Với sản lượng khoảng 24 triệu tấn mỗi năm, tức hơn một nửa sản lượng cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu được coi là "vựa lúa" của Việt Nam và đi kèm sứ mệnh an ninh lương thực. Điều này làm tình trạng thâm canh lúa kéo dài, không được chuyển đổi đất trồng sang mục đích khác khiến cơ hội tăng trưởng của vùng này suy giảm.

Đây là nhận định trong "Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022", vừa công bố tại Cần Thơ. Nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM - người giữ vai trò chính trong thực hiện nghiên cứu - gọi nhiệm vụ an ninh lương thực của Đồng bằng sông Cửu Long là một "định mệnh" và cũng là "bi kịch".

"Cần tháo 'vòng kim cô' an ninh lương thực để vùng này bớt phụ thuộc vào cây lúa. Không một quốc gia nào giàu nhờ trồng lúa. Định mệnh này làm cho nơi đây nghèo. Đó là bi kịch của vùng", ông Tự Anh thẳng thắn trong buổi chia sẻ về báo cáo mới đây.

1-anh297971049-598165261683689-5216-7011-1660201777.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CBq1JuHrlAjfefC0t_FECw

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Fulbright

Thực tế, nửa đầu năm nay, Việt Nam thu về 1,72 tỷ USD nhờ xuất khẩu hơn 3,5 triệu tấn gạo, tăng 4,6% về giá trị nhưng phải tăng đến 16,2% về khối lượng. Giữa lúc giá các mặt hàng nông sản, lương thực thế giới leo thang, giá gạo giữa tháng 6 lại thấp hơn 17% so với tháng 1. Trong khi đó, giá ngô và lúa mì toàn cầu lần lượt cao hơn 27% và 37%, theo Ngân hàng Thế giới.

Lý do chính khiến gạo rẻ là cung quá dồi dào. Dữ liệu của FAO cho biết sản lượng tốt ở các nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan - giúp sản lượng toàn cầu đạt kỷ lục năm ngoái, ở mức 521 triệu tấn.

"Duy trì sản lượng cao là không khôn ngoan. Chúng ta nên giảm sản lượng theo quy luật cung cầu, giá sẽ tăng lên. Nếu chúng ta cứ tăng sản lượng, giá chỉ có thể giảm đi", ông Tự Anh nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2000, diện tích trồng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,94 triệu ha, chiếm 51,5% diện tích trồng lúa cả nước, năm 2015 tăng lên 4,3 triệu ha, chiếm 55%. Đến năm 2020, con số này là 3,96 triệu ha, chiếm 54,5%. Có thể thấy diện tích trồng lúa của vùng trong một thập niên qua không giảm mà còn tăng nhẹ.

Ông Tự Anh cho rằng khi giảm sản lượng, Việt Nam có thể chăm chút chất lượng gạo và ít tác động môi trường hơn. "Vì tăng sản lượng quá nhiều, chúng ta dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Trồng lúa còn sản xuất nhiều CO2 sẽ khó đạt mục tiêu trung hòa carbon. Về chiến lược, cần giảm sản lượng lúa", ông nói.

Nhưng trách nhiệm "an ninh lương thực" của cây lúa không chỉ tác động đến sản lượng và giá cả, mà còn trói khả năng cất cánh cho miền Tây. Theo báo cáo, vùng này đã tăng trưởng chậm dần hai thập niên qua.

Đây còn là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất qua hai năm dịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, vùng có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất, chỉ đạt 2,42% năm 2020 và xuống -0,43% trong năm 2021. Năm ngoái, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì 6 là ở vùng này.

Một phần bởi sức chống chịu kinh tế của các tỉnh miền Tây trước Covid-19 yếu. Năm qua, khi dịch tác động mạnh vào sản xuất và dịch vụ thì nông nghiệp lại không đủ sức cứu, dù vẫn tăng 2,02% trong năm 2020 và 1,57% năm 2021. "Đóng góp của nông nghiệp vào GRDP vùng chỉ 0,5-1 điểm phần trăm, không đủ để vực dậy kinh tế", ông Tự Anh nói.

