau kết luận này, theo quy định, Chính phủ vẫn có quyền trình Quốc hội phương án của mình. Trường hợp Chính phủ có quan điểm riêng, ông Định nói, có thể trình hai phương án (phương án riêng của Chính phủ và phương án theo kết luận của Uỷ ban Thường vụ), trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm để các đại biểu Quốc hội thảo luận, lựa chọn. "Việc này để đảm bảo dân chủ, khách quan", ông Định nói.

Nguyen-Khac-Dinh-jpeg-9481-1679051987.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BWD2L-3Jb0c343z3FT0b5w

Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội kết luận phiên thảo luận về dự Luật Nhà ở (sửa đổi), tại phiên họp thứ 21 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 17/3. Ảnh: Phạm Thắng

Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến thường trực cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc không quy định thời hạn sở hữu chung cư. Bởi quy định này tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến giá nhà đất tăng cao.

Nhà ở là tài sản lớn của người dân, nên theo ông Hoàng Thanh Tùng, quy định thời hạn sở hữu khiến quyền sở hữu của người dân sẽ không được xác lập, phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý khi kiểm định nhà chung cư. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho các bên khi mua bán, bởi người mua và bán không biết được tình trạng nhà tại thời điểm ký hợp đồng, khó khăn xác định giá nhà.

Chưa kể, quy định như vậy sẽ dẫn tới mất cân đối cung cầu nhà ở, người dân tăng mua đất thay vì mua nhà chung cư và giá nhà đất có thể tăng cao.

"Không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, mà vẫn giữ như hiện hành và bổ sung quy định về trình tự, thủ tục phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, hết niên hạn sử dụng", ông Tùng nêu.

Thảo luận sau đó, phần lớn thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn không tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói, thường người mua nhà chung cư có thu nhập thấp hơn, còn có tiền họ sẽ mua nhà đất. Theo Luật Đất đai, việc giao đất là không thời hạn, còn nhà chung cư có thể có thời hạn 50 năm hoặc vĩnh viễn tuỳ thuộc quyền sử dụng đất được cấp cho chủ đầu tư.

Ông Cường cho rằng, quy định chủ sở hữu chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư hết thời hạn, xuống cấp phải phá dỡ là không hợp lý. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị xem xét lại quy định này để tránh phản ứng của người dân, xã hội.

Nguyen-Thanh-Nghi2-jpeg-2519-1679051987.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uhv8GU871HkgT-7868feYg

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình tại phiên thảo luận dự Luật Nhà ở (sửa đổi), ở phiên họp thứ 21 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 17/3. Ảnh: Phạm Thắng

Còn ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật đang đưa ra cách tiếp cận mới để khắc phục vướng mắc trong xử lý, phá dỡ chung cư cũ, là chuyển từ sử dụng sang sở hữu có thời hạn, điều kiện với nhà chung cư. Ngoài ra, dự luật cũng xác định các trường hợp Nhà nước sẽ đầu tư cải tạo chung cư không phụ thuộc vào chủ sở hữu.

Nhưng ông băn khoăn dự luật chưa làm rõ, phân tách việc xây dựng nhà chung cư trên đất giao sử dụng vĩnh viễn và có thời hạn, tương ứng là quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu.

"Chính phủ cần làm rõ, rà soát bản chất của vướng mắc cải tạo, phá dỡ chung cư cũ có phải do quy định về sở hữu hay không? Tức luật hiện hành quy định quyền sử dụng thì vướng, và nếu chuyển sang hình thức sở hữu có thời hạn sẽ xử lý được?", ông Thanh lưu ý.

Dẫu vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết cũng có số ít ý kiến tại Uỷ ban này tán thành với đề xuất của Chính phủ, vì cho rằng đây là cơ sở pháp lý, xử lý chung cư hết niên hạn sử dụng.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói "phải bắt đúng bệnh để có chính sách phù hợp". Ông Huệ gợi ý để gỡ vướng khi cải tạo chung cư cũ, xuống cấp có thể chia ra các trường hợp, điều kiện khác nhau như vì lý do bất khả kháng (thiên tại, hoả hoạn) hoặc xuống cấp nguy hiểm.

Ngoài ra, tuỳ điều kiện, thực trạng có thể quy định tháo dỡ một phần, một toà thuộc khu chung cư hoặc cả khu chung cư, tương tự Hà Nội và một số địa phương đang làm.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói lại mục đích trình phương án sở hữu chung cư có thời hạn của Chính phủ là vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng. Ông cho hay đề xuất này xuất phát từ thực tế cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, TP HCM đang vướng mắc.

Tuy vậy ông Nghị nói, "dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt".

Trước nhiều ý kiến không đồng tình, ông cho hay, ban soạn thảo sẽ rà soát, quy định rõ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và mục tiêu cải tạo chung cư cũ.

Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022