Thông tin này được công bố trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) Tôn Mai Quân, diễn ra ngày 28/5. Hai bên thống nhất tăng cường năng lực thông quan, nâng thời gian làm việc và nhân lực tại cửa khẩu, đồng thời kéo dài giờ hoạt động nhằm giảm ùn tắc trong mùa vụ nông sản.

Screen-Shot-2025-05-28-at-5-44-4136-7173-1748429625.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QLTVvv3SNAX1FvDwUTpK6g

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng quà lưu niệm bà Tôn Mai Quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: ICD

Sầu riêng được ưu tiên

Trong các nội dung được hai bên thảo luận, sầu riêng là mặt hàng nhận được sự quan tâm đặc biệt. GACC đã cập nhật thêm 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói của Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, đây không chỉ là bước tiến về thủ tục kỹ thuật, mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp Việt. Để duy trì và mở rộng thị trường này, phía Việt Nam đề xuất ba hướng hợp tác trọng tâm: điều chỉnh chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm theo hướng thuận lợi hơn; tăng tốc độ thông quan; và bổ sung, phê duyệt các phòng thí nghiệm đủ điều kiện kiểm định các chỉ tiêu như Cadimi và chất nhuộm Vàng O.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Việt Nam đã chủ động xử lý các vấn đề an toàn thực phẩm bị cảnh báo. Báo cáo tổng hợp các biện pháp điều tra, kiểm soát và khắc phục đã được gửi đến GACC nhằm chứng minh năng lực kiểm soát chất lượng của chuỗi sản xuất - sơ chế - xuất khẩu.

Tại hội đàm, hai bên cùng nhìn nhận thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ. Hiện có 28 nghị định thư và thỏa thuận ghi nhớ đã được ký kết, tạo hành lang pháp lý cho việc xuất khẩu các mặt hàng như trái cây tươi, thủy sản, sữa và nhiều sản phẩm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Mỗi năm, hàng triệu tấn trái cây như dưa hấu, sầu riêng, thanh long, xoài, nhãn... được đưa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Cũng trong chuyến công tác, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã khảo sát một số trung tâm phân phối nông sản lớn của Trung Quốc như Tân Phát Địa và Tập đoàn Cung ứng & Tiếp thị Trung Quốc - nơi có mạng lưới phân phối trải dài và quy mô tài sản lên đến gần 200 tỷ nhân dân tệ. Đây được xem là cơ hội kết nối thực chất giữa doanh nghiệp Việt và các hệ thống phân phối hàng đầu tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Screen-Shot-2025-05-28-at-5-45-7207-2843-1748429625.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DhOgQ27jhuVclKhcj6Y9dw

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: ICD

Sớm mở cửa cho bưởi, chanh, thủy sản

GACC cho biết sẽ sớm cử đoàn công tác sang Việt Nam kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng bưởi, chanh và cơ sở đóng gói sầu riêng, ớt - bước cần thiết để xây dựng dự thảo nghị định thư xuất khẩu mới.

Về thủy sản, hai bên đang hoàn tất thủ tục để ký nghị định thư mới đối với thủy sản khai thác và tươi sống. Các dự thảo cũng tích hợp yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn mới, phù hợp với thực tế thị trường hiện nay.

Phía Trung Quốc đề xuất thành lập tổ công tác chung giữa hai bên nhằm xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, tăng cường hợp tác trong kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt đối với các sản phẩm có rủi ro cao.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 17,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD (tăng 14,3%), nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD (tăng 21%). Riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 5,07 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022