Nguyên nhân là cơ cấu nông nghiệp nơi đây lạc hậu, manh mún vì phải giữ đất trồng lúa bởi nhiệm vụ "an ninh lương thực". Sản xuất nông nghiệp chú trọng về số lượng hơn chất lượng, nhất là sản lượng lúa, dẫn đến tổng giá trị nông lâm thủy sản không cao.

Cũng vì vậy, thu nhập nông dân thấp. Theo dữ liệu gần nhất của Ngân hàng Thế giới, giá trị gia tăng trung bình của một nông dân miền Tây mỗi năm là 2.917 USD. Con số này thấp hơn Thái Lan (3.217 USD), Indonesia (3.601 USD) chưa nói đến Trung Quốc (5.609 USD) hay Hàn Quốc (20.572 USD).

Trong báo cáo năm nay của VCCI và Fulbright, các chuyên gia kết luận, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với 3 "vòng xoáy đi xuống" về kinh tế, gồm: ngân sách, lao động và cơ cấu kinh tế. Trong đó, "vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của hai vòng xoáy còn lại.

Cụ thể, với sứ mệnh "an ninh lương thực", vùng này phải ưu tiên thâm canh, tăng vụ lúa. Chính sách này đã giúp Việt Nam xóa đói, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp miền Tây trở nên thịnh vượng. Nó còn kìm giữ vùng trong các hoạt động nông nghiệp có năng suất và giá trị gia tăng thấp, cấu trúc chậm chuyển đổi,... Kết quả, vùng thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, không hấp dẫn các nhà đầu tư, lao động tiếp tục di cư vì mức sống thấp và thiếu cơ hội việc làm.

lua-1660132978-7422-1660134908.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=czbytRM-QuGf3sy69BoxaQ

Cánh đồng lúa ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào tháng 1/2022. Ảnh: Ngọc Tài.

Vì vậy, ông Tự Anh và nhóm chuyên gia cho rằng cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Trong một thời gian dài, vấn đề này ở Việt Nam vô hình trung đồng nghĩa với sản lượng lương thực, trong đó chủ chốt là gạo, và hệ quả là phải kiên quyết giữ diện tích đất lúa.

Quan điểm này có thể hợp lý cho đến đầu thập niên 1990 khi đất nước còn thiếu lương thực, nhưng sau đó càng ngày càng trở nên lạc hậu. Theo dự phóng của IPSARD và Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi diện tích lúa giảm xuống còn 3 triệu ha, Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho người, thức ăn cho gia súc, đồng thời thặng dư khoảng 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị nên áp dụng quan điểm "an ninh lương thực" mới, trong đó chú trọng khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, khả năng chống chịu và thích nghi trước những cú sốc về kinh tế và môi trường. Theo đó, cho phép các địa phương chỉ phải giữ một diện tích đất lúa đủ cho tiêu dùng nội địa và dự trữ/xuất khẩu ở một tỷ lệ nhất định. Sau đó, chuyển đổi mục đích một cách linh hoạt sang các hoạt động có năng suất và giá trị cao hơn.

Cuối tháng 2, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, cho phép giảm 88.560 ha diện tích đất trồng lúa, trong tổng số diện tích 3,9 triệu. Cùng với đó là tổ chức lại không gian sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.

Ông Vũ Thành Tự Anh đánh giá, quy hoạch tích hợp nếu triển khai được sẽ tác động lớn đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng. "Tuy nhiên, tôi chưa hình dung nó sẽ được triển khai thế nào", ông nói.

Bản thân báo cáo nghiên cứu cũng nhìn nhận, thực tế ở miền Tây, ưu tiên cao nhất của các địa phương vẫn là làm thế nào để tạo ra các hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư. Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình là lợi nhuận và sự sung túc về kinh tế chứ chưa phải là sự hòa hợp với thiên nhiên. Sự thiếu tương thích giữa mục tiêu và hiện thực tạo ra rất nhiều thách thức trong việc thay đổi quan điểm và ưu tiên phát triển của vùng trong một vài thập niên tới.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022